Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể

Cánh cửa cho thương hiệu Việt

Yếu tố bản sắc

(ĐTTCO) - Theo một kết quả khảo sát gần đây, ngoài Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, người tiêu dùng thế giới không hề có một nhận thức nào về thương hiệu của DN Việt. Do vậy, trong thời kỳ hội nhập này, cứu cánh cho thương hiệu Việt chỉ còn lại các sản phẩm mang đặc trưng của quốc gia - đó là chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể.

Yếu tố bản sắc

Chỉ dẫn địa lý là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, được pháp luật bảo hộ và ghi nhận là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước. Đặc trưng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý là gắn liền với nguồn gốc xuất xứ, có danh tiếng, chất lượng, đặc tính riêng tương ứng với môi trường, thổ nhưỡng vùng miền quyết định. Thế giới đã quen thuộc với các chỉ dẫn rượu Scotch, cà phê Kona hay thịt cừu đông lạnh Brunei… Việt Nam cũng phát triển các chỉ dẫn địa lý với 43 sản phẩm như bưởi Đoan Hùng, cam Vinh, cà phê Buôn Ma Thuột, nón lá Huế, thanh long Bình Thuận, nước mắm Phú Quốc… Trải qua khoảng thời gian khá “chật vật” để giành lại các chỉ dẫn địa lý từ nước ngoài, cũng đã đến lúc việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần phải được coi trọng. Chỉ dẫn địa lý không chỉ là công cụ để bảo vệ giá trị của sản phẩm trong môi trường sinh thái nông nghiệp mà còn là động lực cho phát triển thương mại bền vững.

Đối với các tài sản trí tuệ địa phương có tiềm năng phát triển thành thương hiệu mạnh, có lợi thế trong cạnh tranh, cần phải tiến hành đầu tư và đăng ký bảo hộ dưới dạng “nhãn hiệu tập thể”. Nhãn hiệu tập thể với chức năng cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về xuất xứ hàng hóa, dịch vụ của tổ chức. Đây là công cụ kinh doanh mang lại nhiều giá trị cho chủ sở hữu. Người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu trong việc lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của từng nhóm ngành, hội đoàn, hiệp hội. Do vậy đã tích cực thúc đẩy quá trình xác lập và phát triển các nhãn hiệu tập thể để tạo uy tín trên thị trường. “Chè Thái Nguyên”, “tôm càng xanh Tam Nông”, “cá tra giống huyện Hồng Ngự” hay “bánh tráng phơi sương Trảng Bàng”… cùng những nhãn hiệu tập thể khác đã và đang góp phần đẩy mạnh giá trị nông sản vùng miền, hình thành một tài sản vô hình rất lớn đối với các tổ chức tập thể sở hữu nó.

Nếu nói đến định vị thương hiệu quốc gia, đôi khi Việt Nam không phải là đối thủ cạnh tranh của các quốc gia có trình độ công nghệ cao và sở hữu một số lượng lớn bằng sáng chế. Do đó, cái có thể tạo dấu ấn đặc trưng cho thương hiệu quốc gia hiện nay chính là yếu tố bản sắc. Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa Việt Nam sẽ được giới thiệu sâu rộng đến bạn bè thế giới. Với một nền văn hóa có nhiều đặc sản, sản vật vùng miền, không khó để xây dựng các yếu tố nền tảng nhằm phát triển các thương hiệu, nhãn hiệu mang tính địa phương là chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể. 2 hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ này cần phải được tập trung khai thác và tận dụng tối đa để mở ra một cánh cửa rộng hơn cho thương hiệu Việt.

Nước mắm Phú Quốc là 1 trong 43 sản phẩm đã được phát triển chỉ dẫn địa lý.

Nước mắm Phú Quốc là 1 trong 43 sản phẩm đã được phát triển chỉ dẫn địa lý.

Cần kế hoạch dài hạn

Để đẩy mạnh hoạt động xác lập và quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, cần phải có một kế hoạch dài hạn theo từng giai đoạn do đặc thù của quá trình xác lập được tính bằng năm. Trước hết phải xác định được đối tượng phát triển chủ lực của địa phương và sắp xếp theo một thứ tự ưu tiên. Do tính chất của nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nên ngày nào sản phẩm, dịch vụ chưa được đăng ký, ngày đó vẫn còn tồn tại khả năng bị đánh cắp. Một khi bị đánh cắp, chủ sở hữu chính hiệu sẽ rất khó khăn và tốn nhiều công sức để đòi lại, chưa kể những trường hợp bị đăng ký trước. Địa danh “Buôn Mê Thuột” là một thí dụ. Đây là địa danh duy nhất chỉ của Việt Nam, nhưng lại bị các công ty tư nhân Trung Quốc dùng để bảo hộ nhãn hiệu nước họ và được cấp bằng. Kết quả là văn bằng này được dùng để ngăn cản việc xuất khẩu cà phê nhân sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, một khi gia nhập thị trường thế giới, với bệ phóng của AEC và TPP, các tiêu chuẩn và quy chuẩn mới về sở hữu trí tuệ là yêu cầu cần đảm bảo. Hàng hóa và dịch vụ của các quốc gia sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam, gây nên sức ép lớn về cạnh tranh, kéo theo các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Nếu hàng hóa và dịch vụ Việt Nam không đủ sức bền, không có chỗ đứng vững chắc về chất lượng và thương hiệu, sẽ dễ dàng bị đánh bật khỏi thị trường. Điều này đòi hỏi phải đặt việc xây dựng và phát triển thương hiệu, trong đó có nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý lên vị trí ưu tiên hàng đầu.

Khẳng định sức hút của thương hiệu Việt trên trường quốc tế, tạo ra những dấu ấn đặc trưng trong tiềm thức của người tiêu dùng và sự công nhận của thị trường, đây là những mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đang hướng tới. Xu thế toàn cầu hóa và nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế  đòi hỏi phải có sự nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc về vai trò và sự cần thiết của vấn đề bảo hộ, phát triển chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể. Việc xây dựng và thực thi các cơ chế chính sách trong quản lý, sử dụng và khai thác lợi ích từ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. Các cá nhân, tổ chức, DN đã và đang tích cực khai thác tối đa thế mạnh từ bản sắc và địa phương. Về chiến lược và chính sách phát triển, cũng như quy định của pháp luật, cần sự hỗ trợ và chung tay  của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương cũng như các đơn vị tư vấn chuyên môn và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Các tin khác