Dặm trường bán buôn lề đường

(ĐTTCO) - Bán xoài lắc, cóc lắc hay bánh mì nướng muối ớt là những nghề nở rộ khắp đường phố TPHCM thời gian gần đây, cho thu nhập hàng triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận về thời gian tồn tại của những nghề kinh doanh này, nhiều ý kiến cho rằng, cũng như những nghề buôn bán trước đó, liệu rằng các quán hàng này cũng tồn tại theo kiểu sớm nở tối tàn?

(ĐTTCO) - Bán xoài lắc, cóc lắc hay bánh mì nướng muối ớt là những nghề nở rộ khắp đường phố TPHCM thời gian gần đây, cho thu nhập hàng triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận về thời gian tồn tại của những nghề kinh doanh này, nhiều ý kiến cho rằng, cũng như những nghề buôn bán trước đó, liệu rằng các quán hàng này cũng tồn tại theo kiểu sớm nở tối tàn?

Mọc nhanh như nấm

Ghé vào chiếc xe đẩy bán bánh mì nướng muối ớt của gia đình anh Trần Mạnh Tùng trên đường Dương Bá Trạc, quận 8, chúng tôi gặp khá đông khách đang đứng đợi mua. Giá chỉ 8.000 đồng/ổ nhưng với đầy đủ nguyên liệu như tương ớt, mayonnaise, chà bông và sở hữu màu sắc bắt mắt, những ổ bánh mì nóng hổi của anh Tùng đã gây được sự thích thú đối với mọi đối tượng khách hàng, nhất là trẻ em chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện. Đến gần bé Lâm Thị Ngọc Hân, học lớp 4 trường Tiểu học Rạch Ông, phường 2, quận 8, đang đợi mua ổ bánh mì tại một xe đẩy bán gần trường hỏi thăm, em cho biết hầu như ngày nào cũng có mua bánh mì nướng muối ớt để ăn với bạn bè. Khi hỏi mùi vị của món bánh, Hân hào hứng chia sẻ: “Con rất thích ăn bánh mì nướng muối ớt vì nó ngon, vừa giòn vừa nóng lại đủ gia vị”. Nắm bắt được sở thích của nhiều người, anh Tùng và gia đình đã tìm hiểu và bắt đầu bán món ăn này cách đây hơn 1 tháng. Anh cho biết mỗi ngày bán khoảng từ 2 giờ chiều đến 10 giờ tối với số lượng bình quân khoảng 400 ổ. Tuy nhiên để bán được số bánh mì này, gia đình anh phải di chuyển chỗ để tiện cho khách mua, đồng thời trả mặt bằng cho các chủ nhà đã cho mượn chỗ. Anh Tùng cho biết cách làm món này cũng không khó. Các công đoạn chỉ là bánh mì quét muối ớt bên ngoài đem nướng giòn trên bếp than. Món ăn này đã có từ rất lâu ở Tịnh Biên - An Giang. Tuy nhiên, khi bán ở Sài Gòn, sẽ nêm nếm thêm bơ, nước sốt sa tế. Khi nướng nóng giòn lên bánh được ăn kèm với nhiều món tùy khẩu vị như phô mai, chà bông, ruốc tép, mỡ hành, sốt mayonnaise, tương ớt, thậm chí cả xúc xích và patê.

Mặc dù biết nghề bán bánh mì nướng muối ớt sẽ chóng tàn nhưng những chủ xe vẫn bán vui vẻ, nhiệt tinh. Ảnh: T.ÂN

Mặc dù biết nghề bán bánh mì nướng muối ớt sẽ chóng tàn
nhưng những chủ xe vẫn bán vui vẻ, nhiệt tinh. Ảnh: T.ÂN

Không chỉ riêng anh Tùng, hiện có hàng chục, hàng trăm người đang bán món ăn được cho là có mùi vị hấp dẫn này. Đơn cử tại đường Dương Bá Trạc với chiều dài chỉ hơn 1km nhưng chúng tôi ghi nhận được hơn 35 xe đẩy tương tự. Nhưng điều đáng nói là cách đây khoảng 2 tháng, con đường này lại được biết đến với sự nở rộ của hàng chục xe bán xoài lắc, cóc lắc chứ không phải bánh mì nướng muối ớt như hiện nay. Nhiều người dân ở đây cho biết, những xe bán xoài lắc, cóc lắc mọc nhan nhản trên cả đường, chỉ cần đi vài bước cũng có thể mua được món ăn vặt này.

Không chỉ con đường ngắn hơn 1km này mới nở rộ món ăn tuy quen nhưng lạ nói trên, hiện có hàng trăm xe đẩy tương tự đã xuất hiện trên khắp các con đường trong TP như Phạm Văn Đồng, Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Bảo (quận Gò Vấp), Khánh Hội, Hoàng Diệu (quận 4), Phạm Thế Hiển, Tạ Quang Bửu (quận 8)… Bên cạnh món bánh mì nướng muối ớt, tại các địa điểm này cũng có nhiều quán bán mì cay - món ăn đang “hot” được nhiều bạn trẻ tìm đến.

Sớm nở tối tàn

Mặc dù đang nở rộ và buôn bán có lời như vậy, tuy nhiên những chiếc xe đẩy này vẫn bị đánh giá nghề kinh doanh theo trào lưu, sớm nở tối tàn như trà chanh chém gió, bún đậu mắm tôm hay chè khúc bạch trước đó. Gần 2 tháng qua, đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp trở nên tấp nập hơn với đông đúc bạn trẻ và các gia đình đến ăn món mì cay, trong đó nổi bật là quán mì cay Naga 7 cấp độ. Tuy nhiên, khi hỏi về nguồn gốc của loại mì này, hầu hết các chủ quán đều trả lời không biết, chỉ thấy nhiều người quan tâm và hỏi ăn nên tìm hiểu cách nấu trên mạng, sau đó mở quán kinh doanh. Điều đáng nói, những chủ quán, chủ xe đẩy ở đây cũng không mấy mặn mà với việc kinh doanh hiện tại vì họ cho rằng một thời gian nữa những món ăn này cũng sẽ dần đi vào quên lãng và nhường ngôi cho món mới. Mặc dù vậy, khi vẫn còn đang “gây bão” họ buôn bán một cách cởi mở, thậm chí mở thêm nhiều chi nhánh để kịp thời phục vụ nhu cầu của khách hàng. Sau đó, nếu có món mới sẽ lại đổi để tiếp tục chạy theo nhu cầu của khách. Như quán mì cay Naga 244 Phạm Văn Đồng đã có liền 2 chi nhánh gần đó để kịp đáp ứng đủ lượng khách đông đảo ghé đến mỗi tối. Trong số lượng đông đảo khách hàng đang háo hức và vui vẻ bên tô mì cay nóng hổi, chúng tôi để ý gia đình chị Nguyễn Lê Thủy đang quây quần bên bàn với số lượng khá đông các em nhỏ. Hỏi ra mới biết trong số 5 em nhỏ có 2 em là con của vợ chồng chị Thủy, 3 bé còn lại là cháu.

Cận cảnh 1 phần bánh mì nướng muối ớt. Ảnh: T.ÂN

Cận cảnh 1 phần bánh mì nướng muối ớt. Ảnh: T.ÂN

Chị Thủy cho biết do mấy bé thích mì cay, cứ đòi đưa đi, cũng tò mò nên sẵn tiện gần nhà, 2 vợ chồng chị tranh thủ đến và thưởng thức. Nhìn trong tô mì cay chỉ vỏn vẹn 1 vắt mì nhỏ, sợi màu vàng nhạt, to và bóng hơn những loại mì tôm thông thường. Bên cạnh vắt mì là một ít rau cải thảo và 2, 3 miếng xúc xích được cắt nhỏ, kèm theo đó 1 ít cá viên chiên. Tất cả được hòa trộn giữa phần nước có màu đỏ, nhìn sơ qua cũng đoán được vị cay. Chị Thủy chia sẻ có nhiều loại mì để chọn và mỗi loại có 7 cấp độ khác nhau. Tùy theo nhu cầu của khách và độ cay mà khách có thể đạt tới để quán sẽ chế biến. Tuy nhiên, đa phần mọi người chọn cấp độ 0 và cấp độ 1 vì độ cay vừa phải, dễ ăn. 

Có thể nói, nghề buôn bán mì cay, xoài lắc, cóc lắc, bánh mì nướng muối ớt hay mì cay cũng tương tự như việc mở bán bún đậu mắm tôm, trà chanh chém gió hay khoai tây lắc trước đây. Nghĩa là chỉ nở rộ khắp các đường phố trong một thời gian ngắn, sau đó đóng cửa không kèn không trống vì càng ngày càng vắng khách. Theo một số bạn trẻ, mặc dù cách chế biến các món ăn này không có gì khó, tuy nhiên lại khá lạ, và tên gọi cũng đặc biệt đánh trúng tâm lý tò mò, thích khám phá điều mới của giới trẻ. Bên cạnh đó, các món ăn nói trên không đảm bảo dinh dưỡng, thậm chí ngược lại, đã có nhiều trường hợp phải nhập viện do ăn quá nhiều. Thời gian qua, việc ăn mì cay cấp độ cao được cảnh báo là nguy hiểm do không ít trường hợp bị đau bao tử và suýt nhập viện.

Do vậy, mặc dù được biết đến nhiều nhưng các món ăn này không thể so sánh và cạnh tranh được với những món ăn truyền thống, đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày. Chia sẻ với chúng tôi, bạn Nguyễn Tâm cho biết: “Các món ăn đường phố quả thật rất hấp dẫn, đặc sắc. Ngon thì ngon, nhưng nghĩ đến an toàn thực phẩm cũng sợ lắm. Trà sữa Trung Quốc, trà chanh cũng toàn pha hóa chất, nước đá nhiễm khuẩn, các loại gỏi, cuốn, trộn thì sợ rau không sạch, vi khuẩn, giun sán... Giờ bị ám ảnh, nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn và ung thư, nhiều khi chẳng dám ăn ngoài đường nữa. Nếu như các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý, quy hoạch như nơi bán, thời gian, giá cả hợp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ giúp người tiêu dùng bớt lo lắng”.

Đây chính là những lý do khiến các nghề kinh doanh lề đường sớm nở chóng tàn giữa vô vàn nghề buôn bán, giữa sự cạnh tranh ngày càng gay gắt để tồn tại theo thời gian. 

Các tin khác