Chợ đen nội tạng người (K3): Tranh cãi pháp lý

Chợ đen nội tạng người (K2): Điểm đen Trung Quốc Chợ đen nội tạng người (K1): Bùng nổ Hình mẫu Iran

(ĐTTCO) - Việc mua bán nội tạng người là bất hợp pháp ở nhiều nước. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu có nên hợp pháp hóa việc buôn bán nội tạng để dễ quản lý cũng như bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung quá lớn.

Chợ đen nội tạng người (K2): Điểm đen Trung Quốc
Chợ đen nội tạng người (K1): Bùng nổ
Hình mẫu Iran

Cho đến nay, Iran là quốc gia duy nhất hợp pháp hóa việc mua bán tạng người. Tuy nhiên, Tehran cũng hạn chế việc mua bán dưới dạng thương mại như một cách chống lại nạn du lịch ghép tạng. Theo đó, người nước ngoài không được phép mua tạng của công dân Iran. Ngoài ra, chỉ những người cùng quốc tịch mới có thể mua tạng của nhau. Thí dụ, một người Iran không thể mua quả thận từ một người tị nạn đến từ nước khác. Việc mua bán thận phần lớn là từ thiện, dựa trên tình nguyện và những người có nhiệm vụ cầu nối giữa người hiến và người nhận không được trả lương.

Theo một khảo sát trên 72 nhà kinh tế nghiên cứu hoạt động buôn bán nội tạng, 68% ủng hộ hợp pháp hóa việc buôn bán nội tạng, trong khi 21% phản đối. Về mặt tư pháp, các nhà nghiên cứu cho rằng cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật với các cơ quan y tế để nắm bắt những thông tin về cấy ghép tạng, từ đó có thể quản lý tốt hơn.

Những người ủng hộ hợp pháp hóa buôn bán nội tạng đã đánh giá mô hình mua bán nội tạng của Iran là hiệu quả và an toàn. Australia và Singapore gần đây đã hợp pháp hóa việc hiến tạng có nhận tiền đền bù. Các tổ chức vận động hiến thận ở cả 2 nước này đều ủng hộ sáng kiến này. Tại Hoa Kỳ, luật liên bang cấm việc bán các bộ phận cơ thể, tuy nhiên chính phủ có cơ chế khuyến khích hiến tạng và đền bù cho những người hiến tạng. Năm 2004, tiểu bang Wisconsin bắt đầu cung cấp các khoản khấu trừ thuế cho những người hiến tạng còn sống. Tại nhiều nước trên thế giới, xu hướng hiện nay là tăng các ràng buộc pháp lý về mua bán nội tạng.

Nghèo vẫn hoàn nghèo

Cộng đồng quốc tế đã ban hành nhiều pháp lệnh và các tuyên bố chống lại việc buôn bán nội tạng, như: Tuyên bố lên án thương mại nội tạng của Cơ quan Y tế thế giới (WMA) năm 1985; Công ước về nhân quyền và sinh y học năm 1997 và 2002 của Hội đồng châu Âu; Tuyên bố Istanbul về buôn bán nội tạng và du lịch ghép tạng... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đóng vai trò nổi bật trong việc lên án buôn bán nội tạng bất hợp pháp. Năm 1987, WHO khẳng định hành vi thương mại hóa nội tạng vi phạm Bản tuyên ngôn nhân quyền quốc tế. Năm 1991, WHO đưa ra 9 nguyên tắc hướng dẫn về ghép tạng, nêu rõ tạng người không thể là đối tượng giao dịch tài chính.

Dữ liệu của WHO cho thấy người dân nghèo ở các nước đang phát triển là mục tiêu chính của bọn buôn bán nội tạng bất hợp pháp. Một nghiên cứu về những người hiến tạng ở Ấn Độ cho thấy 71% trong số họ có mức sống rơi xuống dưới mức nghèo khổ. Những câu chuyện đặc trưng về nạn mổ cướp tạng thường kể về các nạn nhân nam giới thất nghiệp trong độ tuổi từ 20-40 tuổi thường bị dụ ra nước ngoài làm việc, nhưng thực chất là để mổ cướp tạng. Tuy nhiên, trong thực tế phụ nữ nghèo cũng là nạn nhân thường xuyên của hoạt động ghép tạng phi pháp.

Một trong những lý do chính khiến người ta muốn bán tạng là do nợ nần chồng chất. Các nước nghèo nhất thường được xem là mục tiêu đáng tin cậy hơn cho khách du lịch ghép bởi vì nơi đó có những người đang cần tiền. Trong khi một số người ủng hộ buôn bán tạng người cho rằng việc này giúp nâng số người thoát khỏi đói nghèo bằng cách trả tiền cho người hiến tạng. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều người bán nội tạng vẫn không thoát được nợ mà trái lại bị mắc kẹt trong chu kỳ nợ vì không quản lý tài chính tốt.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sức khỏe sa sút

Báo cáo của WHO cho biết những người hiến tạng trong hình thức du lịch ghép tạng thường có sức khỏe và kinh tế sa sút sau việc hiến tạng. Tại Iran, 58% người hiến tạng báo cáo sức khỏe giảm. Tại Ai Cập, có đến 78% người hiến tạng chứng kiến sức khỏe yếu đi và 96% nói họ hối hận vì đã hiến tạng. Những phát hiện này tương đối nhất quán ở tất cả các quốc gia: Những người bán tạng thường có sức khỏe suy giảm. Những điều kiện không đạt tiêu chuẩn trong phẫu thuật cấy ghép cũng có thể dẫn đến lây truyền các bệnh như viêm gan B, viêm gan C và HIV. Sức khỏe của họ còn bị trầm trọng hơn do trầm cảm gây ra bởi căng thẳng và chăm sóc không thích hợp sau khi phẫu thuật.

Hậu quả về mặt kinh tế cũng không khá hơn về sức khỏe. Một nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy trong khi 96% người hiến tạng đã bán 1 quả thận để trả nợ, 75% vẫn phải chăm sóc hậu phẫu mà không được người mua tạng tài trợ. Một nghiên cứu ở Iran, quốc gia duy nhất việc hiến tạng được chi trả hợp pháp, phát hiện 66% những người hiến tạng có tình trạng tài chính kém hơn. Tại tất cả các nước, những người hiến tạng cho biết do suy giảm sức khỏe hậu phẫu dẫn đến giảm cơ hội việc làm, đặc biệt đối với những người kiếm sống bằng lao động tay chân.

Tranh luận vẫn tiếp diễn

Vì vậy, vấn đề có nên hợp pháp hóa việc mua bán ghép tạng hay không tiếp tục là chủ đề tranh luận trong giới học thuật toàn cầu. Những cuộc tranh luận đã dẫn đến nhiều giải pháp đề xuất để giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cung và kiềm chế hoạt động ghép tạng phi pháp, chẳng hạn: Thành lập thị trường mua bán tạng tự do; tăng quy định pháp luật và xử phạt vi mua bán nội tạng bất hợp pháp; thực hiện luật "đồng thuận được giá" với hiến tạng... Dưới góc độ kinh tế, các thành viên Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ (AEA) đã đạt được sự đồng thuận rằng nên hợp pháp hóa buôn bán nội tạng, với 70% ủng hộ và 16% phản đối. Chủ nhân giải Nobel kinh tế Gary Becker và Julio Elias cho rằng chính phủ có thể trả tiền bồi thường để đảm bảo sự bình đẳng. Điều này sẽ tiết kiệm được ngân sách công, vì lọc máu cho bệnh nhân suy thận tốn kém hơn nhiều.

Nhiều học giả ủng hộ việc thực hiện một hệ thống thị trường tự do để chống lại sự thiếu hụt tạng và cũng nhằm đẩy lùi nạng buôn bán tạng trái phép. Tình trạng bất hợp pháp đối với buôn bán nội tạng đã tạo ra một mức giá trần đối với các cơ quan nội tạng là 0USD. Giá trần này ảnh hưởng đến cung cầu, tạo ra một sự thiếu hụt nguồn cung nội tạng trong khi nhu cầu vẫn ngày một lớn. Theo một nghiên cứu của Viện Cato có trụ sở ở Hoa Kỳ, loại bỏ giá trần sẽ giải quyết tình trạng thiếu hụt nội tạng. Tuy nhiên, những chuyên gia khác nói rằng một thị trường tự do sẽ tạo ra một sự mất cân đối: chỉ những người giàu mới có thể mua tạng. Họ cũng cho rằng thị trường tự do cho buôn bán nội tạng sẽ khuyến khích các hành vi trộm cắp tạng thông qua giết người và bỏ bê người thân bị bệnh vì những lợi ích tài chính.

Các tin khác