Mắt xích nhóm Trần Ngọc Bích tại VNCB

4.500 tỷ đồng từ đâu ra?

(ĐTTCO) - Phiên xét xử vụ án xảy ra tại NH Xây Dựng (VNCB) đã diễn ra đến tuần thứ 2, trong đó có câu hỏi liệu Phạm Công Danh có thực sự bỏ ra 4.500 tỷ đồng tái cơ cấu một NH đang trong tình cảnh phá sản, để rồi chỉ trong vòng 1 năm đã rút ruột hơn 18.000 tỷ đồng, tương đương số tiền huy động được. Phải chăng có sự tiếp tay để có được nguồn vốn đó, và quan hệ giữa nhóm khách hàng có người đại diện là bà Trần Ngọc Bích, Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, với VNCB từ tháng 6-2012 có phải là mắt xích?

4.500 tỷ đồng từ đâu ra?

Từ NHTMCP Đại Tín (Trustbank) đến VNCB và NH 0 đồng hiện nay vẫn đang là sự quan tâm của thị trường tài chính. Trong đó, Trustbank được xem là điển hình về một NHTMCP nông thôn nhỏ bé đã tăng trưởng bùng nổ sau khi được chuyển đổi thành NHTMCP đô thị, thực hiện lộ trình tăng vốn điều lệ mạnh mẽ, có tỷ lệ cổ phần rất cao thuộc sở hữu của một cổ đông, rồi nhanh chóng rơi vào tình trạng yếu kém. Tại thời điểm tháng 2-2012, Trustbank được NHNN chính thức xác định là 1 trong 9 NHTM yếu kém phải tái cơ cấu và bị kiểm soát đặc biệt.  

Từ vụ án VNCB cho thấy việc quản lý tại NH còn quá nhiều kẽ hở và những mảng tối lớn trong hoạt động NH hiện nay. Các NH đã vi phạm luật nghiêm trọng khi dùng gần như toàn bộ vốn huy động của mình để cho vay những công ty sân sau. NH âm hàng ngàn tỷ đồng vẫn báo cáo lãi.

Lúc đó NHNN thành lập Tổ giám sát Trustbank do các cán bộ lãnh đạo của Chi nhánh NHNN tại Long An điều hành, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải được Tổ giám sát thông qua. Tại thời điểm 31-12-2012, cộng với khoản lỗ từ hoạt động tín dụng (do chi phí lãi vay trả cho vốn huy động cao hơn thu nhập từ lãi cho vay), lỗ lũy kế của NH là 8.671 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của Trustbank âm 5.616 tỷ đồng. Chắc hẳn khi quyết định bước chân vào Trustbank, ông Phạm Công Danh đã nắm được những con số này, trước khi nhận chuyển nhượng cổ phần từ nhóm cổ đông cũ thông qua Tập đoàn Thiên Thanh do ông sở hữu 80% cổ phần. Tại thời điểm chấp nhận chủ trương tái cơ cấu Trustbank, Thiên Thanh vẫn được xem là tổ chức có năng lực tài chính với vốn chủ sở hữu hơn 1.200 tỷ đồng. Đối với một NH yếu kém, âm vốn chủ sở hữu như Trustbank nhưng ông Danh vẫn chấp nhận mua,và còn có ý định tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng, cho đến nay mới có câu trả lời phần nào.

 Lại nói về góc khuất trong kế hoạch tăng vốn khủng nhóm cổ đông mới vạch ra cho Trustbank khi đó đã được đổi tên thành VNCB. Cuối năm 2013, VNCB thông báo việc tăng vốn điều lệ thêm 4.500 tỷ đồng đã hoàn tất. Trong thông báo ngày 6-1-2014, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng xác nhận kết quả chào bán thành công 450 triệu cổ phần riêng lẻ tại Báo cáo 365/2013/BC-VNCB ngày 25-12-2013 của VNCB. Nhưng đến thời điểm tháng 8-2015, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời trên một tờ báo: “Trên sổ sách tổng nghĩa vụ vay của nhóm khách hàng liên quan đến ông Phạm Công Danh như công bố của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an hơn 18.000 tỷ đồng. Riêng tiền mặt còn giữ tại NH, số tiền đã nộp vào để tăng vốn điều lệ nhưng NHNN chưa cấp phép cho tăng 4.500 tỷ đồng”. Câu hỏi đặt ra là 4.500 tỷ đồng này từ đâu ra? Liệu nhóm cổ đông mới của ông Danh thực sự có số tiền này để đổ vào tái cơ cấu NH hay họ huy động từ nguồn nào. Bởi lẽ, trong phiên chất vấn người đứng đầu ngành NH tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29-9-2014, Thống đốc NHNN xác nhận hoạt động sai trái của cổ đông được phát hiện trong quá trình điều tra không diễn ra tại VNCB mà thông qua hoạt động vay mượn ở nơi khác. Trở lại mục đích đến với Trustbank lúc gần như rơi vào tình trạng phá sản, theo kết luận của cơ quan điều tra, từ tháng 12-2012 đến tháng 3-2014, ông Phạm Công Danh thông qua các cá nhân và tổ chức có liên quan đã rút 18.637 tỷ đồng từ VNCB. Số tiền này khớp với giá trị huy động tiền gửi tăng thêm của VNCB trong khoảng thời gian này.

Ẩn số 5.190 tỷ đồng mất tích

Theo diễn biến trong phiên xét xử ngày 27-7, phiên xét xử thứ 7 đại án Phạm Công Danh và những sai phạm tại VNCB, bà Trần Ngọc Bích, Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, khẳng định lần nữa quan hệ vay vốn với VNCB từ tháng 6-2012 khi còn là  Trustbank, với lãi suất khoảng 9,5-10,5%/năm; đồng thời không có mối quan hệ với ông Phạm Công Danh. Khi được nói ý kiến tại tòa, bà Bích có ý xin rút lại những sổ tiết kiệm tại VNCB để trả khoản nợ 5.190 tỷ đồng. Không đề cập đến các khoản giải ngân hơn 17.000 tỷ đồng đã được tất toán thông qua hàng loạt giao dịch trước đó, trong những phiên xét xử qua, tòa tập trung làm rõ khoản 5.190 tỷ đồng chuyển từ tài khoản này sang tài khoản khác nhưng không có hồ sơ, chứng từ, không có chữ ký của chủ tài khoản. Và đây cũng là một trong những mắt xích quan trọng trong vụ đại án này.

Theo lời khai của Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), ngày 21-6-2013, VNCB giải ngân 3.100 tỷ đồng vào tài khoản của bà Bích và được sự đồng thuận của bà Bích, số tiền này được chuyển đến tài khoản của Phạm Công Danh không cần bà Bích ký ủy nhiệm chi. Cùng ngày, số tiền 3.160 tỷ đồng từ tài khoản của ông Danh chuyển đến tài khoản của ông Trần Quý Thanh (cha ruột bà Bích, Chủ tịch Tân Hiệp Phát), ngay sau đó ông Thanh chuyển số tiền này vào lại VNCB để tất toán cho những hợp đồng vay của nhóm bà Bích ngày 21-6-2013.

Tương tự, ngày 26-8-2013, nhóm Trần Ngọc Bích nhận giải ngân 2.090 tỷ đồng của VNCB, nhưng ngay sau đó Phạm Công Danh đã chỉ đạo Quyết chuyển 2.090 tỷ đồng từ tài khoản của bà Bích tại VNCB vào tài khoản của Phan Minh Tùng, Mai Hữu Khương đồng sở hữu mở tại VNCB. Cùng ngày, Danh chỉ đạo Quyết chuyển số tiền 2.110 tỷ đồng vào tài khoản của ông Trần Quý Thanh để thanh lý các hợp đồng tín dụng ngày 26 và 30-7. Tòa cũng đặt ra câu hỏi vì sao có sự chênh lệch 80 tỷ đồng giữa tổng số 5.190 tỷ đồng giải ngân vào tài khoản nhóm bà Bích và 5.270 tỷ đồng từ bị cáo Danh đến tài khoản ông Thanh. Hoàng Đình Quyết không giải thích cụ thể được mà chỉ cho rằng có thể theo thỏa thuận giữa bị cáo Danh và bà Bích.

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa.

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa.

Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ theo cáo trạng, các hợp đồng vay vốn của nhóm bà Bích tại VNCB các ngày 21-6, 26 và 30-7 đã được tất toán từ trước đó. 2 khoản này ông Danh đã rút ra mà không có chữ ký của chủ tài khoản để trả nợ các khoản vay của chính mình trước đó nên gây thiệt hại cho VNCB. Cho đến nay bà Bích vẫn khẳng định sau ngày 21-8-2013 bà không ký ủy nhiệm chi chuyển tiền đi đâu nên vẫn đinh ninh tiền vẫn nằm trong tài khoản của mình. Cho đến thời điểm 15-7-2014, tức khoản 1 năm sau, cơ quan điều tra cung cấp thông tin tài khoản của bà không còn tiền, lúc đó bà Bích mới biết. Số tiền 5.190 tỷ đồng được cho là tiền vay của nhiều cá nhân trong nhóm thỏa thuận miệng để hợp tác kinh doanh, được giải ngân đồng loạt vào tài khoản của bà Bích nhằm để bà chịu trách nhiệm quản lý, chủ động sử dụng nguồn vốn. Nhóm của bà Bích tại VNCB còn 124 sổ tiết kiệm gửi tại VNCB tổng cộng 5.881 tỷ đồng đang được cơ quan điều tra kê biên, nhóm này đang đòi NH để cấn trừ nợ. Dù có mâu thuẫn trong lời khai của 2 bên, nhưng diễn biễn cho thấy số tiền trên đã được chuyển lòng vòng qua các tài khoản với điểm đầu là nhóm Trần Ngọc Bích và điểm đến là ông Trần Quý Thanh và bị Phạm Công Danh dùng để trả nợ cho VNCB. Đây thực chất là một hình thức đảo nợ khi nợ vay đến hạn mà không trả được.

 Về việc tiếp nhận Trustbank từ nhóm cổ đông cũ là bà Hứa Thị Phấn và nhận nghĩa vụ trả nợ thay cho bà Phấn của Phạm Công Danh, theo phân tích của một chuyên gia kinh tế trước năm 2013, Trustbank nằm trong mạng lưới sở hữu chéo với các cá nhân và tổ chức kinh doanh bất động sản liên quan tới bà Hứa Thị Phấn. Từ năm 2013, Trustbank nằm trong mạng lưới sở hữu chéo với các cá nhân và tổ chức kinh doanh bất động sản liên quan tới ông Phạm Công Danh. Về bản chất, NHNN đã chọn phương án dùng sở hữu chéo mới thay cho sở hữu chéo cũ để tái cơ cấu một NH không phải là chỉ yếu kém mà đã thực sự phá sản. Theo kết quả điều tra, Phạm Công Danh đã rút khỏi NH tổng cộng 12.057 tỷ đồng (trong đó có khoản 5.190 tỷ đồng của nhóm khách hàng Trần Ngọc Bích), đã gây thiệt hại cho NH 9.133 tỷ đồng chỉ trong 1 năm rưỡi. Trong số tiền rút ra, ngoài dùng trả nợ có đến 3.117 tỷ đồng Danh không giải trình nổi đã làm gì và 1.489 tỷ đồng chi chăm sóc khách hàng.

Qua vụ án VNCB, một lỗ hổng lớn trong quản lý đã được chỉ ra: dù bị giám sát đặc biệt nhưng hàng ngàn tỷ đồng vẫn bị rút ra khỏi NH. Mặt khác, việc đảo nợ lòng vòng trong NH và có những khoản vay hàng ngàn tỷ đồng được giải ngân ngay mà thiếu đi sự giám sát. Chắc chắn VNCB không phải là trường hợp cá biệt mà còn nhiều trường hợp tương tự nữa. Tuy nhiên, công chúng và cổ đông nhỏ chỉ biết đến mảng tối này khi nó đã thành án. Điều này đặt ra một dấu hỏi lớn trong việc minh bạch hóa thông tin và quản lý NH hiện nay ở Việt Nam.

Các tin khác