Kiểm soát thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp

(ĐTTCO) - 6 tháng đầu năm 2016, diễn biến thị trường tiền tệ tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số dự báo cho rằng trong 6 tháng cuối năm, lãi suất huy động, nhất là lãi suất trung và dài hạn, sẽ tiếp tục tăng tác động lên lãi suất cho vay. Đồng thời, trong quý II, nhiều tín hiệu cho thấy NHNN đã thực hiện những bước nới lỏng tiền tệ, gây lo ngại lạm phát sẽ bùng phát trở lại nếu không có các chính sách ổn định thị trường kèm theo. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

(ĐTTCO) - 6 tháng đầu năm 2016, diễn biến thị trường tiền tệ tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số dự báo cho rằng trong 6 tháng cuối năm, lãi suất huy động, nhất là lãi suất trung và dài hạn, sẽ tiếp tục tăng tác động lên lãi suất cho vay. Đồng thời, trong quý II, nhiều tín hiệu cho thấy NHNN đã thực hiện những bước nới lỏng tiền tệ, gây lo ngại lạm phát sẽ bùng phát trở lại nếu không có các chính sách ổn định thị trường kèm theo. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông đánh giá thế nào về điều hành của NHNN đối với thị trường tiền tệ trong nửa đầu năm 2016, đặc biệt việc NHNN bắt đầu thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ?

TS. TRẦN DU LỊCH: - Trước hết, tôi không nghĩ rằng NHNN thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ theo đúng nghĩa của nó, mà vẫn kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế, kiên trì theo đuổi mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ. Quan sát sự điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong 6 tháng đầu năm nay, cho thấy về cơ bản NHNN vẫn theo cách điều hành từ 3 năm qua, tức phải đạt đồng thời cả 2 mục tiêu mâu thuẫn nhau: vừa chống lạm phát do nguyên nhân tiền tệ, vừa thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, giảm lãi suất cho vay.  

Vấn đề lo ngại hiện nay là CPI tăng do việc điều chỉnh các loại giá do nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, điện, phí giao thông… Tuy nhiên, trong điều hành, Chính phủ cũng đã dự liệu việc điều chỉnh các loại giá nêu trên, nên sẽ không tạo sự đột biến đối với CPI nhất là đối với chỉ số lạm phát cơ bản (loại trừ giá lương thực và nhiên liệu).

Từ cuối năm 2015, khi đặt mục tiêu tăng GDP 6,7% trong năm 2016, NHNN đã đặt kế hoạch tăng tín dụng khoảng 18-20%, nhưng phải theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tập trung các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tín dụng bất động sản. Trong 6 tháng đầu năm, mức tăng tín dụng mới đạt hơn 6% so với cuối năm 2015, tức 6 tháng cuối năm còn nhiều dư địa để tăng mức tín dụng theo kế hoạch đề ra. Tôi cho rằng NHNN không còn nhiều dư địa cho công cụ điều hành chính sách nới lỏng tiền tệ mà không gây lạm phát, nên sẽ không thay đổi mục tiêu so với những tháng đầu năm.

 - Ý kiến của ông về các dự báo cho rằng lãi suất sẽ tăng trong những tháng cuối năm 2016?

- Ngay từ đầu năm với dấu hiệu tăng lãi suất huy động ở một số NHTM, dự báo cung cầu trên thị trường vốn, trong đó có việc phát hành trái phiếu chính phủ, nhiều người lo ngại NHNN khó giữ mức lãi suất trung bình đã hình thành từ đầu năm, nhất là lãi suất trung hạn. Sự lo lắng này là có cơ sở trong bối cảnh cục nợ xấu vẫn chưa giải quyết được cơ bản. Song trên thực tế cũng cho thấy chưa bao giờ doanh nghiệp (DN) làm ăn tốt được NHTM săn đón, chào mời cho vay với lãi suất khá hấp dẫn như hiện nay. Do đó, trong những tháng cuối năm NHNN vẫn điều hành lãi suất ổn định, nhưng mức chênh lệch lãi vay giữa DN làm ăn tốt, DN thuộc diện ưu tiên và DN đang gặp khó khăn sẽ giãn ra. Đây là vấn đề cần quan tâm để hỗ trợ DN đang gặp khó khăn phục hồi kinh doanh. Nếu chính sách tín dụng thực hiện quá cứng nhắc theo nguyên tắc “rủi ro cao lãi suất cao, rủi ro thấp lãi suất thấp”, DN đang khó khăn không thể phục hồi do khó tiếp cận nguồn tín dụng và chi phí tài chính cao. Mặt khác cũng cần quan tâm đến tình hình nền kinh tế tăng trưởng chậm, khả năng hấp thụ tín dụng thấp, nếu NHTM nới lỏng tín dụng có rủi ro cao như tiêu dùng, bất động sản, sẽ đẩy mặt bằng lãi suất chung lên cao và làm tăng rủi ro cho hệ thống NHTM.

- Trong các văn bản gần đây, NHNN đã nhiều lần nhắc các NHTM kiểm soát mức độ tập trung tín dụng, hạn mức tín dụng vào các dự án bất động sản, BOT, BT. Ông nhận định như thế nào về điều này?

- Một trong những nhược điểm của hoạt động tín dụng ở nước ta là không kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng ra khỏi NH. Do nhu cầu phát triển các dự án bất động sản, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đã hạ mức vốn chủ sở hữu trong từng dự án quá thấp, thậm chí vẫn còn tình trạng “tay không bắt giặc”, nên việc NHNN nhắc nhở như trên là quá nhẹ nhàng.

Phải kiểm soát được dòng vốn mới hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ảnh: LONG THANH

Phải kiểm soát được dòng vốn mới hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ảnh: LONG THANH

Chúng ta cần nhà đầu tư có đầu óc kinh doanh, sử dụng được nguồn tiền của xã hội để thực hiện các dự án đầu tư mang lại lợi ích cho xã hội. Nhưng nếu xem nhẹ năng lực tài chính của chủ đầu tư trong từng dự án sẽ mang lại hậu quả khó lường, nhất là tình trạng nợ xấu đang còn là vấn nạn của nền kinh tế. Quan điểm của tôi là phải kiểm soát kỹ dòng tín dụng của NHTM cho các dự án BOT, BT, tránh tình trạng đẩy phần lớn rủi ro của các dự án này cho NHTM.

- Ngân hàng thế giới (WB) nhận định kinh tế Việt Nam tồn tại nhiều rủi ro và chỉ trong chưa đầy 3 tháng đã dự báo giảm mức tăng trưởng GDP năm 2016 từ 6,2% xuống 6%?

- Việc các tổ chức quốc tế dự báo tình hình kinh tế thế giới, khu vực thay đổi liên tục trong thời gian qua, cho thấy nhân tố bất ổn của kinh tế toàn cầu, không riêng kinh tế Việt Nam. WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,2% tháng 4 năm nay và qua kết quả 6 tháng đầu năm đã hạ dự báo xuống còn 6%, theo tôi là phù hợp với tình hình thực tế. Quan điểm của tôi, nếu năm 2016, tốc độ tăng GDP ở mức 6% hoặc nhích hơn một chút cũng là tốt. Vấn đề là tập trung chính sách để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là những nhiệm vụ còn lại của việc tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên gồm đầu tư công, NHTM và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đề ra cho giai đoạn 2011-2015.

Hiện đang có một số ý kiến cho rằng khả năng lạm phát quay lại trong nửa cuối năm 2016 là không thể tránh khỏi khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới hồi phục kết hợp với những điều chỉnh giá trong nước. Theo tôi, với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm, cho thấy trong năm 2016, chỉ số CPI hoàn toàn có thể kiểm soát ở mức dưới 5% như kế hoạch đề ra. Tôi không nghĩ trong 6 tháng cuối năm sẽ “nhập khẩu lạm phát” từ thị trường thế giới và cũng không thể lạm phát từ yếu tố tiền tệ trong nước.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác