Khó kỳ vọng VNP lột xác

Lên kế hoạch… lỗ

(ĐTTCO) - Từ cuối năm 2014, đa phần doanh nghiệp ngành nhựa được hưởng lợi nhờ giá nguyên liệu đầu vào liên tục giảm mạnh. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của CTCP Nhựa Việt Nam (VNP) lại đi ngược xu hướng chung do hoạt động đầu tư dàn trải.

Lên kế hoạch… lỗ

Hoạt động chính của VNP là kinh doanh các loại hạt PVC, PET, PP, PE. Đây là nguyên liệu dùng để sản xuất các loại ống nhựa và bao bì. Hiện tại, trung bình mỗi năm VNP cung ứng cho thị trường khoảng 20.000 tấn nhựa các loại, chiếm 5% tổng sản lượng cung ứng của toàn thị trường. Là nhà cung ứng lớn của nhiều doanh nghiệp nhựa trong nước, bao gồm cả CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) và CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP), nhưng hoạt động đầu tư dàn trải khiến VNP kinh doanh thua lỗ trong suốt 3 năm qua. Tính đến cuối năm 2015, VNP vẫn còn có vốn sở hữu tại 10 công ty con và công ty liên kết.

Theo BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2014, doanh thu thuần của VNP đạt 371,1 tỷ đồng (giảm 24,6%), lỗ sau thuế 31,16 tỷ đồng. Dù vậy, mức lỗ này đã giảm đáng kể so với khoản lỗ 97 tỷ đồng của năm 2013. Với tình hình thực này, năm 2014 VNP đã đặt ra kế hoạch kinh doanh trong các năm 2015-2016 vẫn duy trì trạng thái lợi nhuận âm, nhưng mức lỗ giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, trong năm 2015, lợi nhuận của VNP đã tăng trưởng đáng kể và chỉ còn lỗ gần 0,8 tỷ đồng. Từ kết quả bất ngờ này, lần đầu tiên sau 3 năm, HĐQT của VNP đã mạnh dạn đề ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2016 là 2 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt 300 tỷ đồng.

Nỗ lực tái cơ cấu

Trước tình trạng này, ngay từ năm 2013, lãnh đạo VNP đã chủ động tái cơ cấu các hoạt động của mình bằng việc mạnh tay giải thể/sáp nhập các phòng ban, chi nhánh để tinh gọn bộ máy hoạt động và cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp. Về phương diện tài chính, VNP cũng đẩy mạnh việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, nợ đến hạn phải trả bằng dòng tiền từ việc thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết kém hiệu quả và bán tài sản. Cụ thể, trong năm 2015 VNP hoàn tất thoái vốn tại 3 công ty là CTCP Nhựa Thăng Long, CTCP Nhựa Bắc Giang, CTCP Nhựa Tân Phú. Tại ĐHCĐ năm 2016, HĐQT của VNP cho biết đã thống nhất với đối tác về giá chuyển nhượng 2 dự án tại số 39A Ngô Quyền (120 tỷ đồng) và 360 Giải Phóng, Hà Nội (21 tỷ đồng). Riêng với dự án 39A Ngô Quyền, VNP sẽ nhận ứng trước khoảng 40% giá trị hợp đồng trong năm nay.

Dù việc hạch toán lợi nhuận của 2 dự án (ước tính khoảng 101 tỷ đồng sau thuế TNDN) có thể chỉ được ghi nhận trong năm 2017, nhưng việc VNP có thêm dòng tiền để trả bớt nợ vay và bổ sung nguồn vốn hoạt động được nhiều cổ đông đánh giá cao. Đồng thời, VNP cũng dự kiến sẽ hoàn tất thoái vốn tại CTCP Nhựa Youl Chon Vina trong năm nay. Bên cạnh đó, VNP chủ trương chuyển hướng dần sang sản xuất một phần các sản phẩm mà trước nay chỉ thuần túy mua đi bán lại. Đầu tiên, VNP sẽ tận dụng khuôn viên nhà xưởng sẵn có ở phía Nam để đầu tư nhà máy tái chế nhựa phế liệu. Hiện tại, VNP đã thu xếp được nguồn vốn vay từ ngân hàng cho dự án.

Vẫn chưa rõ ràng

Kế đến, VNP sẽ tiếp tục đầu tư nhà máy chuỗi cách điện theo chương trình công nghệ cao của Chính phủ. Đầu ra chính của nhà máy là các sản phẩm chuỗi cách điện polymer với lớp phủ cao su silicol có khả năng thay thế hàng nhập khẩu. Dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 70 tỷ đồng, 30% được tài trợ bởi ngân sách nhà nước. Cuối cùng, trên cơ sở nghiên cứu về nhựa sinh học đã hoàn thành trong 2011-2012, VNP cũng đang ứng dụng thử nghiệm để đưa vào vận hành một nhà máy sản xuất túi sinh học. Có thể thấy, việc tái cơ cấu đang đem lại một số chuyển biến tích cực trong hoạt động của VNP. Kết quả kinh doanh của VNP cũng dần cải thiện cộng với các khoản lợi nhuận từ việc bán tài sản. Dự báo, VNP có thể hoàn tất xóa lỗ lũy kế trong năm 2017 hoặc 2018. Ngoài ra, câu chuyện thoái vốn của Bộ Công Thương tại VNP cũng được thị trường kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực đối với giá CP trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, việc đánh giá hiệu quả tài chính của các dự án nói trên là khó thực hiện được bởi có quá ít thông tin cụ thể từ phía doanh nghiệp. Thêm vào đó, lộ trình và quyết tâm thoái vốn của Bộ Công Thương tại VNP vẫn chưa rõ ràng. Theo ông Lê Hoàng, Chủ tịch HĐQT của VNP, do Bộ Công Thương chưa bàn giao được cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vì doanh nghiệp chưa giải quyết xong các vấn đề về tài chính. Điều này khiến NĐT khó có thể đặt kỳ vọng vào một bước “lột xác” tại VNP trong ngắn hạn. Thực tế, sau đợt tăng mạnh trong tháng 6, giá CP VNP đã liên tục đi xuống và đang giao dịch ở mức 5.800 đồng/CP. VNP chào sàn UPCoM ngày 18-8-2015 với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên 2.000 đồng/CP.

Các tin khác