QUY ĐỊNH ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ

Vênh nhau giữa luật và thông tư

(ĐTTCO) - Báo ĐTTC số ra ngày 18-7 có loạt bài Chủ đề: “Chính phủ kiến tạo và liêm chính - Hỗ trợ doanh nghiệp, tạo lập thị trường” và “Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV - Phải triệt tiêu phí xin - cho”. Theo đó Chính phủ sẽ có những thay đổi đáng kể để tạo lập lại niềm tin của doanh nghiệp (DN) vào nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, ngay sau khi bài báo đăng, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của DN, chuyên gia và giới luật sư xung quanh vấn đề ưu đãi cho DN đã bị cơ quan quản lý “cắt xén” thông qua thông tư hướng dẫn thực hiện ưu đãi.

(ĐTTCO) - Báo ĐTTC số ra ngày 18-7 có loạt bài Chủ đề: “Chính phủ kiến tạo và liêm chính - Hỗ trợ doanh nghiệp, tạo lập thị trường” và “Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV - Phải triệt tiêu phí xin - cho”. Theo đó Chính phủ sẽ có những thay đổi đáng kể để tạo lập lại niềm tin của doanh nghiệp (DN) vào nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, ngay sau khi bài báo đăng, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của DN, chuyên gia và giới luật sư xung quanh vấn đề ưu đãi cho DN đã bị cơ quan quản lý “cắt xén” thông qua thông tư hướng dẫn thực hiện ưu đãi.

DN hụt hẫng

Nhiều DN khấp khởi mừng khi địa bàn hoạt động và lĩnh vực ngành nghề kinh doanh thuộc nhóm được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP (NĐ118). Nhưng họ lại hụt hẫng khi Thông tư 83/2016/TT-BTC (TT83) hướng dẫn thực hiện ưu đãi được Bộ Tài chính ban hành, hướng dẫn thực hiện ưu đãi theo Luật Đầu tư nhưng lại căn cứ vào các điều khoản của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã được ban hành trước đó vài năm. Dường như đang có sự không rõ ràng của cơ quan soạn thảo trong ban hành các văn bản về hướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư. Theo TT83 những dự án đầu tư mới đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN, hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại phụ lục II của NĐ118 được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo mức tương ứng đối với lĩnh vực, địa bàn. TT83 còn ghi rõ chỉ những DN thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao mới được hưởng ưu đãi thuế TNDN. 

Việc TT83 hướng dẫn ưu đãi của Luật Đầu tư nhưng một số quy định hạn chế chính sách ưu đãi đầu tư theo tinh thần của Luật Đầu tư và NĐ118 là không phù hợp, vi phạm nguyên tắc thống nhất của pháp luật. Đây có thể là điển hình của việc “thông tư to hơn nghị định”. Nó làm cho những ưu đãi của Luật Đầu tư và NĐ118 không triển khai được trọn vẹn trên thực tế.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI

Như vậy mức thuế TNDN ưu đãi chỉ dành cho những DN có dự án  đầu tư trên địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, còn DN hoạt động trên địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn theo quy định của NĐ118 sẽ không được hưởng ưu đãi thuế theo TT83. Và sẽ có rất nhiều DN hoạt động tại các địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn như các huyện Kim Bôi, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Lạc Thủy, Tân Lạc, Cao Phong (Hòa Bình), Chi Lăng, Hữu Lũng (Lạng Sơn), Bắc Bình, Tuy Phong, Đức Linh, Tánh Linh (Bình Thuận), Đồng Phú, Chơn Thành (Bình Phước), Mang Thít, Tam Bình (Vĩnh Long)… không nhận được ưu đãi thuế theo quy định của Luật Đầu tư và NĐ118 quy định.

 Xét theo lĩnh vực đầu tư, theo NĐ118 sẽ có 57 ngành nghề và 55 địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư, nhưng theo hướng dẫn của TT83 không phải tất cả DN nằm trong nhóm đối tượng ưu đãi đều được hưởng ưu đãi đầu tư. Theo TT83 dự án đầu tư mới phải đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN mới được hưởng ưu đãi thuế ở mức tương ứng 10-20%. Đồng thời được miễn thuế tối đa không quá 4 năm, được hưởng ưu đãi tối đa 15 năm thuế TNDN ở mức 10% và giảm 50% số thuế phải nộp trong thời gian tối đa không quá 9 năm. Số ngành nghề được hưởng ưu đãi thuế theo Luật Thuế TNDN cũng giới hạn hơn rất nhiều so với Luật Đầu tư. Trong Luật Thuế TNDN chỉ đưa ra các ngành nghề được hưởng ưu đãi thuế TNDN gồm DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, dạy nghề, văn hóa, thể thao, môi trường, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân, sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường.

Như vậy sẽ có nhiều ngành nghề nằm trong nhóm hưởng ưu đãi theo Luật Đầu tư không được hưởng thuế suất ưu đãi theo Luật Thuế TNDN như dịch vụ cứu hộ trên biển; sản xuất hóa dầu, hóa chất cơ bản, linh kiện nhựa, cao su; đóng tàu; sản xuất vật liệu thay thế amiăng; đầu tư kinh doanh trung tâm hội chợ triển lãm hàng hóa, trung tâm logistics, kho hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại…

Ưu đãi không đến được DN

TT83 hướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư gồm 3 nhóm ưu đãi về thuế TNDN, thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, nhóm ưu đãi lớn nhất là ưu đãi về thuế TNDN. Theo quy định hiện hành mức thuế suất TNDN thông thường là 20%, với DN tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí, và tài nguyên quý hiếm, từ 32-50% áp dụng với từng dự án, từng DN cụ thể.  

DN, nhà đầu tư đã dựa vào quy định, điều kiện ưu đãi của Luật Đầu tư hay NĐ118 để tính toán bài toán đầu tư, triển khai thực hiện dự án đầu tư, nhưng không thuộc diện được hưởng ưu đãi như quy định tại TT83 rõ ràng gặp phải rủi ro lớn. Điều này tạo ra thiệt hại trực tiếp cho DN và những hệ quả xấu cho môi trường đầu tư về sau.

Vì vậy nếu DN thuộc diện ưu đãi thuế TNDN nhưng không được hưởng sẽ chịu thêm gánh nặng rất lớn về thuế. Theo tính toán của một DN sản xuất vật liệu thay thế amiăng, nếu được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong 15 năm, DN sẽ tích lũy được nguồn thu rất lớn để tái đầu tư. Với doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm, theo Luật Đầu tư trong 4 năm đầu DN được miễn thuế, 9 năm kế tiếp chỉ nộp 50% mức thuế TNDN, tương ứng với 500 triệu đồng/năm, 2 năm còn lại nộp 1 tỷ đồng/năm. Tổng số thuế phải nộp trong 15 năm là 6,5 tỷ đồng. Còn nếu không được hưởng ưu đãi theo Luật Đầu tư và NĐ118 DN sẽ phải nộp 30 tỷ đồng.

 Theo nhiều chuyên gia, đây là bất cập lớn và điển hình trong việc thực hiện Luật Đầu tư. Nó không chỉ là việc các quy định hướng dẫn muộn, đến hơn 1 năm sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực mới có thông tư hướng dẫn để thực hiện ưu đãi trong lĩnh vực thuế. Mà những quy định của Luật Đầu tư và nghị định hướng dẫn có vẻ rất thoáng, rất dễ dàng nhưng việc triển khai trên thực tế lại phụ thuộc rất lớn vào quy định chuyên ngành. Trong khi quy định chuyên ngành lại diễn giải theo hướng hạn chế, xiết lại so với các quy định của Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn.

Đang có vênh nhau giữa các luật

Trong một thông báo mới đây, Bộ Tài chính giải thích việc thực hiện ưu đãi thuế trong TT83 như sau: Ưu đãi thuế TNDN chỉ là một trong các hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư được quy định tại Điều 15 Luật Đầu tư. Tại Khoản 3 Điều 15 Luật Đầu tư quy định về hình thức ưu đãi được áp dụng đối với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng. Mức ưu đãi cụ thể đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai. Khoản 4 Điều 18 Luật Thuế TNDN sửa đổi cũng quy định trong cùng một thời gian, nếu DN được hưởng nhiều mức ưu đãi thuế khác nhau đối với cùng khoản thu nhập, DN được chọn áp dụng mức ưu đãi thuế có lợi nhất. Như vậy TT83 quy định trường hợp dự án đầu tư đồng thời đáp ứng nhiều điều kiện ưu đãi về thuế TNDN được chọn hưởng mức ưu đãi thuế TNDN có lợi nhất cho DN là phù hợp.

Số lượng ngành nghề được ưu đãi theo Luật Đầu tư và NĐ118 đã bị TT83 hạn chế. Ảnh: LONG THANH

Số lượng ngành nghề được ưu đãi theo Luật Đầu tư và NĐ118
đã bị TT83 hạn chế. Ảnh: LONG THANH

Theo Bộ Tài chính, TT83 đã hướng dẫn đúng theo quy định về bảo đảm ưu đãi đầu tư của NĐ118. Việc xây dựng và ban hành TT83 đã được thực hiện theo đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đã tổng hợp ý kiến tham gia của 16 bộ, 15 UBND các tỉnh, thành phố, 18 sở tài chính và sở kế hoạch - đầu tư, 11 cục hải quan và 56 cục thuế. Về phía Bộ KH-ĐT, một lãnh đạo cấp vụ cũng cho rằng Luật Đầu tư, NĐ118 chỉ quy định những dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn đầu tư cụ thể được hưởng ưu đãi, còn Luật Thuế TNDN lại quy định đối tượng, thu nhập chịu thuế, căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế, ưu đãi thuế thu nhập DN nên cách tiếp cận vấn đề rất khác nhau. Trên thực tế, sau nhiều lần sửa đổi Luật Thuế TNDN, Luật Đầu tư, 2 bộ Tài chính và KH-ĐT đã dự thảo, thống nhất trình Quốc hội theo hướng DN được hưởng ưu đãi theo dự án, lĩnh vực, địa bàn đầu tư. Đây là một sự tiến bộ rất lớn vì trước đây xác định ưu đãi theo DN. Khi ban hành 2 dự luật này Quốc hội đã hướng đến sự thống nhất về quy định ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, việc hướng đến cách hiểu giống nhau giữa quy định của Luật Đầu tư và Luật Thuế TNDN  rất khó khăn.

 Cho đến nay chưa thể có được cách hiểu đồng nhất giữa 2 luật. Điều này dẫn đến sự khác nhau về đối tượng, địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư. Khi Bộ Tài chính ban hành TT83, Bộ KH-ĐT có tham gia ý kiến đóng góp về ưu đãi trong đầu tư, việc tiếp thu đến đâu phụ thuộc vào cơ quan chủ trì soạn thảo và ban hành thông tư. Luật Đầu tư, NĐ118 chỉ tập trung vào địa bàn, lĩnh vực được hưởng ưu đãi đầu tư, còn ưu đãi cụ thể thế nào, ưu đãi bao nhiêu do Bộ Tài chính hướng dẫn trong TT83. Việc hướng dẫn, xác định các ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư cũng phải căn cứ vào Luật Thuế TNDN. Bởi nguyên tắc nghị định hướng dẫn luật, thông tư cụ thể hóa các quy định của luật và nghị định. Về trường hợp TT83, có những thứ luật và nghị định quy định chưa cụ thể, thông tư phải hướng dẫn chi tiết. Đặc biệt thuế là lĩnh vực rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của cả Nhà nước và DN, nên cần có những hướng dẫn cụ thể để DN dễ tuân thủ và thực hiện.

Ưu đãi cho doanh nghiệp bị chồng chéo, nhập nhằng

Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group

Những ngày qua, Thông tư 83/2016/TT-BTC (TT83) do Bộ Tài chính ban hành đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trong các quy định của thông tư so với Luật Đầu tư 2014. TT83 hướng dẫn thực hiện ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định. Đặc biệt đối với DN đầu tư mới, các hướng dẫn về ưu đãi đầu tư cũng khá chi tiết. Tuy nhiên, về phía DN cho rằng họ bị cắt bớt ưu đãi khi áp dụng các quy định này.

Liệu có trái luật?

Theo tinh thần của Luật Đầu tư 2014 về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật, các quy định đều mang tính hỗ trợ cho DN. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư nhà đầu tư đang được hưởng, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án. Có nghĩa, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định nào có lợi hơn. Những quy định này được áp dụng cho các ưu đãi nhà đầu tư được hưởng theo quy định của văn bản pháp luật có hiệu lực, trước thời điểm văn bản pháp luật mới có hiệu lực.

Như vậy có 2 vấn đề được đặt ra tại TT83. Thứ nhất, liệu có tồn tại một số quy định mang tính vô hiệu hóa và cắt bớt các ưu đãi thuế lẽ ra DN được hưởng hay không? Tại Điều 4 hướng dẫn thực hiện ưu đãi thuế TNDN, thông tư này quy định các dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi khi đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN và điều kiện về địa bàn ưu đãi đầu tư. Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư là một trong các đối tượng được hưởng ưu đãi về thuế TNDN theo Luật Đầu tư 2014, nhưng lại không được đề cập rõ trong TT83. Việc này dẫn đến một số ý kiến cho rằng dự án đầu tư đáp ứng điều kiện về ngành, nghề ưu đãi đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư sẽ không được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, các quy định từ TT83 lại dẫn chiếu Luật Thuế TNDN. Theo luật này, ưu đãi về thuế suất được áp dụng cho DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm phần mềm… Do đó có thể cho rằng các quy định liên quan đến lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế của Luật Thuế TNDN vẫn được áp dụng.

Thứ hai, có phải chỉ ưu đãi đối với các dự án đầu tư được cấp phép từ ngày 1-7-2015, không ưu đãi đối với các dự án đầu tư được cấp phép trước đó? Tại Điều 7, TT83 đã chia thành 2 mốc thời gian cho các đối tượng khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Kể từ ngày 27-12-2015 NĐ118 đến trước ngày TT83 có hiệu lực thi hành, ưu đãi được thực hiện theo các hướng dẫn cụ thể của thông tư. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư được cấp giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trước ngày 1-7-2015, việc thực hiện chính sách ưu đãi về thuế (thuế TNDN, thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) theo quy định của văn bản pháp luật có hiệu lực trước thời điểm 1-7-2015. Trong quy định này, khó tránh khỏi những hiểu nhầm cho rằng dự án có trước ngày 1-7-2015 chỉ được áp dụng các quy định của văn bản pháp luật có hiệu lực trước thời điểm đó. Song cần nhìn lại Khoản 4 Điều 7 của TT83, dường như đây là điều khoản “trấn an” DN, khi quy định việc bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật được thực hiện theo quy định tại Điều 3 NĐ118, có nghĩa DN có thể áp dụng văn bản pháp luật có ưu đãi cao hơn trong trường hợp thay đổi pháp luật.

Theo Luật Đầu tư 2014, trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư nhà đầu tư được hưởng trước đó, nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.

DN có thể làm gì?

Quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, chịu ảnh hưởng trước hết là các đối tượng của quy định. Đối với nhà đầu tư, DN đầu tư kinh doanh, thường không nắm bắt rõ kiến thức pháp luật, càng dễ chịu thiệt hại. Thí dụ, một DN đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư (đây là ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định tại NĐ118), nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể tại TT83 hướng dẫn thi hành nghị định này. Bất cập nảy cho thấy DN là bên chịu thiệt.

Theo quy định, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Nếu thông tư ban hành trái với nghị định, thông tư đó sẽ bị đình chỉ, hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ. Tuy nhiên, để đình chỉ, hủy bỏ hay bãi bỏ một văn bản pháp luật là một vấn đề phải được xem xét trong thời gian dài. Để ứng phó nhanh với các tình huống này, các DN thường chuộng hình thức gửi công văn để được giải đáp và hướng dẫn trực tiếp cho từng vấn đề cụ thể. Bên cạnh đó, sự lên tiếng của các cơ quan báo đài, hay những người có hiểu biết về pháp luật, cũng là một công cụ hữu hiệu để được các cơ quan có thẩm quyền rà soát lại các quy định pháp luật nếu nhận thấy có bất cập.

Đến thời điểm này, TT83 chưa có hiệu lực thi hành nhưng đã tạo ra khá nhiều vấn đề cần bàn luận. Với xu thế tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư và DN hoạt động tại Việt Nam, những quy định mang tính cản trở sẽ được xem xét và thay thế dần. Hiện tại, các nhà đầu tư và DN vẫn đang thực hiện hoạt động kinh doanh theo tinh thần và quy định của Luật Đầu tư 2014 và NĐ118. Đây được xem là một trong những nền tảng góp phần giảm tải phần nào rào cản pháp lý trong tương lai, tạo cơ sở cho các nhà đầu tư chuyên tâm hơn trong hoạt động kinh doanh của DN mình.

Các tin khác