Gánh nặng lãi suất vay tín chấp

Vay 1 trả 2

(ĐTTCO) - Vay tiền mặt tín chấp đang được các công ty tài chính (CTTC) đẩy mạnh phát triển và đã có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Tuy nhiên, mức lãi suất CTTC áp dụng đối với các khoản vay tiền mặt vẫn quá cao, gây thiệt thòi cho người vay.

Vay 1 trả 2

Đang có khoản vay trả góp hàng điện máy gần 9,7 triệu đồng kỳ hạn 12 tháng lãi suất 2,92%/tháng và đã có 6 tháng góp đúng hạn, gần đây anh T.K (ngụ quận 8, TPHCM) liên tục được nhân viên một CTTC gọi điện thoại mời chào vay tiền mặt tín chấp. Cụ thể nhân viên này cho biết sẽ ưu đãi cho vay tiền mặt với số tiền 25 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng, phí đóng góp hàng tháng 2,21 triệu đồng, bao gồm tiền gốc, lãi và bảo hiểm khoản vay, 2 giờ sau khi ký hợp đồng sẽ nhận được tiền tại NH liên kết hoặc bưu điện.

Các CTTC cần xem xét, cho vay với lãi suất hợp lý nhằm giúp các đối tượng vay vốn giảm bớt khó khăn trong vấn đề trả nợ, đồng thời hạn chế được tình trạng nợ xấu từ cho vay tiêu dùng. Theo đó, lãi suất cho vay của CTTC nên áp dụng ở mức 30%/năm là hợp lý, còn nếu lãi suất vay trên 30%/năm là quá cao.

Dù anh T.K từ chối nhưng nhân viên của CTTC này vẫn gọi nhiều lần và nói sẽ bảo lưu chờ quyết định của anh vì đợt này có rất ít khách hàng được ưu đãi, nếu tham gia khách hàng còn được bốc thăm trúng thưởng tivi 40 inches. Khi anh đặt vấn đề về việc phí đóng góp hàng tháng nếu cộng lại hơn 53 triệu đồng, tức hơn gấp đôi khoản tiền vay, nhân viên này giải thích do khách hàng cộng dồn lại 24 tháng đương nhiên thấy nhiều nhưng nếu góp mỗi tháng chỉ hơn 2 triệu sẽ không chịu nhiều áp lực. Trong khi đó, chị T.L (ngụ quận Bình Tân) cũng cho biết do cần tiền chữa bệnh gấp cho người thân, chị đã gấp rút ký hồ sơ vay tiền mặt của một CTTC 30 triệu đồng, trả góp 1,8 triệu đồng/tháng trong vòng 3 năm để đóng viện phí, theo đó tổng số tiền chị phải trả cho khoản vay lên đến 65 triệu đồng.

Cho vay tiền mặt đang ngày càng phổ biến tại các CTTC. Những khách hàng mới sẽ được vay tối đa 20 triệu đồng, trong khi khách đã từng có hợp đồng vay trả góp đối với mặt hàng xe máy, điện tử, điện gia dụng… được vay tối đa 60 triệu đồng. Trước đây, CTTC chủ yếu cho vay mua hàng trả góp, trong khi nhu cầu vay tiền mặt chi tiêu cho cuộc sống rất lớn chưa được đáp ứng đủ. Vì thế, gần đây các CTTC đã mở rộng cửa đối với việc cho vay tiền mặt. Tuy nhiên, lãi suất vay tại các CTTC so với kỳ vọng của người vay vẫn còn cao. Hơn nữa, đa số CTTC cho vay tín chấp đều không áp dụng lãi suất tính theo dư nợ giảm dần, mà phải trả hàng tháng tính trên tổng số tiền vay ban đầu. CTTC nào áp dụng lãi suất tính theo dư nợ giảm dần, lãi suất vay sẽ cao hơn 1,5-2%/tháng. Bên cạnh đó, người vay còn phải chấp nhận hàng loạt điều kiện bất lợi, như phí phạt trễ hạn cao, phải trả góp từ 4 tháng trở lên mới được trả trước hạn với phí phạt trả trước hạn 15% khoản tiền trả trước hạn, phí tất toán hợp đồng.

Cần bảo vệ người vay

Khi nhận được phản ánh về lãi suất vay, hầu hết CTTC đều cho rằng vay tín chấp không có tài sản đảm bảo, khoản vay có giá trị thấp nhưng rủi ro lại cao, tốn kém nhiều chi phí liên quan nên phải áp dụng lãi suất tương đương với rủi ro họ phải đối mặt. Đồng thời, ngoài vốn tự có để cho vay, các CTTC phải vay mượn từ công ty mẹ hoặc NH để cho vay lại, đây cũng là nguyên nhân đẩy lãi suất cho vay của các CTTC lên cao. Tuy nhiên, khách hàng chủ yếu của CTTC là người lao động phổ thông thu nhập thấp có nhu cầu chi tiêu thực. Vì thế, lãi suất cho vay của CTTC ở mức 5-7%/tháng là quá cao so với đối tượng này. Thực tế đã xảy ra nhiều tranh chấp giữa CTTC và khách hàng phải đưa ra tòa án xuất phát từ lãi suất cao này.

Theo thống kê của NHNN, vào cuối năm 2010 cho vay tiêu dùng chỉ chiếm 2,3% tổng dư nợ, vào khoảng 16.000 tỷ đồng, đến cuối năm 2015 dư nợ cho vay tiêu dùng đã chiếm 6,8% tổng dư nợ, đạt 90.000 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong vòng 5 năm, dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng gấp 5 lần. Tuy nhiên, dù lĩnh vực cho vay tiêu dùng tăng trưởng nhanh, nhưng đến nay khung pháp lý đối với lĩnh vực này vẫn chưa được thực thi đúng và đủ. Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo nếu vay tiêu dùng không được quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một vấn đề nữa là ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu, ngoài hệ thống pháp lý, luật bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính cũng được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng quốc gia để cân bằng lợi ích giữa bên cho vay và bên đi vay, trong khi ở Việt Nam, người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính vẫn chưa được bảo vệ.

Trong bối cảnh các CTTC và người tiêu dùng còn gút mắc về lãi suất, hiện nay, các NHTM lại đang tranh thủ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, vay tín chấp bằng tiền mặt trực tiếp hoặc cho vay tiêu dùng qua các CTTC trực thuộc. Theo tìm hiểu của ĐTTC, lãi suất cho vay tiền mặt tín chấp của các NH khoảng 1,42-2,95%/tháng, có thể vay tối thiểu 6 tháng, tối đa đến 36 tháng, hồ sơ duyệt vay được rút ngắn chỉ 2-3 ngày. Các NH cũng có nhiều ưu đãi kèm theo như các chương trình khuyến mại và giảm lãi suất, không thu phí dịch vụ, khoản vay tín chấp sẽ được bảo mật, thậm chí nhân viên NH hoặc CTTC trực thuộc NH sẽ tư vấn và nhận hồ sơ tận nơi, giải thích chi tiết về chương trình vay. Với sự cạnh tranh đó, người tiêu dùng kỳ vọng các CTTC sẽ đưa lãi suất cho vay về mức hợp lý để giảm thiểu thiệt thòi khi vay tín chấp.

Các tin khác