Chính phủ thúc đầu tư công

(ĐTTCO) – Trước việc Chính phủ đang quyết liệt “thúc” giải ngân vốn đầu tư công năm 2016, nhiều ý kiến lo ngại rằng điều này có thể gây ra những nguy cơ với ổn định kinh tế vĩ mô. Vậy, thực chất của chủ trương trên là như thế nào?

(ĐTTCO) – Trước việc Chính phủ đang quyết liệt “thúc” giải ngân vốn đầu tư công năm 2016, nhiều ý kiến lo ngại rằng điều này có thể gây ra những nguy cơ với ổn định kinh tế vĩ mô. Vậy, thực chất của chủ trương trên là như thế nào?

Yêu cầu thúc giải ngân vốn đầu tư công được đặt ra trong bối cảnh qua nửa đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,52%, tuy cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2012-2014 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2015 và chỉ tiêu kế hoạch 6,7% của cả năm 2016. Theo đánh giá của Chính phủ, một trong những nguyên nhân quan trọng là việc giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch được giao, tiến độ giải ngân nửa năm chỉ đạt hơn 30% kế hoạch năm. Nếu không có các giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân, sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của nền kinh tế.

 

Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ về việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2016. Sau cuộc họp này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, trong đó giao nhiệm vụ rất cụ thể cho các bộ ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định thành lập Tổ giải ngân vốn đầu tư công do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải coi công tác giải ngân là một nhiệm vụ “nóng”. “Nếu tình trạng giải ngân cứ thế này thì làm sao có tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh tại cuộc họp về vấn đề này. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cảnh báo nghiêm khắc tại hội nghị mới đây: “Cán bộ nào nhũng nhiễu trong việc này thì lập tức thay thế và xử lý vi phạm”.

Như vậy, nhiệm vụ thúc giải ngân đầu tư công là rất cấp bách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng chủ trương này có thể tiềm ẩn những nguy cơ với ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế, trong những năm trước đây, cũng đã có những thời điểm mà kinh tế Việt Nam bị bất ổn do việc đầu tư công dàn trải và kém hiệu quả.

Vậy thực chất, chủ trương thúc giải ngân vốn đầu tư công hiện nay có nguyên nhân từ đâu và khác như thế nào so với những giai đoạn đẩy mạnh đầu tư công trước đây?

Trước hết, theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng chung là 11,7%, nhưng vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ, tăng thấp nhất và thấp hơn nhiều so với hai nguồn vốn còn lại là khu vực ngoài nhà nước (gần 15%) và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (trên 15%).

Hơn nữa, một nguyên nhân rất quan trọng khiến việc giải ngân chậm là do những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục, nhất là trong việc triển khai những thủ tục đầu tư xây dựng mới theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng. Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Nhữ Ngọc Hân nhận định, trên cơ sở kết quả rà soát, tham vấn các bộ, ngành, địa phương và thực tế công tác quản lý, giải ngân vốn đầu tư, Bộ Tài chính xác định một số nguyên nhân phát sinh, tuân thủ các quy định mới gặp vướng mắc, tác động đến giải ngân vốn đầu tư.

Đơn cử, quy định về nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm phải xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, nhưng khi lập kế hoạch chưa thể xác định rõ khả năng này. Các quy định về vốn dự phòng, thủ tục kéo dài thanh toán vốn đầu tư công; giao, điều chỉnh kế hoạch; nguồn vốn chuẩn bị đầu tư… đều gặp vướng mắc, làm chậm tiến độ thực hiện chương trình, dự án.

Chính vì thế, tại Nghị quyết 60, nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên mà Chính phủ đặt ra là khẩn trương rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng và các luật liên quan để kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân…

Như vậy, việc Chính phủ quyết liệt yêu cầu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là xuất phát từ thực tế việc giải ngân đang chậm so với kế hoạch do các vấn đề thủ tục. Việc này hoàn toàn khác với việc thay đổi kế hoạch đầu tư và tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần khu vực kinh tế tư nhân phải ngày càng lớn mạnh và là động lực của tăng trưởng, Chính phủ sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất để tạo lập nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn.

Trên thực tế, Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn luôn nhấn mạnh yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô. Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận đánh giá, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc và lạm phát có nguy cơ tăng. Lạm phát tiếp tục là quan tâm của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6.

Theo các chuyên gia, những Nghị quyết này là những ví dụ cho thấy tuy quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP nhưng có thể hiểu rằng Chính phủ sẽ không mạo hiểm và không sẵn lòng đánh đổi lạm phát cũng như những bất ổn vĩ mô để lấy tăng trưởng.

Các tin khác