Kiểm soát dòng vốn đổ vào BOT

(ĐTTCO) - Những năm gần đây, nguồn tín dụng của các NHTM đổ vào dự án BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) khá dồi dào. Trước tình hình đó, NHNN đã liên tục nhắc nhở NHTM phải kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng, hạn mức tín dụng vào các dự án BOT vì việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực này còn một số bất cập, chưa đánh giá đầy đủ những rủi ro có liên quan.

(ĐTTCO) - Những năm gần đây, nguồn tín dụng của các NHTM đổ vào dự án BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) khá dồi dào. Trước tình hình đó, NHNN đã liên tục nhắc nhở NHTM phải kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng, hạn mức tín dụng vào các dự án BOT vì việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực này còn một số bất cập, chưa đánh giá đầy đủ những rủi ro có liên quan.

Cảnh báo cấp tín dụng dự án BOT

Theo tính toán của Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT), giai đoạn 2011-2015, nhu cầu nguồn vốn đầu tư của các dự án BOT, BT (xây dựng-chuyển giao) khoảng 484.000 tỷ đồng, nhưng nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và vốn vay ưu đãi (ODA) chỉ cân đối được 181.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 37%. Trong bối cảnh đó, Bộ GTVT đã đẩy mạnh hình thức xã hội hóa đầu tư, thu hút vốn đầu tư tư nhân. Kết quả đã huy động được 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức BOT và BT, chiếm 42% trong tổng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giai đoạn 2011-2015. Trong tổng vốn huy động từ khu vực tư nhân, chỉ có vài công trình tiếp cận được vốn vay nước ngoài, còn lại gần 90% vốn đầu tư vào các dự án BOT giao thông xuất phát từ vay vốn của các NHTM.

Muốn hiện thực hóa mục tiêu các dự án BOT giảm phụ thuộc vào vốn vay NH cần thay đổi quan điểm về huy động vốn, vốn NH chỉ là nguồn hỗ trợ, còn lại phải đa dạng hóa nguồn vốn huy động. Cụ thể, ngoài kênh NH còn có kênh huy động vốn quan trọng là từ VDB trong phát triển giao thông, hợp tác công tư (PPP), ODA, phát hành trái phiếu công trình và nguồn vốn mồi là ngân sách nhà nước.

TS. Cấn Văn Lực, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Hiện BIDV đang cho vay khoảng 46 dự án BOT và BT với tổng số tiền cam kết khoảng 47.000 tỷ đồng; VietinBank cho MPC vay 6.467 tỷ đồng đầu tư dự án BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ và cho CTCP BOT cầu Bạch Đằng vay 6.397 tỷ đồng đầu tư dự án đầu tư xây dựng nối Hải Phòng - Quảng Ninh; VDB cho Vidifi vay 40.863 tỷ đồng đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Vietcombank cho Tasco vay 2.334 tỷ đồng đầu tư dự án BOT Quốc lộ 10 đoạn Quán Toan-Cầu Nghìn. Tháng 7-2015, dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với tổng mức đầu tư dự kiến 12.000 tỷ đồng khởi công nhưng đến tháng 5-2016 mới có thể đẩy tiến độ khi nhu cầu vay 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án được các NHTM đáp ứng, trong đó VietinBank cung cấp hạn mức tín dụng 4.000 tỷ đồng, TPBank cấp hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng, BIDV làm đầu mối thu xếp khoảng 30-50% tổng vốn vay.

 Trước diễn biến dòng vốn đổ vào lĩnh vực BOT thời gian gần đây ngày càng nhiều, tháng 7-2015, NHNN đã ban hành Chỉ thị 05 về việc tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Theo chỉ thị này, thời gian qua các NHTM đã đầu tư một nguồn vốn lớn tài trợ cho các dự án hạ tầng giao thông trong khi việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực này còn một số bất cập, chưa đánh giá đầy đủ những rủi ro có liên quan. Do đó, NHNN yêu cầu NHTM hạn chế và kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng, hạn mức tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông, kiểm soát thời hạn cho vay, tương ứng với thời hạn huy động vốn, không để xảy ra rủi ro kỳ hạn và thanh khoản.

Trước đó, NHNN cũng đã có văn bản gửi Chính phủ chỉ rõ vướng mắc của các TCTD khi cho vay đầu tư hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, tốc độ cho vay đối với các dự án BOT vẫn không có dấu hiệu chững lại. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2016, dự án BOT đường cao tốc đã vay NHTM gần 30.000 tỷ đồng. Trong Chỉ thị 04 về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH những tháng cuối năm 2016 ban hành mới đây, NHNN tiếp tục yêu cầu các TCTD tăng cường kiểm soát rủi ro đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vốn NH chỉ nên là trợ lực

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, trong giai đoạn 2013-2015 nguồn vốn NH cho vay BOT khá nhiều vì thời điểm đó cần phải có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 13/2013. Đồng thời, Bộ GTVT cũng quyết tâm xã hội hóa và thúc đẩy một số dự án giao thông quan trọng như Quốc lộ 1A, các dự án sân bay, cầu cảng. Nhờ sự rót vốn của NH đã góp phần hoàn thành các dự án đúng hạn, giải quyết được một số vấn đề. Tuy vậy, nếu tiếp tục xu hướng đó sẽ không ổn, nên NHNN đã có cảnh báo NHTM rà soát lại tình hình này.

Cụ thể, nếu ồ ạt cho vay các dự án BOT, NHTM phải đối mặt với hàng loạt rủi ro. Đó là rủi ro về mặt pháp lý, Nhà nước có thể thay đổi chính sách như trước đây cho thu phí BOT nhưng sau không cho thu hay trước cho tăng phí nhưng sau không cho tăng… Rủi ro về năng lực của chủ đầu tư còn yếu kém, không có vốn đối ứng. Rủi ro về giải phóng mặt bằng chậm tiến độ. Bên cạnh đó kinh phí thường đội lên, ban đầu dự toán 10 đồng nhưng sau đội lên 15 đồng, 20 đồng. Chất lượng công trình, mối quan hệ giữa các nhà thầu, mối quan hệ với địa phương cũng tạo ra rủi ro. Cuối cùng là các khoản vay BOT chủ yếu là vay trung và dài hạn, thậm chí rất dài hạn, trong khi nguồn vốn của NHTM chủ yếu là vốn ngắn hạn.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng giám đốc BIDV, cho biết dù có nhiều khoản cấp tín dụng BOT nhưng khi tài trợ vốn, NH cũng cân nhắc tính toán kỹ vì các dự án này có thời gian hoàn vốn từ 15-20 năm, trong khi NHNN đã đưa ra lộ trình giảm dần nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, dự án BOT phụ thuộc vốn NH không chỉ gây rủi ro cho NH mà còn rủi ro cho cả dự án, vì các gói vay thường cam kết lãi suất sau một thời gian sau đó áp dụng lãi suất thả nổi. Vì vậy, nếu muốn giảm thiểu rủi ro cho NH lẫn chủ đầu tư cần một thị trường vốn lớn để tài trợ cho các dự án BOT. Hiện các NHTM đang kiểm soát lại hoạt động cho vay các dự án BOT, những dự án đang dở dang đã cam kết cho vay phải làm tiếp để chủ đầu tư thực hiện.

Các tin khác