Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Báo cáo của Bộ Kế hoạch- Đầu tư (KH-ĐT) thừa nhận tăng trưởng của nền kinh tế khó đạt được mục tiêu đề ra 6,7%. Điều này do tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều yếu tố khó lường; tăng trưởng GDP đang có dấu hiệu chững lại: quý I tăng 5,48% (thấp hơn 1,53% so với tốc độ tăng trưởng quý IV-2015), quý II cũng chỉ tăng 5,55%. Tính chung GDP 6 tháng chỉ tăng 5,52% - thấp hơn nhiều so với mức cùng kỳ năm 2015 là 6,47%. Tăng trưởng kinh tế suy giảm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về bội chi ngân sách trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra, nợ công và nợ chính phủ dự báo đến cuối năm sẽ vượt mức trần cho phép.

(ĐTTCO) - Ngày mai 29-7, Quốc hội sẽ nghe báo cáo, thẩm tra và sau đó thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch- Đầu tư (KH-ĐT) thừa nhận tăng trưởng của nền kinh tế khó đạt được mục tiêu đề ra 6,7%. Điều này do tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều yếu tố khó lường; tăng trưởng GDP đang có dấu hiệu chững lại: quý I tăng 5,48% (thấp hơn 1,53% so với tốc độ tăng trưởng quý IV-2015), quý II cũng chỉ tăng 5,55%. Tính chung GDP 6 tháng chỉ tăng 5,52% - thấp hơn nhiều so với mức cùng kỳ năm 2015 là 6,47%. Tăng trưởng kinh tế suy giảm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về bội chi ngân sách trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra, nợ công và nợ chính phủ dự báo đến cuối năm sẽ vượt mức trần cho phép.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, trong 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%. Đây là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh hiện nay, khi không còn dư địa hoặc rất khó khăn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa. Nếu thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa có thể kích cầu tăng trưởng, nhưng sẽ tác động bất lợi tới lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá ngoại tệ theo hướng ổn định. Các tác động này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng năm 2017 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, nếu các ngành, các cấp nỗ lực phấn đấu như lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 6 tháng cuối năm khoảng 1,8-2%; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo... vẫn có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Báo cáo về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố, cũng dự báo việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016 ở mức 6,7% là không khả thi. Dù vậy CIEM vẫn ủng hộ việc Chính phủ kiên quyết giữ vững mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm. Theo CIEM, GDP 6 tháng đầu năm nay tăng chậm một phần do nền kinh tế tác động gián tiếp từ thay đổi bộ máy Chính phủ mới, nhiều chính sách mới, cách quản lý mới và quy định mới được đưa ra. Do đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trông chờ và nghiên cứu để đưa ra những chiến lược phù hợp cho phát triển của mình. Độ trễ của chính sách cũng tác động đến tăng trưởng thời gian qua. Trước đó, đầu tháng 7, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2016 của Việt Nam xuống mức 6,2%, thấp hơn 0,4% so với dự báo đưa ra hồi tháng 1.

Tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn cũng có lý do từ việc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều trở ngại. Theo lãnh đạo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chằng chịt ràng buộc vô lý, chi phí kinh doanh cao (cả chi phí chính thức và phi chính thức), buộc nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phải sang tận Singapore để khai sinh… Trong khi đó, chỉ mới rà xét bước đầu, ít nhất có 50 luật và khoảng 150 điều khoản trong các luật liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư, kinh doanh cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, môi trường, xây dựng… Thế nhưng, trong chương trình làm luật năm 2017 lại chưa có kế hoạch sửa những điều này.

Còn theo Bộ Tài chính, một vấn đề lớn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế năm nay là việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, đến nay mới đạt 33,7% kế hoạch năm. Do đó, nếu giải ngân không đạt kế hoạch trong 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, các tỷ lệ về nợ công, bội chi đều dựa trên tăng trưởng GDP theo kế hoạch là 6,7%. Nếu không đạt mục tiêu này, các tỷ lệ về nợ công, bội chi sẽ vượt dự toán đề ra, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách. Bộ Tài chính thừa nhận tăng trưởng kinh tế đạt 6% là tốt, 6,3-6,5% là rất tốt, còn để đạt 6,7% rất khó.

Trong khi đó, lạm phát 6 tháng đầu năm dù được kiểm soát, nhưng theo Bộ KH-ĐT vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao. Giá cả đầu vào và tổng cầu sẽ gây áp lực tăng giá trong thời gian tới. Cụ thể, giá dầu thô đã xuống đáy và tăng trở lại và hiện đang dao động ở mức 45USD/thùng - thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng cao hơn 70% so với mức thấp nhất đầu năm. Dự báo, giá dầu thô biến động khó lường và có thể tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Xu hướng tăng của mặt bằng giá thế giới và dầu thô sẽ tác động tăng giá tới hầu hết các vật tư, nguyên liệu, đặc biệt khi Việt Nam phải nhập khẩu tới 85% vật tư, nguyên liệu. Việc giá dầu thô tăng sẽ đẩy chi phí, giá thành sản xuất tăng, gây áp lực tăng giá đầu ra. Ngoài ra, việc Nhà nước điều chỉnh giá các mặt hàng đang quản lý như dịch vụ y tế dự kiến tăng trong 4 đợt; học phí tăng vào tháng 9, cùng với hậu quả của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn... cũng sẽ gây áp lực tăng giá nhiều mặt hàng, trong đó có lương thực, thực phẩm.

Các tin khác