Bóng ma khủng bố bao trùm (K3): Phá hoại kinh tế

Bóng ma khủng bố bao trùm (K2): Đe dọa phương Tây Bóng ma khủng bố bao trùm (K1): Gia tăng đột biến Tăng 61%

(ĐTTCO) - Thiệt hại kinh tế toàn cầu do khủng bố bắt đầu leo thang kể từ năm 2001, sau vụ tấn công ngày 11-9 vào Hoa Kỳ. Ước tính trong năm 2014, thiệt hại kinh tế do khủng bố trên toàn cầu chạm mức 52,9 tỷ USD, trong khi tổng tác động tới kinh tế 105,8 tỷ USD.

Bóng ma khủng bố bao trùm (K2): Đe dọa phương Tây

Bóng ma khủng bố bao trùm (K1): Gia tăng đột biến

Tăng 61%

Thiệt hại này được tính từ những mất mát trực tiếp và gián tiếp do khủng bố, như người chết, tài sản, công trình bị hủy hoại, tiền chuộc bắt cóc… Mất mát trực tiếp bao gồm người chết và công trình bị hủy hoại do khủng bố. Mất mát gián tiếp khó xác định hơn. Đối với hầu hết các nước, chủ nghĩa khủng bố hầu như không tác động đến tăng trưởng kinh tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tác động của chủ nghĩa khủng bố chỉ có thể nhìn thấy rõ ở các nước hứng chịu số lượng lớn các cuộc tấn công. Khủng bố thường xảy ra ở các nước có giới hạn về năng lực tổ chức hoặc cấp độ phát triển thấp.

Tuy nhiên, với những vụ khủng bố lớn hoặc tại những nước khủng bố phổ biến, có thể bị tác động kinh tế đáng kể. Điều này đặc biệt đúng đối với 10 nước bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa khủng bố nặng nhất. Thí dụ, những vụ tấn công rất lớn như vụ 11-9-2001 ở Hoa Kỳ có thể tác động mạnh đến kinh tế. Nhiều người chết và nhà cửa bị phá hủy từ vụ tấn công đó, ước tính khiến thành phố New York thiệt hại tới 14 tỷ USD.

Khủng bố phổ biến mạnh có thể gây suy giảm lớn về sản lượng. Tại Nigeria, FDI giảm 30% do sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố trong năm 2010. Hoặc những vụ khủng bố ở Israel vào năm 2001 đã khiến GDP nước này giảm 1%. Trong năm 2014, Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) ước tính tổn hại trực tiếp từ chủ nghĩa khủng bố lên kinh tế toàn cầu ở mức 52,9 tỷ USD, tăng 61% so với 32,9 tỷ USD năm 2013 và hơn 10 lần kể từ năm 2000. Kể từ năm 2000, bọn khủng bố có xu hướng phát triển các vụ đánh bom nhỏ gây ít thiệt hại về tài sản hơn.

Chi phí đối phó

Khi hoạt động khủng bố gia tăng, xã hội bất an hơn và các chính phủ phải chi tiêu ngày càng nhiều cho thực thi chống khủng bố, cơ quan an ninh quốc gia và quân đội. Kể từ sự kiện 11-9-2001, chính phủ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt Hoa Kỳ, đã mở rộng đáng kể hệ thống an ninh quốc gia. Những cơ quan an ninh quốc gia nói chung bao gồm các tổ chức chính phủ phụ trách giám sát, thu thập và xử lý thông tin tình báo và phản tình báo. Theo nghiên cứu của Hippner và IEP, chi phí cho các cơ quan an ninh toàn cầu tổng cộng lên tới 117 tỷ USD trong năm 2014. Trong đó, Hoa Kỳ là nước chi tiêu nhiều nhất, chiếm 70% chi phí cho các cơ quan an ninh toàn cầu. Ước tính từ năm 2001-2014, Hoa Kỳ chi khoảng 1.100 tỷ USD cho các cơ quan an ninh nội địa, tức bình quân 73 tỷ USD/năm.

Dù chi phí cho các cơ quan an ninh quốc gia không phải hoàn toàn dành cho việc chống khủng bố, nhưng nó là một mục tiêu chính của hầu hết các cơ quan tình báo ở các nước phát triển. 44% chi tiêu của các cơ quan an ninh nội địa Hoa Kỳ là dành cho chống khủng bố. Tại Vương quốc Anh, 81% ngân sách cho MI5 dùng để chống khủng bố trong nước và quốc tế. Chỉ riêng chi tiêu của MI5 để chống khủng bố liên quan đến Bắc Ireland đã lên tới hơn 2,28 tỷ USD trong năm 2014. Điều này cho thấy các chính phủ đã đầu tư lớn vào hoạt động chống khủng bố nói chung.

Báo cáo GTI chỉ tập trung phân tích những dữ liệu ở Anh và Hoa Kỳ vì 2 nước này khá minh bạch. Những nước khác như Trung Quốc và Nga dù chi phí chống khủng bố bình quân đầu người có thể cao hơn, nhưng không có số liệu minh bạch nên không thể phân tích. Trong năm 2014, Hoa Kỳ sử dụng bình quân 115USD/người để chi cho các cơ quan an ninh quốc gia, dù thiệt hại kinh tế bình quân đầu người từ chủ nghĩa khủng bố chỉ 61 cent/năm. Điều này không thể mang lại kết luận nên chi tiêu nhiều hơn hay ít hơn để ngăn chặn khủng bố, vì không có dữ liệu về tính hiệu quả của mỗi USD chi cho việc chống khủng bố.

Ngoài ra, các vụ khủng bố thường không thể đoán trước, nên rất khó đưa ra một khuôn khổ hợp lý để áp dụng cho chi tiêu chống khủng bố. Ngược lại, có thể thấy được sự tương quan giữa tội phạm và chi tiêu cho cảnh sát. Tại Hoa Kỳ, chi tiêu cho cảnh sát bình quân 281USD/người, và thiệt hại do tội phạm mang lại là 988USD/người. Trong khi đó, Anh chi chỉ 40USD/người cho công tác chống khủng bố, nhưng thiệt hại gây ra do khủng bố chỉ 15 cent/người. Vương quốc Anh chi tới 231USD/người cho cảnh sát và chống bạo lực, và thiệt hại vì tội phạm bạo lực là 888USD/người.

Cảnh sát đổ xô tới hiện trường vụ khủng bố ngày 22-7 tại Munich, Đức.

Cảnh sát đổ xô tới hiện trường vụ khủng bố ngày 22-7 tại Munich, Đức.

Tác động đến tăng trưởng

Nhiều nước khủng bố rất phổ biến và cũng có xung đột nội bộ cao. Vì vậy rất khó để tách bạch những tác động của khủng bố đối với kinh tế so với tác động từ xung đột. Trong khi tăng trưởng và sản lượng của nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do các hành vi khủng bố, không có một mẫu số chung cho tất cả các nước. Những dữ liệu về tác động gián tiếp của khủng bố đến kinh tế cho thấy kết quả khác nhau và thường mâu thuẫn. Hơn nữa, tác động của chủ nghĩa khủng bố đối với GDP thay đổi đáng kể phụ thuộc vào hệ thống chính phủ, mức độ phát triển và vị trí. Không có tương quan đáng kể giữa mức độ khủng bố và tăng trưởng GDP, cụ thể, tương quan này chỉ bằng 0,09 trong 10 năm. Nghiên cứu về tác động của khủng bố đến FDI cũng cho thấy mức tương quan khá yếu, chỉ khoảng 0,18.

Tính đa dạng của chủ nghĩa khủng bố, khả năng phục hồi của nền kinh tế và mức độ an ninh là các yếu tố có ảnh hưởng đến việc xác định tác động của khủng bố đối với nền kinh tế của một quốc gia. Nghiên cứu cho thấy rằng các cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 đã có ít ảnh hưởng đến FDI vào Hoa Kỳ, và FDI vào Tây Ban Nha thực sự tăng 6 tỷ USD vào năm 2005 sau vụ đánh bom khủng bố ở Madrid năm 2004. Ngược lại, dòng vốn FDI giảm vào năm 1980 và 1990 ở Hy Lạp và Tây Ban Nha được cho do tác động khủng bố và thiệt hại ở mỗi nước lên tới 500 triệu USD.

Tương tự, tác động của chủ nghĩa khủng bố lên FDI ở Nigeria đã tăng đáng kể. Theo ước tính, dòng vốn FDI giảm 6,1 tỷ USD trong năm 2010 do Boko Haram, tức giảm 30% so với năm tài chính trước đó. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhất đã giảm tốc độ tăng trưởng GDP từ 0,51-0,8%, trong khi cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng đầu tư từ 1,3-2%. Tương tự, IEP đã tính toán rằng Iraq mất khoảng 159 tỷ USD đầu tư PPP từ năm 2005 vì khủng bố. Tuy nhiên, tổn thất do khủng bố vẫn ít hơn nhiều so với tổn thất từ tội phạm bạo lực và giết người. Cụ thể, trong năm 2014, tổn thất từ tội phạm bạo lực và giết người trên toàn cầu lên tới 1.700 tỷ USD, cao gấp 32 lần khủng bố.

Các tin khác