Doanh nghiệp dệt may “bí” đơn hàng

(ĐTTCO) – Mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD của ngành dệt may có thể không thành hiện thực bởi, từ đầu năm tới nay, ngành dệt may đã và đang phải đối mặt với lượng đơn hàng và giá xuất khẩu sụt giảm.

(ĐTTCO) – Mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD của ngành dệt may có thể không thành hiện thực bởi, từ đầu năm tới nay, ngành dệt may đã và đang phải đối mặt với lượng đơn hàng và giá xuất khẩu sụt giảm.

 

Báo cáo của Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 12,666 triệu USD, tăng 4,72% so với cùng kì năm ngoái, hoàn thành 41% kế hoạch xuất khẩu cả năm.

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm không đạt như kì vọng, chủ yếu do các yếu tố khách quan giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, cùng với sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn.

Một số doanh nghiệp trong ngành dệt may cho biết, những tháng đầu năm 2016, đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chững lại, đặc biệt đơn hàng giảm trong quý I và đầu quý II.

Các doanh nghiệp dệt may lớn như Việt Tiến, Nhà Bè, hay May 10 cũng xác nhận tình trạng khó khăn và cho biết, để ổn định cho công nhân có việc làm từ nay đến cuối năm là cả một vấn đề đối với doanh nghiệp.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, trước mắt, doanh nghiệp vẫn có thể khắc phục được việc thiếu đơn hàng nhưng từ tháng 8 trở đi việc tìm kiếm đơn hàng nghe có vẻ “đuối”, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn. “Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều khả năng xuất khẩu toàn ngành cả năm chỉ đạt 29 tỷ USD trong khi mục tiêu là 30 tỷ USD” – ông Giang nói.

Còn theo ông Phí Việt Trịnh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Hồ Gươm, đơn hàng những tháng đầu năm có giảm, giảm mạnh vào các tháng 3-4 do thời gian đầu năm là giao vụ. Hiện, may Hồ Gươm đã có đủ đơn hàng cho hết quý III. Dự kiến năm nay, May Hồ Gươm vẫn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 40 triệu USD nhưng sẽ phải cố gắng rất nhiều.

Liên quan đến việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) ảnh hưởng đến tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) cho biết: Thị trường phân phối sản phẩm Garmex Sài Gòn chủ yếu là Mỹ và Châu Âu vì vậy công ty đã phải chủ động thay đổi mức phân phối tại 2 thị trường này.

“Đối với Châu Âu thì chúng tôi phải giảm mức tiêu thụ các sản phẩm từ 50% xuống chỉ còn 30-40% còn Mỹ thì chúng tôi lại phải đẩy mạnh từ hơn 20% lên hơn 50%. Đơn hàng thấy dấu hiệu chậm và có thể hụt vào 6 tháng cuối năm đặc biệt tháng 10, tháng 11 và tháng 11. Kế hoạch doanh thu cả năm của chúng tôi là 1.500 tỉ USD nhưng cũng phải cố gắng nhiều vì doanh thu nửa đầu năm chưa được 50% kế hoạch, chỉ hơn 700 tỉ USD”, ông Hùng chia sẻ.

Các tin khác