Dự án chung cư dở dang: Thắng kiện, vẫn mất tài sản

“Rất tuyệt vọng”!

(ĐTTCO) - Sống và làm việc theo pháp luật, tòa án là cơ quan phán quyết cuối cùng, buộc đương sự phải chấp hành. Nhưng trên thực tế, đối với các dự án chung cư xây dựng dở dang, dù phán quyết của tòa án tuyên người dân đã thắng kiện, nhưng họ vẫn tiếp tục bị thiệt thòi…

“Rất tuyệt vọng”!

Đó là tâm trạng hiện tại của chị Nhất Phương, một khách hàng của chung cư Vạn Hưng Phát (VHP, ở quận 8, TPHCM), cho dù trên tay cầm bản án của Tòa án nhân dân quận 8 tuyên chị thắng kiện chủ đầu tư cách nay gần giáp năm!

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, việc xảy ra trường hợp trên là do chủ đầu tư đã không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng; chủ đầu tư thiếu chuyên nghiệp, thiếu năng lực hoặc sử dụng vốn huy động, vốn tín dụng sai mục đích; có trường hợp còn do sự quản lý lỏng lẻo hoặc đồng tình của tổ chức tín dụng. Điều đó đã gây thiệt hại rất lớn, mất niềm tin của người mua nhà vào thị trường bất động sản, ảnh hưởng không nhỏ đến an sinh xã hội...

Theo đó, tháng 2-2011, chị ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng VHP để mua một căn hộ 82,44m2 tại chung cư số 339 đường Bông Sao (quận 8), chủ đầu tư sẽ giao nhà vào tháng 3-2013. Chị Phương đã 3 lần nộp tiền, tổng số 678 triệu đồng. Đồng tiền ky cóp được cứ theo lịch thanh toán mà chảy vào két sắt của chủ đầu tư; còn dự án thì chờ hết mùa nắng sang mùa mưa, hết năm này sang năm khác, chỉ thấy đổ xong móng rồi phơi gió sương. Kêu cứu khắp nơi không ăn thua, chị nộp đơn lên tòa. Tại tòa, chủ đầu tư không xuất hiện, chị được tuyên thắng kiện, rồi cũng không đi tới đâu: dự án không xây, tiền không lấy lại được.

Chung cư Vạn Hưng Phát sau nhiều năm mở bán, đến nay chỉ mới thi công móng hầm.
Chung cư Vạn Hưng Phát sau nhiều năm mở bán, đến nay chỉ mới thi công móng hầm.

Tuyệt vọng, nay chị tiếp tục làm “đơn tố cáo” gửi lên Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng kêu cứu. Không chỉ chị Phương, nhiều khách hàng làm đơn tố cáo tập thể, cho biết đã đóng rất nhiều tiền, đặc biệt có trường hợp 1 căn hộ bán cho 2 người, trở thành nỗi bức xúc nghiêm trọng. Chẳng hạn, bà Thái Thu nộp 5,2 tỷ đồng để mua căn penhouse P5- LA tầng 21, đồng thời chủ đầu tư cũng bán căn hộ này và thu số tiền tương tự của ông Trần Đức Khôi. Không có nhà, khách hàng kéo tới trụ sở công ty tại 312 - 314 Tùng Thiện Vương “cắm trại” để đòi lại tiền, đòi không được thì dùng sơn viết nghuệch ngoạc lên cửa công ty…

Khách hàng càng rối ruột hơn khi biết biên bản thỏa thuận tại Tòa án nhân dân quận 8 ký vào tháng 3 năm nay giữa VHP và chủ nợ là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bình Chánh. Tổng số nợ tại ngân hàng là 151 tỷ đồng (nợ gốc 62,6 tỷ đồng, lãi vay 88,4 tỷ đồng), trong vòng một năm, bắt đầu từ tháng 12 năm nay, nếu công ty không thực hiện trả nợ đúng kỳ hạn, cơ quan thi hành án dân sự sẽ phát mãi toàn bộ tài sản đã thế chấp là quyền sử dụng đất của khu đất xây dựng chung cư VHP cùng với toàn bộ công trình xây dựng trên khu đất, để thu hồi nợ.

Công ty VHP còn đối mặt với khó khăn khác, đó là Chi cục Thi hành án dân sự quận 8 đã thụ lý thi hành các bản án, quyết định của tòa án liên quan đến khoản nợ hơn 26 tỷ đồng, cộng với án phí gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, về tiền sử dụng đất của dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, chủ đầu tư nợ 23 tỷ đồng, sở đang tiến hành thụ lý việc xử phạt vi phạm hành chính vì chậm nộp. Đáng quan ngại hơn, khi Sở Xây dựng tham gia giải quyết, nhiều lần mời chủ đầu tư đến làm việc nhưng phía công ty đều vắng mặt không có lý do.

Ảnh hưởng an sinh xã hội

Gần 3 năm qua, hàng trăm khách hàng của chung cư Gia Phú, quận Thủ Đức (do Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú  làm chủ đầu tư) lo lắng, mất ăn mất ngủ vì mua nhà trên giấy. Dự án chào bán ra thị trường năm 2010, nhiều khách hàng đã đóng 70% - 90% tiền mua nhà; cam kết giao nhà chậm nhất quý 3-2013. Khi dự án chậm giao nhà, khách hàng lại phát hiện nhiều trường hợp một căn hộ bị bán cho nhiều người. Hơn 2 năm qua, cuộc chiến đòi nhà, săn chủ đầu tư, kiện tụng diễn ra ồn ào.

Hàng loạt khách hàng nộp đơn kiện chủ đầu tư, tất cả đều thắng kiện, nhưng tiếp theo là bế tắc, vì tiền không lấy được mà nhà thì không thấy đâu! Còn với Công ty Tân Hoàng Thân bán căn hộ Royal (Bình Thạnh), khách hàng trải qua mấy năm đi kiện, dù tòa đã tuyên khách hàng thắng kiện, buộc chủ đầu tư phải trả lại tiền nhưng đã 4 - 5 năm nay vẫn chưa thể thi hành án. Hay dự án Petrovietnam Landmark (quận 2) không giao nhà 5 năm, lần lượt những người đứng đầu công ty này vào tù, tòa tuyên chủ đầu tư phải trả lại tiền nhưng khách hàng vẫn mỏi mòn chờ đợi.

Từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Trường (Trưởng Văn phòng Luật sư Trường) nhận xét, cơ bản khung pháp lý tương đối hoàn thiện, nhưng các cơ quan thực thi pháp luật thiếu sự giám sát hoặc áp dụng pháp luật chưa nghiêm, không loại trừ có những khuất tất. Rất nhiều vụ lừa đảo trên thị trường bất động sản có thể xử lý hình sự, nhưng vì lý do nào đó mà cơ quan chức năng lại “đẩy” sang dân sự, dẫn đến việc chủ đầu tư xem thường pháp luật. Tiếp đó, không có chế tài nào đối với những trường hợp cố tình không thi hành án, không thể bảo vệ quyền lợi của người dân. Cuối cùng người dân không biết làm thế nào, nên thua luôn. Đây là điểm yếu trong pháp luật tố tụng.

Chấn chỉnh quản lý phí bảo trì chung cư

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa vừa chỉ đạo Sở Xây dựng TP khẩn trương chấn chỉnh công tác quản lý phí bảo trì chung cư theo chỉ đạo của Thành ủy. Theo đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM giao Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn thống nhất trên địa bàn thành phố việc sử dụng, quản lý quỹ bảo trì chung cư, có biện pháp xử lý, chấn chỉnh, yêu cầu các chủ đầu tư chung cư bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư, tránh gây bức xúc trong nhân dân, báo cáo Thường trực Thành ủy trước ngày 15-8-2016.

Các tin khác