Dệt may khó đạt mục tiêu

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, đâu là lý do khiến xuất khẩu dệt may năm nay của Việt Nam gần như không thể chạm mốc 31 tỷ USD như kế hoạch đưa ra hồi đầu năm?

(ĐTTCO) - Nhìn vào bức tranh chung của ngành dệt may năm 2016, ông PHẠM XUÂN HỒNG (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đánh giá mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD trong năm nay rất khó hoàn thành. Để tìm hiểu sâu hơn về những khó khăn của các DN, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, đâu là lý do khiến xuất khẩu dệt may năm nay của Việt Nam gần như không thể chạm mốc 31 tỷ USD như kế hoạch đưa ra hồi đầu năm?

Ông PHẠM XUÂN HỒNG: - Trước hết cần nhìn lại thời điểm đầu năm 2016, khi đó ngành dệt may kỳ vọng vào tác động từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), hy vọng đơn hàng sẽ dồi dào nên đặt mục tiêu khá tham vọng là 31 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016. Tuy nhiên, đã qua 6 tháng đầu năm nhưng mọi chuyện lại đang dần khác đi. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm đạt 10,7 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 5,1%, nhưng vẫn là kết quả thấp nhất của ngành kể từ năm 2010 trở lại đây. Quan trọng hơn, kim ngạch này chỉ đạt khoảng 1/3 kế hoạch, vì thế mức kim ngạch 31 tỷ USD hầu như không thể đạt được trong năm nay.

Có thể nhìn nhận một số khó khăn của ngành như: Độ khả thi của các FTA chưa rõ nét, các điều kiện hưởng ưu đãi cũng chưa rõ. Vốn đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may bắt đầu chững lại chứ không còn sôi động như năm trước. Cạnh tranh về giá khiến đơn hàng giảm, khách hàng dịch chuyển đơn hàng sang các nước khác như Campuchia, Myanmar, Bangladesh…. Việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) cũng tác động tới ngành dệt may khi các DN có hợp đồng ở Anh bị hạ giá hoặc hủy đơn hàng khá nhiều. Đặc biệt, DN dệt may Việt Nam đang bị giảm sức cạnh tranh do các chi phí đầu vào tăng cao hơn nhiều so với các nước khác.

- Ông có thể nói rõ hơn việc giảm sức cạnh tranh do chi phí đầu vào tăng cao?

- Hiện nay các DN bức xúc nhất là việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và phí công đoàn quá cao so với nhiều nước. Điều này đương nhiên làm giảm sức cạnh tranh của DN. Thời gian qua, phía Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã kiến nghị lên Chính phủ không tiếp tục tăng lương tối thiểu, bởi lương tối thiểu tăng BHXH, BHYT và phí công đoàn cũng tăng theo, gây áp lực lớn cho DN, do những chi phí này chiếm tới 72% trong đơn giá gia công ngành dệt may. Đồng thời, hiệp hội đề xuất Chính phủ về việc thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn từ 500-1.000ha, tránh tình trạng các địa phương tự quy hoạch, cấp phép gây chồng chéo. Hạn chế cấp giấy phép cho DN FDI đầu tư vào ngành may, chỉ nên thu hút đầu tư FDI vào khâu sợi, dệt, nhuộm hoàn tất với điều kiện phải bảo đảm các quy định về môi trường. Theo quan điểm của chúng tôi, khi đưa ra quy định gì cần xem xét đến sự tương đồng với các nước khác xem mình làm như vậy có hợp lý hay chưa, bởi nếu không hợp lý sức cạnh tranh của DN giảm, DN có thể không thể phát triển, thậm chí không thể tồn tại. Mà sự tồn tại phát triển của DN lại chính là yếu tố tác động đến nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

- Câu chuyện năng suất lao động và thiếu nhân lực trong ngành dệt may hiện nay được giải quyết ra sao, thưa ông?

- Nói về vấn đề lao động, trước tiên phải nói đến một chính sách ảnh hưởng tới sự ổn định năng suất lao động của DN, đó là chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đây là chính sách tốt nhưng khi vào thực tế còn nhiều lỗ hổng, chính vì lẽ đó nhiều người lao động cố tình nghỉ việc để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Về năng suất lao động, hiện nay để tăng năng suất nhiều DN dệt may đã đầu tư thêm thiết bị, cải tiến quản lý và phương thức sản xuất kinh doanh, tất nhiên nếu so với nhu cầu vẫn còn một khoảng cách nữa.

DN dệt may Việt Nam đang bị giảm sức cạnh tranh do các chi phí đầu vào tăng cao.

DN dệt may Việt Nam đang bị giảm sức cạnh tranh do các chi phí đầu vào tăng cao.

Nhìn vào bức tranh chung của cả ngành, nhân lực đang bị thiếu khá nhiều, đặc biệt trong những mảng đòi hỏi nhân lực có trình độ như sợi, dệt, nhuộm, ngoài ra mảng thiết kế cũng rất hiếm nhân sự được đào tạo bài bản. Đã có một số thống kê minh chứng cho điều này như cứ 1 tỷ USD xuất khẩu dệt may tăng thêm sẽ tạo ra 80.000 việc làm trực tiếp. Để đáp ứng mục tiêu phát triển, dự kiến ngành dệt may cần khoảng 3 triệu lao động vào năm 2020. Như vậy, bình quân mỗi năm ngành dệt may cần thêm khoảng 100.000 lao động, chưa kể phải bổ sung số lao động đến tuổi nghỉ hưu và rời bỏ ngành. Thế nhưng, ngành dệt may đang đứng trước tình trạng thiếu lao động kỹ thuật được đào tạo bài bản.

Trong tổng số 2,5 triệu lao động, nhiều loại nhân lực hiện ngành dệt may rất cần lại chưa có cơ sở đào tạo. Đơn cử, nhóm ngành sợi, dệt, nhuộm cần khoảng 300-400 kỹ sư/năm, nhưng giai đoạn vừa qua, các trường đại học chỉ cung cấp được khoảng 30 sinh viên/năm, bằng 10% nhu cầu. Đương nhiên để giải bài toán này hiện các DN vẫn phải tự giải quyết, nhưng về lâu dài để góp phần giải giải quyết vấn đề lao động cho ngành, vai trò của các cơ quan chức năng, các tỉnh, thành hết sức quan trọng. Cần có những trường đào tạo nhân sự cho các ngành công nghiệp chủ lực, trong đó có dệt may.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác