Ngành thép: Quy hoạch tràn lan, thực thi tùy tiện

Năng lực thẩm định dự án kém

(ĐTTCO) - Những cảnh báo về việc quy hoạch ngành thép bị phá vỡ, công suất dư thừa được đưa ra cách đây 7 năm (chỉ sau 2 năm thực hiện quy hoạch ngành) khi số dự án ngoài quy hoạch lên đến con số 32. Còn năm 2010, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) liên tiếp có công văn khẩn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh việc cấp giấy phép đầu tư thép. Câu chuyện về dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép của Formosa gây ô nhiễm tại Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Trung xảy ra mới đây lại một lần nữa nhắc đến câu chuyện về phát triển của ngành này.

Năng lực thẩm định dự án kém

Năm 2014, Tata Steel (công ty con của Tập đoàn thép Tata, Ấn Độ) đã rút kế hoạch đầu tư dự án thép có tổng giá trị 5 tỷ USD khỏi Việt Nam, với lý giải do chậm trễ trong phê duyệt và môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức. Thực ra, nguyên nhân sâu xa về những trục trặc đối với nhà sản xuất thép đứng thứ 8 trên thế giới đến từ 7 năm trước đó. Năm 2007, Tata Steel ký biên bản ghi nhớ và hợp tác triển khai dự án thép 5 tỷ USD ở khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Năm 2008, Tata Steel hoàn thiện luận chứng kinh tế kỹ thuật khả thi (FS).  

Luật Quy hoạch sẽ trở thành công cụ để quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, hiệu quả, tăng cường quản lý nhà nước theo quy hoạch một cách hệ thống trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch với các chiến lược, chủ trương, chính sách khác và giữa các quy hoạch với nhau, tạo nền tảng cho việc khai thác, sử dụng, điều phối hiệu quả các nguồn lực của đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT

Theo Quyết định 145/2007 về quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025, khu Liên hợp thép Hà Tĩnh sẽ có các dự án sử dụng quặng sắt mỏ Thạch Khê với công suất dự kiến 4,5 triệu tấn/năm, chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 khoảng 2-2,5 triệu tấn. Hình thức đầu tư dự kiến hợp tác đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian đưa vào sản xuất giai đoạn 1 dự kiến 2011-2012. Chiếu theo quy hoạch và kế hoạch sản xuất, dự án của Tata Steel được nhìn nhận là cơ hội rất tốt để Việt Nam sản xuất được thép chất lượng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại và đáp ứng được yêu cầu của quy hoạch (Tata Steel Ấn Độ góp 65% vốn, Tổng công ty Thép Việt Nam góp 30% và Tổng công ty Xi măng Việt Nam góp 5% vốn).

 Tuy nhiên, bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn khi quan điểm giữa Tata Steel và Hà Tĩnh trong vấn đề kinh phí giải phóng mặt bằng khác nhau: Hà Tĩnh muốn nhà đầu tư ứng trước tiền giải phóng mặt bằng và trừ dần vào tiền thuế nhưng Tata Steel chỉ chấp nhận một phần. Và sau khi những yêu cầu khác không được đáp ứng (diện tích xây dựng, chiều dài tiếp giáp mặt biển...) tập đoàn này đã không còn mặn mà với việc đầu tư vào Việt Nam.

Đúng thời điểm này, Formosa nhảy vào cuộc. Dự án thép của Formosa có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên tới 10 tỷ USD, trong đó nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm. Tổng quy mô dự án khoảng 30 tỷ USD, cùng với việc Formosa cam kết ứng toàn bộ tiền giải phóng mặt bằng, đã khiến Hà Tĩnh chấp nhận với hàng loạt ưu đãi: được thuê đến hơn 3.300ha; thuê đất tới 70 năm (dù quy định tối đa là 50 năm); miễn, giảm thuế... Việc một nhà đầu tư không có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất gang thép gây ô nhiễm môi trường nặng nề cho vùng biển Việt Nam và phải đền bù 500 triệu USD, một lần nữa đặt câu hỏi về công tác thẩm định của cơ quan chức năng Việt Nam, cũng như năng lực triển khai dự án, trình độ khoa học - công nghệ của Formosa, và không ít ý kiến lại càng luyến tiếc về việc Tata rời bỏ dự án tại đây.

Phá vỡ quy hoạch

Câu chuyện phá vỡ quy hoạch thép và hậu quả nặng nề để lại nêu trên là thí dụ điển hình, cho thấy đã có một thời gian dài, việc quy hoạch đã không được thực hiện như những gì yêu cầu. Năm 2009, sau khi kiểm tra việc thực hiện quy hoạch ngành thép, Bộ Công Thương cho biết có đến 32 dự án sản xuất gang, thép nằm ngoài quy hoạch, có tới 24 dự án đã được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư (quy hoạch chỉ có 23 dự án).  

Không đâu như đất nước này, nhà máy thép trải khắp từ Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ đến Hà Tĩnh. Gang thép là công nghiệp có ô nhiễm, phải dồn lại để xử lý nước, khí… nhưng thực tế quy hoạch đã bị phá vỡ hết. Ngành thép không tăng trưởng một mình mà kéo theo cầu cảng, điện nước, đất đai…

Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch VSA

Sự bùng nổ của 32 dự án thép, trong đó nhiều dự án công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu... do chọn đối tác không chuẩn; không tính toán đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường. Đó chính là hệ quả của việc quản lý nửa vời, không dự báo được hướng phát triển. Trong việc thực hiện quy hoạch ngành thép, có thể dễ dàng nhận thấy sự tùy tiện trong thực thi ở cả Trung ương và địa phương. Nếu như việc địa phương cấp phép cho dự án triển khai ngoài quy hoạch đã là sai, việc cơ quan quản lý ngành là Bộ Công Thương lại tiếp nối sai khi trong văn bản đề nghị các địa phương rà soát lại các dự án thép, cho biết những dự án thép nằm ngoài quy hoạch nhưng có khả năng tiếp tục triển khai tốt, sẽ đề nghị Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch.

 Điểm nghịch lý trong thực hiện quy hoạch ngành thép còn có thể thấy ở dự án mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Theo quy hoạch, dự án này được đầu tư đồng bộ các công đoạn mỏ, luyện kim (lò cao thổi ô xy). Công suất khoảng 500.000 tấn phôi vuông/năm, dự kiến đưa vào sản xuất trong giai đoạn 2009-2010. Thế nhưng, dù tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng lên hơn 8.000 tỷ đồng, dự án vẫn đang trong giai đoạn "hấp hối" dù đã được cơ cấu lại nợ, ưu đãi thuế. Tại hội nghị ngành Công Thương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định ngân sách sẽ không thể cứ tiếp tục ném tiền vào những gang thép Thái Nguyên thêm mấy ngàn tỷ đồng nữa và phải chấm dứt cơ chế xin - cho, không bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém.

Trong sản xuất thép, Việt Nam hiện đang sử dụng phổ biến công nghệ luyện phôi chính là lò cao và lò điện. Loại lò cao luyện thép từ gang, than cốc, than mỡ và chuyển thổi ô xy, có ưu điểm ít tiêu tốn điện năng, cho ra sản phẩm chất lượng cao. Nhưng nhược điểm của loại lò này là hoạt động liên tục, mỗi lần ngừng lò phải khởi động lại sẽ tốn điện. Lò cao còn gây ô nhiễm môi trường do thải ra xỉ than, xỉ quặng. Suất đầu tư ban đầu ở lò cao cũng cao hơn lò điện hồ quang, khi hoạt động phải chủ động được nguyên liệu quặng sắt, than cốc, than mỡ và gang. Công nghệ lò điện có ưu điểm là tái sử dụng được sản phẩm đã qua sử dụng, không ô nhiễm môi trường và chu trình sản xuất ngắn. Sản phẩm làm ra có chất lượng, năng suất cao. Do vậy, lò điện vẫn là công nghệ phù hợp nhất với ngành công nghiệp sản xuất thép nước ta. Nhưng lò điện lại tiêu tốn điện, trung bình 350-600kWh điện cho 1 tấn phôi, 850-900kWh điện cho 1 tấn phôi đối với lò điện trung tần. Điều đáng nói, loại lò điện trung tần đang được sử dụng phổ biến ở các doanh nghiệp luyện phôi nhỏ do suất đầu tư thấp, giá thành công nghệ rẻ (công suất trên dưới 1 triệu tấn), nhập từ Trung Quốc do các nhà máy luyện phôi nước này thải ra.

Chấn chỉnh cách nào?

Những bất cập của việc quy hoạch thép nói riêng, quy hoạch các ngành khác nói chung có thể khắc phục được bằng một luật chung về quy hoạch. Ý tưởng về vấn đề này đã được đưa ra từ năm 2007 nhưng sau đó Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) phải xin hoãn trình dự luật vì nhiều vấn đề mang tính phương pháp luận, nền tảng chưa được làm rõ. Câu chuyện về Luật Quy hoạch lại được tái khởi động, xây dựng bắt đầu từ năm 2012 với dự kiến trình để Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1-1-2017. Tuy nhiên, sau đó theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Quốc hội mới cho ý kiến về Luật Quy hoạch tại kỳ họp thứ 2 khóa XIV. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu Luật Quy hoạch được ban hành sớm sẽ đỡ lãng phí nguồn lực cho những quy hoạch kém chất lượng, đặc biệt là quy hoạch chuyên ngành.

Nhà máy gia công thép tấm SMC được đầu tư công nghệ mới không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: LONG THANH

Nhà máy gia công thép tấm SMC được đầu tư công nghệ mới
không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: LONG THANH

Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, chỉ riêng kinh phí làm quy hoạch giai đoạn 2011-2020 lên tới gần 8.000 tỷ đồng. Và hiệu quả của quy hoạch ra sao, thực tế những bài học về quy hoạch sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, xi măng, thép, mía đường, sân golf... diễn ra trên thực tế đã phản ánh rõ nét. Hầu như tất cả đều vượt những gì quy hoạch đã có. Chính vì vậy, theo ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ KH-ĐT), tình trạng lộn xộn kể trên do việc ban hành văn bản pháp luật nhiều nhưng chưa hợp lý, thiếu thống nhất, càng cho thấy Luật Quy hoạch sẽ giải quyết được tình trạng lộn xộn trong công tác quy hoạch.

 Thực tế bất cập nhưng để thay đổi tồn tại này bằng Luật Quy hoạch lại không dễ khi luật sẽ đụng chạm đến quyền lợi của các bộ, ngành. Bằng chứng là khi Bộ KH-ĐT kiến nghị xóa bỏ quy hoạch ngành hoặc sản phẩm cụ thể do không phù hợp, tạo cơ chế xin cho, ngay lập tức không ít bộ phản đối. Bộ Công Thương cho rằng các quy hoạch như thép, cơ khí hay các mặt hàng kinh doanh có điều kiện như rượu bia, thuốc lá, phân bón, xăng dầu… phải lập quy hoạch mới đảm bảo công tác quản lý nhà nước, định hướng cho nhà đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực. Còn theo Bộ Xây dựng, quy hoạch xây dựng không thể thiếu, phải làm riêng biệt. Và dù tình trạng nông dân phải đổ bỏ nông sản vẫn diễn ra, nhưng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cũng cho rằng dự thảo Luật Quy hoạch là không đầy đủ…

Trái đắng thu hút FDI bằng mọi giá

Anh Minh

Ngành sản xuất thép đóng vai trò là một trong những trụ cột của nền kinh tế các quốc gia. Hiện tại, hoạt động này có xu hướng chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, vốn được gọi là quá trình xuất khẩu ô nhiễm. Cái giá phải trả cho ngành công nghiệp này quá lớn.

Gây ô nhiễm ở mọi quy trình

Ngành thép là một trong những ngành công nghiệp làm tốn nhiều tài nguyên như đất, nước, năng lượng, thải ra những chất thải nguy hại cho môi trường. Theo thống kê của Viện Năng lượng, Việt Nam hiện có khoảng 65 dự án sản xuất gang thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên. Mặc dù các nhà máy thép mới sử dụng chưa tới 50% công suất thiết kế nhưng lượng điện tiêu thụ hàng năm đã lên gần 3,5 tỷ kWh. Lượng than, dầu, điện ngành thép tiêu thụ chiếm khoảng 6% tổng tiêu thụ năng lượng của các ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, do công nghệ lạc hậu nên thời gian luyện 1 mẻ thép cũng cao gần gấp đôi so với trung bình trên thế giới. Theo tính toán để luyện được 1 mẻ thép, các doanh nghiệp mất khoảng 90-180 phút (trung bình thế giới là 45-70 phút), tiêu hao điện từ 550-690 kWh/tấn (trung bình thế giới 360-430 kWh/tấn).

Các chuyên gia môi trường nhận định, nếu tất cả dự án thép được cấp phép và triển khai đúng cam kết, đến năm 2020 ngành thép sẽ thải ra 174 triệu tấn CO2 và lúc đó riêng ngành thép sẽ “giáng” lên đầu mỗi người dân Việt Nam thêm 1,5 tấn khí CO2. Theo tính toán, sản xuất 1 tấn thép sẽ thải ra 0,5-1 tấn xỉ, 10.000m3 khí thải, 100kg bụi. Rất nhiều chất ô nhiễm như axit, kiềm, các nguyên tố hợp kim... thải ra môi trường. Trong các vùng luyện kim, khí quyển bị nhiễm bẩn chiếm tỷ lệ gần 60%. Ngoài nguyên liệu chính là thép phế, sắt xốp, gang thỏi hoặc gang lỏng, vôi, việc sản xuất thép còn sử dụng năng lượng như than, gas, điện, dầu, oxy, nước và các chất phụ trợ như hợp kim, điện cực, khí trơ, vật liệu đầm lò. Quá trình sản xuất thép sinh ra các chất thải khí, rắn và tiếng ồn.

Trong khi đó, nhiên liệu cho 1 tấn thép sản xuất bằng công nghệ lò điện hồ quang ở Việt Nam còn rất cao với các nước châu Âu và Nhật Bản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phát thải trong sản xuất thép lò điện ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước tiên tiến trên thế giới. Như vậy, việc cải tiến công nghệ và thiết bị, sử dụng nguyên nhiên liệu hiệu quả sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn và giảm mạnh phát thải, đảm bảo cho việc phát triển bền vững cũng như tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm thép nước ta trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Trước những khó khăn và thách thức hiện nay, ngành thép cũng giống như các ngành sản xuất khác cần phải cơ cấu lại trước khi quá muộn. Những doanh nghiệp thép không còn đủ sức cạnh tranh vì công nghệ và thiết bị lạc hậu, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng lớn, giá thành cao sẽ buộc phải dừng sản xuất hoặc bán lại cơ sở sản xuất cho các nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư đổi mới công nghệ, bảo đảm sản xuất có hiệu quả.

Qua các cuộc điều tra thực tế từ năm 2011-2015, chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp này có công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng, khả năng phát thải cao.

Nguyễn Thị Tuệ Anh, Viện phó CIEM

Bãi rác thải công nghiệp

Tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại các giống loài, ảnh hưởng xấu sức khỏe con người là cái giá phải trả cho quá trình tự do hóa thương mại mới được tiến hành chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây ở nước ta. Số liệu từ khu vực ASEAN cho thấy, trong 10 năm (2004-2014), khi nhiều nước ASEAN không phát triển mạnh về thép, Việt Nam từ nước có sản lượng thép đứng thứ 5/6 nước ASEAN đã vươn lên thành số 1 về sản xuất thép trong khối với khối lượng 12,3 triệu tấn vào năm 2014, bỏ rất xa nước đứng sát kề là Thái Lan (9,6 triệu tấn), Malaysia (7,4 triệu tấn) hay Indonesia (6,6 triệu tấn), Philippines (4,6 triệu tấn) và Singapore (0,5 triệu tấn).

Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), với 59 điểm trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường, Việt Nam đứng ở vị trí 85/163 các nước được xếp hạng. Các nước khác trong khu vực như Philippines đạt 66 điểm, Thái Lan 62 điểm, Lào 60 điểm, Trung Quốc 49 điểm, Indonesia 45 điểm... Còn theo kết quả nghiên cứu khác vừa qua tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chất lượng không khí thấp và ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khỏe. Hiện nay, nhiều dự án luyện, cán thép lớn đã, đang và sẽ xuất hiện, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thép lớn, song đồng thời cũng có nguy cơ biến Việt Nam thành nơi tập trung rác công nghệ và chất thải. Bài học xương máu này đã từng xảy ra với ngành sản xuất xi măng, song vẫn có khả năng lặp lại nếu những dây chuyền luyện gang, thép bị loại bỏ ở Trung Quốc được đưa về lắp đặt ở Việt Nam.

Một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết ở góc độ quy định pháp luật, Việt Nam có khá đầy đủ các quy định để giảm thiểu các tác động về môi trường từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều dự án FDI trong các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đầu tư vào Việt Nam, tập trung nhiều nhất là dệt may, hóa chất, điện tử, giấy, gang - thép. CIEM cũng chỉ ra những số liệu đáng lo ngại: 67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp, 80% có công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao. Theo WB, ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% GDP - một con số khổng lồ. Nguồn vốn FDI đang mang lại động lực cho tăng trưởng, nhưng những rủi ro môi trường mà khu vực này mang lại không hề nhỏ.

Hiện nay, dọc khu vực giáp biển các tỉnh miền Trung đang mọc lên hàng loạt khu công nghiệp, nhà máy hóa dầu, nhà máy thép, nhà máy đóng tàu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Chúng ta có nên tiếp tục lựa chọn thép trong bối cảnh thế giới dư cung, những điều kiện sản xuất trong nước càng ngày càng không thuận, trả giá về môi trường ngày một lớn? Bởi lẽ, một khi nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào FDI, những tai họa tương tự Formosa rất có thể lại xảy ra, nếu những người có quyền quyết định cấp phép dự án thiếu cái đầu tỉnh táo hoặc vì lợi ích riêng...

Các tin khác