Vẫn đan xen sở hữu chéo

Chuyển biến chậm chạp

(ĐTTCO) - Để xử lý tình trạng sở hữu chéo, NHNN đã quy định rõ giới hạn số lượng, tỷ lệ sở hữu và thời hạn xử lý tình trạng sở hữu chéo của các TCTD. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn quy định nhưng sở hữu chéo vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống các NHTM.

Chuyển biến chậm chạp

Theo Luật các TCTD năm 2010, các TCTD không được phép sở hữu cổ phần lẫn nhau; các công ty con, công ty liên kết của một TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của chính TCTD đó. Trước khi luật này có hiệu lực, hệ thống NH đã tồn tại tình trạng một số TCTD góp vốn tại nhiều TCTD khác hoặc có sở hữu cổ phần lẫn nhau, hay TCTD thông qua các công ty con để sở hữu cổ phần của TCTD khác. Năm 2013, khi tiến hành tái cơ cấu hệ thống NHTM, NHNN đã xác định tình trạng sở hữu chéo giữa các NH dù mới chỉ ở quy mô nhỏ, song đã có những tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động của các TCTD này và toàn hệ thống NH. Vì vậy, bên cạnh xử lý nợ xấu, hệ thống NH sẽ tập trung gỡ vấn đề sở hữu chéo.

Vấn đề sở hữu chéo đang tồn tại trong hệ thống nếu sớm xử lý sẽ hạn chế các hệ lụy về sau. Muốn xóa bỏ sở hữu chéo cần buộc các NHTM công khai, minh bạch về các số liệu. Cụ thể, NHNN phải thúc đẩy quá trình niêm yết của các NHTM như mục tiêu đề ra để minh bạch thông tin về tỷ lệ và đối tượng sở hữu tại các NHTM, đồng thời tăng cường giải pháp kiểm soát quá trình xử lý sở hữu chéo của các NH.

Đến năm 2014, NHNN ban hành Thông tư 36, trong đó Điều 20 quy định NHTM có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% được nắm giữ tối đa cổ phiếu của 2 TCTD khác, nhưng không quá 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD đó. Theo lộ trình, các NHTM nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải tiến hành thoái vốn trong 1 năm kể từ khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực (ngày 1-2-2015). Tuy nhiên, tại Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ Việt Nam và nhóm NH Thế giới (WB) cùng thực hiện đưa ra hồi tháng 2 nêu rõ: “Tình trạng sở hữu chéo vẫn còn nghiêm trọng tại các NH tư nhân, giữa NH với nhau và giữa NH với doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước”.

Tháng 10-2015, Cơ quan Thanh tra giám sát NH cho biết, số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp trong năm 2012 xuống chỉ còn 3 cặp hiện nay. Các TCTD còn vi phạm về sở hữu chéo, cổ đông sở hữu vượt giới hạn quy định của pháp luật đều đã có phương án xử lý để thực hiện đúng quy định của pháp luật chậm nhất đến tháng 2-2016. Mới đây, ngày 24-6 VietinBank mới bán đấu giá thành công gần 16,9 triệu cổ phần tại Saigonbank cho 2 nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, Vietcombank đang sở hữu 8,19% tại Eximbank, 7,16% cổ phần tại MB, 4,72% cổ phần tại OCB, 10,91% vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Xi măng và 4,37% vốn của Saigonbank. Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên 2016 của Eximbank, tỷ lệ sở hữu của NH tại Sacombank hiện 9,16%. Các trường hợp này vẫn chưa đưa ra phương án xử lý dù thời hạn tháng 2-2016 đã qua khá lâu.

Muôn cách đối phó

Mặc dù đang đứng đầu trong danh sách các NH nắm giữ cổ phần tại các TCTD khác, nhưng phía Vietcombank cho biết NH này đã có văn bản xin phép Chính phủ, NHNN đối với các trường hợp cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần của TCTD khác vượt mức quy định. Cụ thể hơn, ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết NH này đã xin NHNN cho giữ lại sở hữu tại MB, đối với sở hữu tại 4 NH và 1 công ty tài chính, Vietcombank dự kiến sẽ chỉ giữ lại 2 TCTD nhưng việc thoái vốn tại NH nào HĐQT cần xem xét, kết quả cụ thể sẽ báo cáo tới các cổ đông sau. Còn với sở hữu tại OCB và Saigonbank, lãnh đạo Vietcombank cho biết, giá trị cổ phần Vietcombank sở hữu tại 2 NH này chỉ hơn 100 tỷ đồng, rất nhỏ so với quy mô của NH.

Trong khi đó, Eximbank cũng chưa có thông báo nào về việc giảm tỷ lệ sở hữu tại Sacombank. Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông của Eximbank cũng khá phức tạp, hồi tháng 12-2015, NH này công bố có 2 cổ đông lớn là Sumitomo Mitsui Banking Corporation sở hữu 15% và Vietcombank sở hữu 8,19%, còn 76,5% vốn còn lại thuộc về các cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ. Song trước thời điểm NH này tổ chức ĐHCĐ lại xuất hiện 2 nhóm cổ đông nắm giữ trên 5% gồm nhóm do bà Nguyễn Thị Xuân Loan đại diện nắm giữ 11,82% cổ phần có quyền biểu quyết và ông Phạm Hữu Phương đại diện nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phần chiếm tỷ lệ 10,42% cổ phần có quyền biểu quyết.

Vẫn đan xen sở hữu chéo ảnh 1

Trong khi đó, các NH nhỏ cũng ra sức tìm cách để giữ chân các NH lớn bằng cách tăng vốn để lách quy định. Như trường hợp Saigonbank đã nhiều năm thất bại trong kế hoạch tăng vốn điều lệ nhưng vẫn theo đuổi mục tiêu này và từng có ý định sáp nhập với Vietcombank. Mới đây, Saigonbank cũng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ lên 4.080 tỷ đồng, theo đó tỷ lệ sở hữu của các TCTD khác tại NH này cũng sẽ giảm sâu hơn. OCB sau khi tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng vào cuối tháng 2-2016 cũng đã kéo giảm tỷ lệ sở hữu của Vietcombank tại NH này từ 5,07% xuống 4,72%.

Các tin khác