Rủi ro chất lượng tài sản nhà băng

(ĐTTCO) - Trong báo cáo tháng 7-2016 của NH Thế giới (WB) tiếp tục cảnh báo “chất lượng tài sản thấp vẫn là rủi ro đối với ngành NH”. Thực tế, nhiều NH thuộc diện phải tái cấu trúc đang ở trong tình trạng này, tức số liệu về nợ xấu, kết quả kinh doanh được công bố trong đề án tái cấu trúc hoàn toàn khác so với số liệu trên báo cáo chính thức. Dù đến nay tỷ lệ nợ xấu của hệ thống chỉ dưới 3% nhưng chất lượng tài sản thực sự của ngành NH được đánh giá mới cải thiện trên sổ sách.

(ĐTTCO) - Trong báo cáo tháng 7-2016 của NH Thế giới (WB) tiếp tục cảnh báo “chất lượng tài sản thấp vẫn là rủi ro đối với ngành NH”. Thực tế, nhiều NH thuộc diện phải tái cấu trúc đang ở trong tình trạng này, tức số liệu về nợ xấu, kết quả kinh doanh được công bố trong đề án tái cấu trúc hoàn toàn khác so với số liệu trên báo cáo chính thức. Dù đến nay tỷ lệ nợ xấu của hệ thống chỉ dưới 3% nhưng chất lượng tài sản thực sự của ngành NH được đánh giá mới cải thiện trên sổ sách.

VAMC bất lực

Nợ xấu của hệ thống NH đến cuối tháng 3-2016 đã được đưa về mức 2,62%, dưới 3% như mục tiêu đề ra. Việc xử lý nợ xấu của các TCTD trong thời gian qua chủ yếu thông qua việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Tính từ 1-10-2013 đến 18-6-2016, VAMC đã mua được 24.618 khoản nợ tại 41 TCTD với tổng dư nợ gốc 247.448 tỷ đồng, giá mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt 211.993 tỷ đồng.

Tuy nợ xấu chỉ chiếm 2,9% tổng dư nợ NH vào thời điểm 31-12-2015, nhưng dường như con số đó chỉ thể hiện phần nào vấn đề chất lượng tài sản của hệ thống NH, bởi nó chưa tính các khoản nợ xấu do VAMC nắm giữ. Vì vậy, nếu tính gộp cả nợ xấu do VAMC nắm giữ, tổng nợ xấu toàn hệ thống sẽ vượt 7%.

Báo cáo của WB

Hầu hết khoản nợ xấu VAMC đã mua đều có tài sản đảm bảo là bất động sản (BĐS) hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, gồm cả BĐS, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp… Thông tin mới công bố gần đây, số nợ xấu VAMC phối hợp với TCTD thu hồi được 31.172 tỷ đồng, tương đương 12% tổng nợ xấu đã mua. Rõ ràng tốc độ xử lý nợ xấu trên của VAMC quá chậm. Nguyên nhân do một số nút thắt liên quan đến việc xử lý nợ nằm trong các bộ luật liên quan như Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Thi hành án… Tuy nhiên, ngay cả khi những bộ luật này được sửa đổi theo hướng thuận lợi, việc thực thi trên thực tế cũng không hề đơn giản.

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam những điều kiện cơ bản để có thể xử lý nợ xấu thuận lợi đều chưa có. Đặc biệt, việc minh bạch trong hệ thống NH đang rất thấp. Do vậy, con số thực về nợ xấu, chất lượng tài sản vẫn là sức ép khiến xử lý nợ xấu giảm sút. Có rất nhiều trường hợp NH buộc phải nuôi con nợ đã “chết lâm sàng” vì sợ thanh lý tài sản sẽ thất thoát và phải chịu trách nhiệm. Ngay cả khi muốn bán tài sản để thu hồi nợ việc thực hiện cũng không dễ dàng. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC, đã thừa nhận do chưa có cơ chế rõ ràng hay quyền tự quyết bán tài sản đảm bảo nên VAMC vẫn trông chờ vào sự hợp tác của con nợ.

Để gỡ khó, NHNN đã ban hành Thông tư 08/2016 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013. Theo đó, VAMC được trao cơ chế chủ động và quyền hạn nhiều hơn trong công tác xử lý, thu hồi nợ xấu. Ngoài ra, VAMC cũng sẽ đẩy mạnh việc mua nợ xấu theo giá thị trường và dự kiến sẽ mua khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường. Đây chính là những bước tập dượt đầu tiên để VAMC thực hiện việc xử lý nợ xấu một cách thực sự.

Nợ xấu NH giảm trên sổ sách

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II-2016 của Vietcombank, nợ xấu đến 30-6-2016 là 5.420 tỷ đồng, giảm 1.670 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank hiện chỉ còn 1,28% thấp hơn nhiều so với mức 1,84% hồi đầu năm. Trước đó, một công bố của lãnh đạo NH cho biết tổng dư nợ xấu đã được Vietcombank xử lý 2.411 tỷ đồng. Nhờ đó kết quả lợi nhuận sau thuế của NH 6 tháng 3.421 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, việc Vietcombank xử lý được khoản nợ xấu khá lớn trong thời gian qua chỉ là trường hợp cá biệt, bởi thực tế việc xử lý nợ xấu của nhiều NH vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Mới đây Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội  kết quả kiểm toán năm 2015 tại NHNN, 13 tổ chức tài chính, NH, bảo hiểm và chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015. Cụ thể, tổng nợ xấu toàn hệ thống đến 31-12-2014 là 145.200 tỷ đồng (tăng 28.700 tỷ đồng, tương ứng tăng 24,6% so với cuối năm 2013). Trong đó, tỷ lệ nợ xấu của NH Phát triển Việt Nam (VDB) cao và tăng nhanh 11,05%, tăng 68% so với năm 2013. Bên cạnh đó, các TCTD phân loại nợ chưa phù hợp và số nợ xấu, số tiền phải trích lập dự phòng đều tăng. Cụ thể, các TCTD trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng như VietinBank (20,5 tỷ đồng), BIDV (36,5 tỷ đồng), Vietcombank (41,3 tỷ đồng).

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế của WB tại Việt Nam, đánh giá sự ổn định ngành NH vẫn được duy trì, nhưng chất lượng tài sản chưa được giải quyết trong một thời gian dài. VAMC được thành lập là một nỗ lực trong giải quyết nợ xấu của ngành NH, nhưng việc VAMC tiếp nhận 8,5 tỷ USD nợ xấu chỉ tạm thời làm giảm nợ xấu trên báo cáo của các NH. Việc chất lượng tài sản NH Việt Nam thấp còn thể hiện qua bức tranh tài chính của các doanh nghiệp nhà nước. Theo báo cáo về tình hình tài chính của 38 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có rất nhiều doanh nghiệp nhà nước sử dụng đòn bẩy tài chính cao, thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu rất lớn. Ngoài ra nợ trên vốn của nhiều doanh nghiệp nhà nước lên tới hàng chục lần. Điều này cho thấy chất lượng tín dụng của khối doanh nghiệp nhà nước là một điều đáng báo động, góp một phần không nhỏ vào bức tranh chất lượng tài sản kém của hệ thống NH.

Các tin khác