Chính phủ kiến tạo và liêm chính

Hỗ trợ doanh nghiệp, tạo lập thị trường

(ĐTTCO) - Vấn đề đang được cả xã hội quan tâm hiện nay là Chính phủ sẽ có những thay đổi nào đáng kể để tạo lập lại niềm tin của doanh nghiệp (DN), người dân vào nền kinh tế đất nước. Đáp ứng lại sự mong đợi chính đáng đó, Chính phủ đang có những thay đổi đáng kể, với mục tiêu trở thành Chính phủ kiến tạo, đổi mới và liêm chính.

(ĐTTCO) - Vấn đề đang được cả xã hội quan tâm hiện nay là Chính phủ sẽ có những thay đổi nào đáng kể để tạo lập lại niềm tin của doanh nghiệp (DN), người dân vào nền kinh tế đất nước. Đáp ứng lại sự mong đợi chính đáng đó, Chính phủ đang có những thay đổi đáng kể, với mục tiêu trở thành Chính phủ kiến tạo, đổi mới và liêm chính.

Chính sách mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 3 phương châm: Thứ nhất, xây dựng một Chính phủ kiến tạo, tạo lập thị trường chứ không phải can thiệp thị trường. Thứ hai, đổi mới để thích ứng với những thay đổi đang diễn ra từng ngày trên thị trường tài chính, hàng hóa quốc tế. Thứ ba, xây dựng Chính phủ liêm chính với các tiền đề để thực hiện thông qua các biện pháp cụ thể đang được chuẩn bị. Đầu tiên, Chính phủ yêu cầu rà soát lại tất cả thông tư, các giấy phép con được ban hành trái thẩm quyền. Đây là đột phá đầu tiên nhằm lập lại kỷ luật hành chính và minh bạch hệ thống pháp lý, gỡ bỏ tất cả quy định trái thẩm quyền cản trở phát triển của kinh tế nói chung và DN nói riêng. Bước tiếp theo, kiên quyết tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Vấn đề tái cấu trúc NHTM tốn rất nhiều tiền, phải thay đổi nhiều vấn đề pháp lý, thời gian và nhân lực.  

Với sự rà soát lại, xóa bỏ những thông tư trái thẩm quyền, quy định trách nhiệm cá nhân gắn với chế tài, tôi kỳ vọng trong thời gian tới sẽ lập lại kỷ cương hành chính, tăng cường hiệu lực của Chính phủ và hỗ trợ DN phát triển.

Trong 5 năm qua, tái cấu trúc NH mới đi được một bước ngắn là duy trì thanh khoản NH hoạt động bình thường, tạo điều kiện cho NH sinh lời và xử lý NH yếu kém. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn khối nợ xấu khổng lồ, vấn đề sở hữu chéo, lợi ích nhóm và toàn bộ thể chế về hoạt động, an toàn hệ thống, rủi ro chưa tiệm cận quốc tế. Trong 5 năm tới, mục tiêu đặt ra giải quyết triệt để các vấn đề này. Tiếp theo là cải cách DNNN. Trong quý III này sẽ thành lập quỹ hoặc Ủy ban quản lý DNNN để quản lý khoảng 25-30 DNNN lớn nhất. Những DNNN còn lại thuộc quản lý của Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoặc chưa thuộc SCIC sẽ kiên quyết đẩy mạnh cổ phần hóa, tư nhân hóa. Chính phủ cũng sẽ kiên quyết bán DNNN, bán tài sản công, dùng tiền đó để xử lý nợ xấu và cân bằng ngân sách.

 Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu rà soát lại toàn bộ quy định đầu tư cũ, đưa ra tiêu chí cho các phương án đầu tư mới theo đúng thông lệ quốc tế về thẩm định các dự án đầu tư công. Đây được xem là một trong những thay đổi về chính sách đầu tư công quan trọng nhất. Thủ tướng đề nghị từ nay bất cứ hoạt động nào của Chính phủ đều phải có người chịu trách nhiệm cụ thể và có chế tài xử phạt rõ ràng nếu không làm được; bãi bỏ thông tư liên bộ để tránh đổ trách nhiệm lẫn nhau, thay vào đó sẽ nghị định hóa các thông tư, quyết định do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm. Đặc biệt, Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu kiên quyết chống lợi ích nhóm trong soạn thảo và thực thi chính sách, cá nhân nào vi phạm sẽ loại bỏ.

Trong điều hành, Chính phủ nhất quán hướng tới nguyên tắc thị trường, phục vụ DN phát triển vô điều kiện, trở thành người kiến tạo mẫn cán để thúc đẩy DN phát triển, trong đó có cả NHTM; đồng thời chú trọng hỗ trợ DN khởi nghiệp. Chính phủ cũng yêu cầu phải rà soát lại các lĩnh vực ngành nghề vì trước đây ưu tiên quá nhiều, ngành nào cũng mũi nhọn, và lĩnh vực trọng tâm đang được hướng đến như công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp và phát triển công nghệ trong tất cả lĩnh vực.

Khơi thông thị trường

Đối với vấn đề tăng trưởng, Chính phủ đã lưu ý không đẩy tăng trưởng lên bằng mọi giá để lấy thành tích. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các chuyên gia lập mô hình, xây dựng các phương án tăng trưởng để Quốc hội xem xét. Năm 2016, chúng ta chấp nhận tăng trưởng trên 6% trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay là phù hợp. Tôi cho rằng GDP của Việt Nam năm nay tăng khoảng 6,4-6,5% là quá tốt và cố gắng duy trì lạm phát mức dưới 5%, năm sau có thể tăng lên 5%. Chúng ta không cố khai thác thêm vài triệu tấn dầu để tăng GDP, mà chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô để tránh lạm phát quay lại, thanh khoản NH khó khăn. Thay vì dành thời gian tạo ra tăng trưởng phi lý, sẽ dành cho tái cấu trúc nền kinh tế, chữa những căn bệnh cũ, tạo nguồn lực phát triển kinh tế.  

Các DN thẳng thắn phản ánh những vấn đề cản trở của chính sách cho Chính phủ nắm bắt, để cố gắng đến năm 2018 hoàn thiện được cơ sở pháp lý hỗ trợ DN. Và từ năm 2018 trở đi chúng ta bước vào sườn dốc tăng trưởng của một chu kỳ dài hạn để có thể tiến vững chắc vào các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Đối với khu vực NH, hiện NHNN cũng đang xây dựng trình Chính phủ đề án tái cấu trúc trong vòng 5 năm tới và sẽ thực hiện theo hướng công khai minh bạch, có xấu nói xấu, có tốt nói tốt, để Chính phủ dựa vào đó định liệu giải pháp về tài chính, cũng như mở cơ chế phù hợp. Trong tái cấu trúc đợt tới sẽ khuyến khích các NHTM tự chịu trách nhiệm và giải quyết dưới sự giám sát của NHNN.

 Đối với thị trường bất động sản (BĐS), hiện đang ở trong tình trạng cầu tăng nhưng cung chưa tăng kịp nên giá cả tăng lên. Nhưng nếu  mở chính sách thoáng cho nhà đầu tư sẽ khiến cầu và cung tăng lên, đẩy giá hạ xuống. Trong bối cảnh như vậy, giới đầu cơ sẽ nhảy vào tạo ra lượng cầu, nếu tiếp diễn tình trạng này cung lại tăng và sau đó cầu lại tăng. Khi giới đầu cơ nhảy vào cuộc sẽ làm cho lượng cung cầu tăng mạnh, càng đầu cơ nhiều giá càng tăng. Và đến lúc nào đó trong tương lai, những người sở hữu BĐS cho rằng giá còn tăng nên sẽ không ai bán. Điều này dẫn đến tình trạng nguồn cung có thật nhưng thực chất là ảo, vì giá treo ở mức cao nhưng không ai bán và sẽ lặp lại tình trạng “bong bóng” BĐS vào giai đoạn 2007-2008. Do đó, chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng dứt khoát phải có một chính sách nào đó để duy trì một thị trường BĐS lành mạnh về dài hạn, đảm bảo không có bong bóng gây sụp đổ và mất giá toàn bộ tài sản thế chấp tại NHTM, đẩy NHTM và cả nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), chúng tôi cũng sẽ có những phân tích sâu và dài hạn như vậy, đồng thời sẽ làm cho TTCK minh bạch hơn, vì sắp tới với hàng ngàn DNNN cổ phần hóa phải niêm yết trên TTCK cùng với các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hay DN nước ngoài vào Việt Nam, các nhà đầu tư chứng khoán quốc tế cũng có thể tham gia nhiều hơn vào TTCK Việt Nam sẽ làm tăng quy mô thị trường. Do đó, chúng ta sẽ phải có một sở giao dịch lớn, tuân thủ chuẩn mực quốc tế về minh bạch, đảm bảo TTCK hỗ trợ cho khu vực NH trong việc cấp vốn trung và dài hạn. Thủ tướng đã yêu cầu trong thời gian tới không chỉ có các DNNVV, mà ngay cả DN khởi nghiệp cũng phải có chỗ để huy động vốn, nhiều NH không làm được TTCK phải làm. Hiện chúng tôi đang xây dựng toàn bộ quy chế của một sàn giao dịch cho các DNNVV, DN siêu nhỏ và DN khởi nghiệp để đáp ứng các yêu cầu này.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với NHNN.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại buổi làm việc
của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với NHNN.

DN cần chủ động

Hỗ trợ DN phát triển là trọng tâm được Chính phủ nhấn mạnh trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ cũng đang gặp khó khăn về nguồn lực tài chính nên cũng khó khăn trong việc hỗ trợ DN trên nền tảng duy trì lãi suất thấp. Lãi suất nếu không được kiểm soát tốt rất có thể tăng lại, vì lạm phát cũng có thể tăng trở lại. Tại thời điểm này có một số thuận lợi như lãi suất trái phiếu chính phủ đang có xu hướng đi xuống, lãi suất liên NH cũng đang ở mức khá thấp, nên trong ngắn hạn có thể duy trì lãi suất ở mức thấp, nhưng về dài hạn cần kiểm tra lại dư địa của chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Muốn giảm lãi suất phải nới lỏng tiền tệ, nhưng chúng ta không còn nhiều dư địa của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa càng không còn dư địa. Về nguồn lực, chúng ta có khoản dự trữ ngoại tệ khoảng 35-36 tỷ USD, quy mô chỉ đủ 10 tuần nhập khẩu.

Hiện Chính phủ đã thể hiện thái độ dứt khoát dựa vào việc bán tài sản công, giảm số lượng DNNN để giảm thâm thủng, tập trung xử lý nợ xấu, điều tiết cung tiền hợp lý để đảm bảo thanh khoản cho các NHTM đưa ra chương trình cải tổ toàn bộ hệ thống hành chính, không để lạm phát quay trở lại để ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, cơ chế huy động và cho vay ngoại tệ sẽ được bình thường hóa, tỷ giá hối đoái sẽ được điều hành linh hoạt, hướng tín dụng vào các lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp chế biến, nông nghiệp và dịch vụ, hạn chế việc kiểm soát tín dụng cực đoan để DN có cơ hội tiếp cận vốn.

Tuy nhiên, cùng với những chính sách của Chính phủ, tôi cũng khuyến nghị DN một số vấn đề. Vào thời điểm này, DN phải cẩn trọng trong việc mở rộng quy mô khi mà thương mại toàn cầu đang phục hồi rất chậm và đang có những thay đổi về công nghệ sản xuất, đồng thời cần phải có các biện pháp tiết giảm chi phí để đối phó với suy giảm thương mại dài hạn đến năm 2018. DN có thị trường nhất thiết phải đầu tư đổi mới công nghệ, công nghệ thông tin hóa trong việc quản lý và mạnh dạn gia nhập TTCK. Đối với những DN đang muốn phát triển kinh doanh nên chọn thị trường xuất khẩu, cùng với đó là đào tạo một đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp trong việc đàm phán, thực hiện hợp đồng mua bán. Trong trường hợp DN muốn xây dựng công ty nhưng nguồn lực ít phải tìm điểm huyết mạch tạo ra lợi nhuận để tập trung nguồn lực đầu tư vào chứ không đầu tư dàn trải. Hiện Chính phủ đang hoạch định chính sách hỗ trợ DN tối đa để tạo lập kiến tạo thị trường.

Các tin khác