Bạc bẽo nghề phân tích CK

Dễ bị gạch đá

(ĐTTCO) - Trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp (DN) và NĐT, CTCK thường đóng vai trò cầu nối cực kỳ quan trọng. Những báo cáo, nhận định của chuyên viên phân tích (analyst) tại CTCK sẽ là công cụ chuyển tải thông tin hữu ích từ DN đến với NĐT. Cũng chính vì điều này, chỉ cần một báo cáo mang màu sắc tiêu cực từ analyst có thể tạo ra những hệ quả xấu cho nhiều bên, trong đó có cả chính… analyst.

Dễ bị gạch đá

Hồi đầu tháng 7, sau khi khuyến nghị “giữ” (hold) một CP ngành năng lượng, bộ phận phân tích của một CTCK có thế mạnh vượt trội trong mảng phân tích đã nhận được một email không rõ người gửi với những lời lẽ rất nặng nề: “Dear Ms… Nếu cô không hiểu hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, chưa nắm được các biến then chốt trong cơ cấu chi phí doanh thu và lợi nhuận của DN thì không nên đưa ra những bình luận, nhận định, đánh giá mang tính cá nhân. Tôi đọc báo cáo của cô và nhận thấy các giả định của cô thật là ấu trĩ nếu không muốn nói là ngu xuẩn”.  

Có lẽ, đã đến lúc vai trò của analyst cũng như các báo cáo phân tích cần được minh định rõ là một kênh thông tin, có quan điểm nhưng chỉ mang tính chất cung cấp, củng cố hoặc phản biện. Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng analyst có khả năng hô mưa, gọi gió cho CP thông qua các báo cáo để rồi đặt những kỳ vọng không rõ ràng và bị ảnh hưởng nặng nề.

Thoạt nhìn, lời lẽ kể trên là rất nặng nề trong khi khuyến nghị “giữ” có thể nói mang tính trung lập. “Giữ” nghĩa là ai có CP tiếp tục giữ và chờ thời, ai không có CP khỏi mua, hay nói nôm na là không nhất thiết phải bán, nhưng cũng không cần mua ngay. Nhưng có một quy luật bất thành văn là trừ những CP có down trend (xu hướng giảm) quá rõ ràng, có những thông tin tiêu cực mới bắt buộc analyst phải ra khuyến nghị “bán”, còn lại nếu không có gì đặc sắc và cũng không có gì xấu thường sẽ được khuyến nghị “giữ”.

 Các analsyt thường rất ngại đưa khuyến nghị “bán”, bởi đơn giản khi nói về một DN có xu hướng tiêu cực sẽ khó lòng giữ được quan hệ, không có thông tin không thể chia sẻ với khách hàng. Nhìn chung khuyến nghị “giữ” có thể tạo ra một suy nghĩ tiêu cực nhưng đến mức độ gửi email và dùng những từ ngữ như “ngu xuẩn” rõ ràng gây bức xúc, ức chế cho analyst nói riêng và những người đưa ra quan điểm nói chung. Quan điểm của analyst dù có chuyên nghiệp đến đâu, hay CTCK lớn thế nào cũng chỉ là thiểu số, làm sao đám đông có thể dễ dàng bị chi phối bởi những quan điểm thiếu tính thuyết phục. Cũng không dám chắc rằng quan điểm nào của các analyst đưa ra cũng đúng.

Mặt khác nếu CP thực sự tốt, những quan điểm cũng không thể gây ra hệ quả xấu trong dài hạn. Thị trường đã từng chứng kiến một vụ đấu khẩu, đấu lý giữa analyst của một CTCK lớn với một DN niêm yết có vốn hóa lớn, gay gắt là vậy nhưng cuối cùng chả đi đến đâu. Thậm chí, ngay trên báo chí, có những bài viết phân tích khá rõ ràng, nhưng DN không sẵn sàng lắng nghe và yêu cầu báo phải… đính chính dù lý lẽ mình đưa ra cũng chẳng thuyết phục.

Mặt trái của IR

Mối quan hệ giữa DN và analyst thực chất cũng chỉ là một bộ phận để cấu thành hoạt động quan hệ giữa DN và NĐT (IR). Tuy nhiên, dường như một số DN lại đánh đồng giữa việc thúc đẩy quan hệ với analyst nghĩa là đang tăng cường IR. Điều này đúng nhưng chỉ là một phần, bởi lẽ analyst viết báo cáo nhưng không đồng nghĩa với việc NĐT nào cũng phải đọc. DN muốn quan hệ với NĐT hãy gặp NĐT chứ không thể lúc nào cũng thông qua một đơn vị trung gian. Đó cũng là lý do một DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thực phẩm chỉ đẩy mạnh mối quan hệ với các analyst và gần như không có sự tương tác với NĐT cá nhân mà vẫn tự hào rằng công tác IR của mình… vẫn ổn.

Có những trường hợp DN cho rằng việc “o bế” analyst có thể sẽ nhận được những phản hồi tích cực từ thị trường là hoàn toàn sai lầm. Điển hình như việc một DN trong lĩnh vực đầu tư đã từng tổ chức buổi gặp mặt analyst rất chu đáo, thậm chí xếp chỗ ngồi theo tên từng người đặt sẵn ở trên bàn. Và đến khi buổi gặp mặt analyst kết thúc đã chụp ảnh đưa lên cả website không khác gì… báo chí tác nghiệp. Nhưng theo chia sẻ của một analyst đã tham gia buổi gặp này, cảm giác là “DN có yếu tố bơm đẩy nhiều quá nên phải xem xét thận trọng”. Dường như công tác IR cũng như cái nhìn đối với analyst của một số DN đã có phần lệch lạc, tạo ra những hệ quả không mong muốn.

Không chỉ mối quan hệ giữa DN và analyst có vấn đề, lúc trọng lúc khinh, mà hệ quả có ảnh hưởng lan ra cả thị trường. Nói đơn cử, analyst viết một báo cáo với màu sắc thiếu tích cực về CP, ảnh hưởng đến các giao dịch, có thể bị nhận định đang “dìm hàng” CP. Nhận định này có thể đến từ phía DN, nhưng cũng có khi đến từ các NĐT, đặc biệt những người đang giữ CP, đang kỳ vọng bán giá cao, nhưng báo cáo lại phản ánh đúng thực chất của DN. Có những trường hợp CP đang tăng tốt, với kỳ vọng KQKD tích cực nhưng một báo cáo phân tích xuất hiện đưa ra mô hình dự báo KQKD không mấy khả quan có thể gây sốc. Lúc này, analyst có thể nhận gạch đá từ nhiều người đang nắm giữ. Thậm chí có những phản ứng theo kiểu yêu cầu analyst phải trưng ra mô hình định giá như thế nào.

Và rồi, dù kết quả thực tế cuối cùng còn thấp hơn cả dự báo của analyst, nhưng lúc này chả mấy ai khen analyst dự báo đúng, trái lại vẫn có thể giữ quan điểm rằng các chuyên viên phân tích dìm hàng. Nghề analyst có thể ví như làm dâu trăm họ khi phải viết báo cáo sao cho vừa phục vụ được NĐT, đồng thời cũng không làm mất lòng DN mà đôi khi thỏa mãn được những tiêu chí này cùng lúc là không thể, đó cũng là lúc analyst rất dễ bị… chửi. Nhưng có thể nói rằng, chừng nào analyst vẫn còn bị chửi hay phàn nàn, chừng đó công tác IR của các DN còn có vấn đề. Bởi lẽ, thông tin hay mối quan hệ giữa DN và NĐT phải có tính rộng khắp, đa chiều, thay vì chỉ tập trung ở một vài kênh. DN cũng phải sẵn sàng lắng nghe những ý kiến phản biện để tự khắc phục, làm mới mình thay vì chỉ hướng đến những lời khen để hưởng lợi.

Các tin khác