Hạn chế đóng góp của người dân là tốt nhất

(ĐTTCO)-N​hấn mạnh về tình trạng thu phí hiện nay, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, vẫn có hiện tượng lạm thu tại một số địa phương và chính sự không minh bạch đó đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

(ĐTTCO)-N​hấn mạnh về tình trạng thu phí hiện nay, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, vẫn có hiện tượng lạm thu tại một số địa phương và chính sự không minh bạch đó đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

 

Bên lề kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay (25/7), đại biểu Đặng Thuần Phong đã trao đổi với báo chí một số ý kiến về công tác giám sát cũng như nhấn mạnh đến việc thực hiện công tác thu chi hiện nay tại một số địa phương.

- Thưa ông, nhiều địa phương vừa qua đã lạm thu và sinh ra nhiều loại phí không nằm trong luật, vậy việc này Quốc hội cần rà soát thế nào để giảm bớt gánh nặng cho người dân?

Đại biểu Đặng Thuần Phong: Thực tế hiện nay có hiện tượng lạm dụng sức dân, lạm thu trên nhiều lĩnh vực gọi là xã hội hóa nhưng thực tế là tìm cách thu phí trong dân, có những phí theo quy định của luật phí và lệ phí thì thẩm quyền ở cấp xã không có nhưng vẫn gài vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân để thu, chính sự không minh bạch đó đã làm ảnh hưởng đến người dân.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc lạm thu liên quan đến tư duy nhiệm kỳ, một đồng chí nào làm ở xã cũng muốn thể hiện vai trò của mình trong nhiệm kỳ đó nên tìm mọi cách thu đầu này đầu khác nhằm phát triển địa phương mới và gắn với 19 tiêu chí nông thôn mới để kêu gọi người dân đóng góp.

Thực tế cho thấy, nếu nơi nào làm tốt để phát triển nông thôn mới thì ​hiệu quả đem lại cho người dân sẽ thiết thực, còn ngược lại nhưng nơi nào lạm dụng tiền đóng góp của dân ​sẽ để lại gánh nợ cho đời sau rất ghê gớm, do vậy nếu không điều chỉnh vấn đề này và để trở thành trào lưu thì rất nguy hiểm, vì lớp lãnh đạo sau lên chỉ lo trả nợ cho lớp trước đã mệt mỏi rồi.

Tôi cho rằng, việc này không chỉ điều chỉnh về pháp luật mà quan trọng vẫn là do tổ chức thực hiện và do kiểm tra, giám sát, nên cần làm chặt để không ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, trong đó cần cố gắng khoan sức dân, bằng mọi giá trong điều hành, điều tiết chính sách cần hạn chế phần đóng góp của dân là tốt nhất.

- Thực tế, có nhiều công trình được đầu tư với số vốn rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ hoang, không đem lại hiệu quả, vậy với tư cách một đại biểu Quốc hội, ông sẽ đóng góp ý kiến thế nào trong hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian tới?

- Đúng vậy, cái đó quá lãng phí bởi vì những công trình đầu tư lớn mà không mang lại hiệu quả, không kích thích tăng trưởng mà số tiền đó đâu chỉ mỗi từ ngân sách, tiền thuế mà còn là tiền vay nước ngoài và cần trả lãi nhiều nơi nếu lãng phí như vậy mà không rà soát, không điều chỉnh, không xử lý thì có tội với nhân dân.

Theo tôi, thời gian tới Quốc hội cần có giám sát chặt chẽ những công trình này, đặc biệt những công trình liên tục đội vốn đầu tư... phải tránh tình trạng đăng ký công trình, chạy vốn hoặc sang tay..., những vấn đề này gây phản cảm lớn cho xã hội.

Đặc biệt, Chính phủ là cơ quan điều hành nên Chính phủ phải sửa vấn đề này trước, còn góc độ giám sát của Quốc hội cũng phải cho các bộ phận chức năng rà soát, tính toán chặt chẽ và quy trách nhiệm đến cùng các công trình không mang lại hiệu quả.

- Ông có ý kiến thế nào về tình trạng nhiều trạm BOT mọc lên gây bức xúc cho dân?

- Vấn đề BOT trong giao thông chúng ta đã biết đây không phải là vướng về mặt pháp luật, thực tế pháp luật quy định 70km có một trạm thu BOT nhưng thực tế lại không làm vậy và do cách tổ chức thực hiện và làm cho người dân phải gánh chịu phí đó cũng như làm cho cạnh tranh của nền kinh tế giảm đi.

Theo tôi, nếu không điều chỉnh vấn đề này thì sau này việc đầu tư BOT sẽ không rõ ràng, minh bạch và không kêu gọi được nhà đầu tư. Quan trọng hơn, người dân phải gánh chịu phí quá lớn như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống cũng như sự phát triển của đất nước.

Do vậy, trong các chuyên đề giám sát của Quốc hội cần cân nhắc chọn những lĩnh vực nổi cộm, trong đó có cả vấn đề kinh tế và một xã hội nhằm giải quyết hài hòa trong mối quan hệ điều hành của Chính phủ, chính như thế mới quy trách nhiệm đến cùng qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước.

- Về cơ chế, chính sách hiện nay, theo ông trong nhiệm kỳ Chính phủ mới cần tập trung giải quyết những vấn đề gì?

-Thủ tướng Chính phủ lên nhận nhiệm vụ mới 3 tháng nhưng đã xử lý hàng loạt Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật qua đó khắc phục các hạn chế về mặt thể chế cũng như tháo gỡ các thủ tục hành chính giúp cho doanh nghiệp và người dân hoạt động thuận lợi hơn.

Theo tôi, đó là nỗ lực lớn nhưng vẫn chưa đủ. Trong thời gian tới Chính phủ phải hành động, khi phát hiện vấn đề phải xử lý và giải quyết ngay chứ không phải là bàn tới, bàn lui kéo dài thời gian gây bức xúc lớn trong xã hội.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác