Nâng kinh phí quảng bá du lịch: Cần nhưng chưa đủ

(ĐTTCO) - Trước đề xuất tăng ngân sách nhà nước cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch từ 40 tỷ hiện nay lên 120 tỷ đồng trong năm 2017, khá nhiều ý kiến cho rằng tăng kinh phí là cần, nhưng làm sao để thực hiện cho đúng mục đích và hiệu quả mới là điều quan trọng.

(ĐTTCO) - Trước đề xuất tăng ngân sách nhà nước cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch từ 40 tỷ hiện nay lên 120 tỷ đồng trong năm 2017, khá nhiều ý kiến cho rằng tăng kinh phí là cần, nhưng làm sao để thực hiện cho đúng mục đích và hiệu quả mới là điều quan trọng.

Dùng sao cho hiệu quả

Nói về con số 120 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Công ty Du lịch Lửa Việt, hài hước: “120 tỷ đúng là lớn hơn 40 tỷ đồng, nhưng cái gốc vấn đề không phải nằm ở chỗ đó. Cần phải thay đổi cái nhìn về du lịch. Vấn đề là làm sao dùng tiền cho hiệu quả, nếu không có tăng lên 120 tỷ đồng cũng chỉ như gió vào nhà trống”.  

Phải nhận thức du lịch là một ngành kinh tế. Cần bỏ tư duy coi du lịch chỉ là ngành vui chơi, giải trí mà xây dựng một tư duy kinh tế trong quản lý và vận hành ngành kinh tế này. Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ mang nội hàm văn hóa, có tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng. Chúng ta phải có các tiêu chí đánh giá ngành này như thế nào, chứ hiện nay mới tính theo lượt khách. Rồi vấn đề môi trường du lịch, kết cấu hạ tầng, sản phẩm du lịch thế nào…

Ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ

Trước đó không lâu, khi nói về vấn đề ít kinh phí cho xúc tiến du lịch, ông Mỹ từng chia sẻ với ĐTTC: “Theo quan điểm của tôi quảng bá là việc nên làm nhưng nó không quan trọng bằng việc dân du lịch truyền miệng. Hiện nay khi mạng xã hội phát triển, các website du lịch rộng khắp toàn cầu, chỉ một chia sẻ nho nhỏ của du khách sẽ giúp hình ảnh du lịch Việt Nam được lan tỏa rất nhanh, mạnh. Muốn làm được phải bắt đầu từ những việc nhỏ, mỗi năm phải đưa ra một vấn đề và nhất định phải làm cho bằng được. Còn nếu chúng ta chỉ quảng bá mà không làm ngay khi du khách tới họ dễ bị thất vọng, cảm giác bị lừa dối. Và như vậy khi họ chia sẻ trên các diễn đàn du lịch sẽ khiến hình ảnh du lịch của chúng ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

 Tương tự, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho rằng cần có một kế hoạch tổng thể cho việc sử dụng kinh phí trong xúc tiến du lịch. “Đành rằng 40 tỷ đồng hiện nay chưa nhiều, nhưng hãy nhìn lại xem chúng ta đã dùng 40 tỷ đồng ấy cho đúng mục đích hay chưa. Nếu tăng lên 120 tỷ đồng mà không có kế hoạch trước cũng không thay đổi được gì”. Cũng theo ông Long, việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn hết sức quan trọng, và khi đó cần phải song hành giải quyết nhiều vấn đề như con người, tổ chức, xúc tiến quảng bá hình ảnh… So với các nước trong khu vực, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 27% của Thái Lan, 31% của Malaysia, 52% của Singapore. Tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam cũng không cao, bình quân 7% trong giai đoạn 2011-2015, trong khi ở Thái Lan và Singapore lần lượt là 12% và 10%. So với các nước thuộc nhóm dưới, Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng trung bình thấp hơn so với Philippines (8%), Lào (15%) và Myanmar (51%). Thực tế này cho thấy hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch chưa cao.

Khách tham quan Hồ Lắk, Đắc Lắk. Ảnh: LONG THANH

Khách tham quan Hồ Lắk, Đắc Lắk. Ảnh: LONG THANH

Bắt đầu từ việc nhỏ

Kinh phí dành cho xúc tiến quảng bá du lịch của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn rất khiêm tốn. Cụ thể, với mức kinh phí 2 triệu USD/năm của Việt Nam, chỉ bằng 2,9% kinh phí đầu tư của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia. Chính vì thế nên những ý tưởng như làm clip quảng bá du lịch trên những kênh nổi tiếng như CNN hay HBO… không khả thi. Nhưng tiền ít không có nghĩa không có cách, quan trọng là ý tưởng và biến ý tưởng đó thành hiện thực. Thử nhìn qua Campuchia, khi tìm kiếm những thông tin về du lịch của nước này, các công ty lữ hành, các du khách đã từng đến đều chia sẻ một số điểm đến trong đó có thành phố biển Sihanoukville. Việt Nam có rất nhiều bãi biển đẹp không thua kém Sihanoukville, nhưng có một đặc trưng làm nên khác biệt cho bãi biển này là các quán ăn dọc bãi biển Serendipity ở Sihanoukville đều giống nhau với dãy ghế mây lót nệm và bàn ăn thắp nến. Với dân du lịch, khi lên những trang mạng xã hội hay lên những diễn đàn du lịch, chỉ cần nhìn bức ảnh một người đang ngồi trên chiếc ghế mây hình tròn to sụ phía trên có lót nệm thì đều đoán được đây chính là Sihanoukville. Chiếc ghế mây lúc này đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của vùng biển Campuchia.

Bàn về vấn đề này, ông Mỹ chia sẻ: “Có một việc nhỏ nhưng lâu nay ngành du lịch Việt Nam chưa thể giải quyết thấu đáo chính là nhà vệ sinh. Cách đây không lâu, khi dẫn đoàn đi Lào, chúng tôi ấn tượng với nhà vệ sinh ở Lào, chỗ nào cũng khá tươm tất, có chỗ chưa đẹp nhưng sạch sẽ. Còn ở ta chuyện nhà vệ sinh mấy chục năm còn chưa làm được nói chi chuyện lớn".

 Song hành với việc nâng kinh phí xúc tiến quảng bá du lịch lên 120 tỷ đồng vào năm 2017, trong đề án định hướng phát triển ngành du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bộ VH-TT-DL còn đề cập đến việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng nguồn vốn của quỹ trên. Nhà nước sẽ cấp vốn ban đầu để hình thành quỹ là 300 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các khoản thu từ các chủ thể được hưởng lợi từ hoạt động du lịch và các nguồn xã hội hóa khác. Tất nhiên con số 300 tỷ một lần nữa lại nhận được những ý kiến trái chiều. Câu chuyện kinh phí dành cho xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam không mới, nhưng sau rất nhiều lần bàn thảo vẫn chưa có giải pháp hiệu quả thực sự để phát huy hết tiềm năng của du lịch Việt Nam.

Các tin khác