Trung Quốc trước thách thức cải cách SOE

(ĐTTCO) - Trung Quốc đang ngả về một nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng cách tân, đổi mới, tri thức và dịch vụ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thời gian qua đề cập rất nhiều đến cải cách doanh nghiệp nhà nước (SOE), để các doanh nghiệp này có thể khẳng định được chỗ đứng. Tuy nhiên, không ít chuyên gia đã đặt câu hỏi: Liệu SOE có thể cải cách?

(ĐTTCO) - Trung Quốc đang ngả về một nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng cách tân, đổi mới, tri thức và dịch vụ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thời gian qua đề cập rất nhiều đến cải cách doanh nghiệp nhà nước (SOE), để các doanh nghiệp này có thể khẳng định được chỗ đứng. Tuy nhiên, không ít chuyên gia đã đặt câu hỏi: Liệu SOE có thể cải cách?

Thất bại mang tên SASAC

Andrew Batson, Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại GaveKal Dragonomics ở Bắc Kinh, cho hay khi nói về cải cách SOE ở Trung Quốc, đó không phải là liệu pháp sốc tư nhân hóa hàng loạt như Anh đã làm vào những năm 1980. Mục tiêu chính của cải cách không phải là giảm đáng kể khu vực nhà nước, mà là phải có một khu vực nhà nước hoạt động tốt hơn.

Nhiều hãng công nghệ như Alibaba hay Tencent đã thâm nhập thị trường sản xuất, làm rối loạn thị trường truyền thống của các SOE, bằng cách đáp ứng thật nhanh và hiệu quả nhu cầu xã hội. Các hãng này được hưởng nhiều lợi thế trong cạnh tranh vì dựa vào các biện pháp cách tân và sức mua của 1,3 tỷ dân.

Trung Quốc đang cố gắng cải thiện các ngành công nghiệp mà không đẩy hàng ngàn người vào cảnh thất nghiệp. Một trong những biện pháp từng được các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đưa ra đó là đề xuất tước quyền quản lý, giám sát của Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản nhà nước (SASAC). Được thành lập vào năm 2003, nhiệm vụ chính của SASAC là giám sát các tập đoàn nhà nước hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Nicholas Lardy, chuyên gia cấp cao của viện Peterson về kinh tế quốc tế, người từng nghiên cứu về Trung Quốc hơn 3 thập niên, nhận định SASAC là một thất bại vô cùng lớn của Trung Quốc. “Lợi nhuận trên tài sản của SOE dưới dự giám sát của SASAC ngày càng đi xuống và các công ty đó đang góp phần kéo lùi tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới” - chuyên gia Lardy nói.

Paul Hubbard, chuyên gia kinh tế của trường Đại học Quốc gia Australia, cho rằng Trung Quốc luôn khẳng định sở hữu nhà nước là một nền tảng của nền kinh tế nước này. Việc công khai minh bạch các SOE có năng lực đủ sức cạnh tranh và các doanh nghiệp kém hiệu quả được xem là công thức tốt cho tăng trưởng. SASAC được thành lập cho thấy mong muốn của chính phủ Trung Quốc trong quá trình cải cách SOE nhằm tập trung đầu mối theo dõi và giám sát các SOE thay cho cơ chế phân tán trước đó. Tuy nhiên, trên thực tế, kể từ sau khi SASAC hình thành, Bắc Kinh bị đánh giá ngày càng xa rời mô hình cải cách đã thành công trong giai đoạn trước, chính quyền ngày càng lưỡng lự trong việc ra quyết định đóng cửa các doanh nghiệp yếu kém. Điều này dẫn tới hệ quả tài sản nhà nước không được tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực mà chính phủ mong muốn và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước ngày càng suy giảm.

Chưa dừng lại ở đó, việc quản lý khối tàn sản lớn lại làm nảy sinh nạn tham nhũng tại SASAC. Tháng 4-2015, cựu Chủ nhiệm SASAC Tưởng Khiết Mẫn đã bị đưa ra tòa xét xử về tội tham nhũng. Tòa án nhân dân Hán Giang thuộc tỉnh Hồ Bắc cho biết các công tố viên cáo buộc ông Tưởng Khiết Mẫn nhận hối lộ, sở hữu một khối tài sản lớn từ các nguồn bất minh và lợi dụng chức quyền. Chưa đầy 6 tháng kể từ khi nhậm chức Chủ nhiệm SASAC, ông Tưởng Khiết Mẫn đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đưa vào danh sách điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Alibaba đã thâm nhập thị trường sản xuất, làm rối loạn thị trường truyền thống của các SOE.

Alibaba đã thâm nhập thị trường sản xuất, làm rối loạn thị trường truyền thống của các SOE.

Chú trọng kế hoạch cải cách

Tờ Le Monde dẫn lời 2 chuyên gia tài chính Andrew Sheng, thành viên Hội đồng tư vấn về tài chính bền vững Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc, và Xiao Geng, Giám đốc Diễn đàn Tài chính quốc tế, nhận định để các doanh nghiệp có thể khẳng định chỗ đứng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đặc biệt chú ý xây dựng kế hoạch cải cách. Trong 30 năm qua, các doanh nghiệp đã đưa Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Cũng chính các doanh nghiệp Trung Quốc là ngòi nổ kích thích xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong các lĩnh vực nhà nước độc quyền, như truyền thông, sản xuất năng lượng và trong các lĩnh vực chiến lược, như sản xuất thép, than đá và ngân hàng.

Mô hình lỗi thời khiến các SOE không bắt kịp xu hướng mới. Các SOE cũng đã không vượt qua được các thách thức về công nghệ mới, để có thể thay đổi được mô hình tăng trưởng, vốn thành công trong quá khứ. Nhu cầu về sản phẩm lâu bền đã giảm, Trung Quốc giờ đây phải chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và phát triển dịch vụ. Do xuất khẩu giảm nên Trung Quốc phải kích thích tiêu dùng trong nước. Việc các SOE không có khả năng cải tổ đã hãm phanh sự phát triển. Các doanh nghiệp này tuy được hưởng nhiều ưu đãi về vốn vay, tài nguyên và quỹ đất, nhưng lại chịu sự kiểm soát cứng nhắc, luân chuyển cán bộ ở mức cao và chiến dịch chống tham nhũng. Hiện nay, các cơ sở công nghệ tư nhân, trong đó có rất nhiều cơ sở lên sàn chứng khoán ở nước ngoài, thu hút phần lớn giá trị thặng dư, được tạo ra từ cách làm kinh tế mới. Vì thế các nhà hoạch định chính sách phải tìm ra cách tài trợ, để giải thể các doanh nghiệp nhà nước lỗi thời và phát triển các cơ sở mới.

Theo giới quan sát, có vẻ như tính chất bất trắc của tình hình đã khiến chính quyền phải suy nghĩ lại về dự án cải cách, vốn ban đầu được khởi sự rất quyết liệt. Bắc Kinh nghĩ rằng khi hệ thống kinh tế tài chính được xây dựng trên cơ sở mạng lưới nhiều yếu tố phụ thuộc lẫn nhau, chỉ cần can thiệp vào một yếu tố duy nhất cũng đủ gây ra những hậu quả nặng nề. Câu trả lời nằm trong các thách thức về an ninh thông tin và cạnh tranh. Nếu các SOE tận dụng được ưu thế kinh tế theo quy mô để tạo ra các cơ sở nền tảng và dịch vụ giá rẻ, có thể góp phần quản lý việc sử dụng thông tin của các cơ sở tư nhân lớn và quản lý được các công ty nước ngoài khổng lồ như Facebook hoặc Google trên thị trường Trung Quốc. Các ngân hàng nhà nước sẽ có thể đề xuất nhiều dịch vụ tài chính an toàn cho hàng triệu công ty vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp nhà nước cũng có thể liên kết với các đối tác tư nhân ở địa phương, để xây dựng và quản lý hệ thống giao thông, thoát nước ở đô thị và để hỗ trợ các tổ chức kiểm soát an toàn thực phẩm, ô nhiễm và an ninh công cộng.

Các nhà chức trách Trung Quốc có lý khi suy tính kỹ trước khi vào cuộc. Đây sẽ là một thử thách lớn. Nhưng thử thách này không là gì cả so với các vấn đề mà chính quyền Trung Quốc phải đối mặt, nếu vẫn duy trì mô hình kinh tế cũ.

Các tin khác