Kinh tế VN: Ưu tiên tăng trưởng bền vững

(ĐTTCO) - Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn khá chậm. 2016 là năm còn nhiều khó khăn nên chưa thể kỳ vọng sự tăng trưởng đột phá, vì thế không chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP bằng mọi giá. Thay vào đó tập trung tái cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, đồng thời giải quyết những vấn đề đang tồn tại của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập.

(ĐTTCO) - Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn khá chậm. 2016 là năm còn nhiều khó khăn nên chưa thể kỳ vọng sự tăng trưởng đột phá, vì thế không chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP bằng mọi giá. Thay vào đó tập trung tái cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, đồng thời giải quyết những vấn đề đang tồn tại của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập.

Khó đạt mục tiêu GDP 6,7%

Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 chưa có dấu hiệu khởi sắc đáng kể, dù vẫn nối tiếp quá trình phục hồi tốc độ tăng trưởng từ năm 2013 đến nay. Điểm sáng nổi bật là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 so với tháng 12-2015 tăng 2,35%, nhưng chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá một số lĩnh vực như y tế, giáo dục… 

Chúng ta đang ở trong thời đại sự thắng thua trên thương trường không tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp lớn nhỏ, mà tùy thuộc vào tư duy đổi mới và sáng tạo. Điều doanh nghiệp cần là một môi trường nuôi dưỡng sự sáng tạo, một thể chế kinh tế ở đó sự phân phối nguồn lực và các yếu tố sản xuất thông qua thị trường. 

Tỷ giá ổn định; lãi suất cho vay có xu hướng giảm; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng khá cao, kể cả đăng ký mới lẫn thực hiện. Theo số liệu 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 11,28 tỷ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015; tổng vốn FDI thực hiện 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ 2015. 6 tháng qua đã có gần 13.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngưng. Đặc biệt, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã có tác dụng tích cực đối với thị trường.

 Năm 2015 tăng trưởng GDP đạt 6,7%, mức tăng cao nhất trong 5 năm 2011-2015 (năm 2011 tăng 6,24%, năm 2012 tăng 5,52%, năm 2013 tăng 5,42% và năm 2014 tăng 5,98%). Nhưng diễn biến tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm cho thấy, sự phục hồi tốc độ tăng trưởng trong năm đầu của kế hoạch 5 năm 2016-2020 không mấy lạc quan so với kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2016 cao hơn  2015. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp chậm lại, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (năm 2015 tăng 9,4%). Công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm 1,2%, công nghiệp chế biến cũng tăng trưởng chậm lại so với mức tăng 9,9% cùng kỳ của năm trước. Sản xuất nông, lâm ngư nghiệp vẫn khó khăn do tác động tiêu cực cả thị trường lẫn điều kiện tự nhiên như hạn hán, xâm nhập mặn. Xuất nhập khẩu tăng trưởng khá chậm khi kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ 2015; kim ngạch nhập khẩu giảm 0,5% (trong đó khu vực FDI giảm 1,8% và khu vực trong nước tăng 1,3%). Kim ngạch nhập khẩu giảm có nguyên nhân giảm giá, nhưng chủ yếu vẫn do nhu cầu nguyên liệu của ngành công nghiệp chế biến và sức mua của thị trường tăng trưởng chậm.

Ưu tiên chất lượng

Trong 5 năm qua, các chính sách và giải pháp Chính phủ thực thi đều kiên trì với 3 mục tiêu ưu tiên đề ra từ năm 2011: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường để có tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó đã thực hiện thành công bước đầu tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên: đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Song chủ yếu ứng phó các vấn đề ngắn hạn, chưa giải quyết  được căn cơ các vấn đề trung, dài hạn đang đặt ra từ nội tại của cơ cấu kinh tế. Tuy kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, nhưng thách thức đặt ra trong thời gian tới rất nhiều. Theo đó, chúng ta vừa phải giải quyết những vấn đề đang tồn tại ngắn hạn, vừa phải thực hiện các mục tiêu trung và dài hạn liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giải quyết vấn đề suy giảm trong sản xuất nông nghiệp, chuẩn bị điều kiện để hội nhập khu vực và quốc tế, nhất là thực hiện các hiệp định kinh tế đa phương và song phương thế hệ mới. 

Bên cạnh những khó khăn trong nước, kinh tế thế giới cũng không mấy sáng sủa, khi dự báo của các tổ chức quốc tế mới đây đều điều chỉnh giảm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới ở mức 3,2% so với dự báo đầu năm 3,4%, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giảm còn 2,4% so với mức dự báo đầu năm 2,9%. Trong bối cảnh đó, kinh tế nước ta khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2016 như kế hoạch đã đề ra, theo đó nhiều dự báo chỉ đạt mức 6,3-6,5%.

Từ lâu chúng ta đã xác định nội lực của nền kinh tế là yếu tố quyết định thành công trong hội nhập. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009, đã lâm vào tình trạng bất ổn vĩ mô kéo dài, nội lực suy yếu, sự phục hồi chậm, nhất là khu vực kinh tế trong nước. Song nguyên nhân sâu xa do duy trì quá lâu cơ cấu và mô hình tăng trưởng kinh tế thiếu tính cạnh tranh; đổi mới thể chế kinh tế chậm. Vì thế, điều cân nhắc lúc này là  không nên chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP bằng mọi giá, thay vào đó nỗ lực tập trung giải quyết những những vấn đề tồn tại đang đặt ra của cơ cấu kinh tế. Chúng ta không đối lập giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, vì nhiệm vụ của kinh tế vĩ mô phải bảo đảm 4 mục tiêu chính: GDP tăng trưởng cao và ổn định; kiểm soát được lạm phát; giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng xuất khẩu ròng.

 Trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay nên đặt mục tiêu trong 2 năm 2016-2017 giữ được tốc độ tăng GDP 6-6,5% và kiểm soát được CPI dưới 5%; hướng các chính sách vào mục tiêu tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cải cách thể chế, cơ cấu lại nợ công; tiếp tục quá trình tái cơ cấu 3 lãnh vực ưu tiên: đầu tư công; thị trường tài chính và doanh nghiệp nhà nước. Có vậy các năm tiếp theo mới có thể tăng trưởng cao và bền vững hơn, bảo đảm mục tiêu tăng GDP bình quân 6,5-7% trong cả giai đoạn 2016-2020.

Trong 20 năm qua, đặc biệt trong 15 năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã trải qua quá trình hội nhập khu vực và quốc tế đúng theo tinh thần chủ động và tích cực, hội nhập toàn diện với nền kinh tế toàn cầu. Tham gia sân chơi toàn cầu, cơ hội và thách thức luôn đan xen nên buộc kinh tế nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng phải biết lựa chọn những lợi thế, loại bỏ những bất lợi để giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt trên cả 3 góc độ: cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, cần nhìn lại quá trình công nghiệp hóa đất nước gắn với quá trình hội nhập trong gần 20 năm qua, để nhận diện những thách thức từ nội tại của nền kinh tế, đối chiếu với những chủ trương và giải pháp đang thực thi, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đây chính là những giải pháp để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong hội nhập. Dòng chảy hội nhập thế hệ mới, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ chính là cơ hội đang mở ra cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.

Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô

Đánh giá tình hình kinh tế năm 2015, Chính phủ cũng đã nêu rõ 9 nhóm vấn đề còn hạn chế, yếu kém, trong đó đang tồn tại các vấn đề đáng lưu ý như: kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, bội chi còn cao; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn khó khăn; huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm… Dù khó khăn nhưng Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu kế hoạch, mà quyết tâm phấn đấu thực hiện như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra: “Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao  năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp…”.

Kinh tế VN: Ưu tiên tăng trưởng bền vững ảnh 1

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho DN. Ảnh: L.THANH

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, trong năm 2016 Chính phủ vẫn kiên trì áp dụng chính sách nhằm tăng cường các yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời có sự linh hoạt hơn về chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp, nông thôn, lĩnh vực xuất khẩu. Trong đó, tập trung những giải pháp chủ yếu: (1) Điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, nhất là tỷ giá, lãi suất; tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ xấu, nợ đọng  xây dựng cơ bản, nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ nợ công; cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, triệt để thực hành  tiết kiệm. (2) Tập trung tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế trong nước; thực hiện các giải pháp có hiệu quả hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất; tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, cải thiện môi trường đầu tư… (3) Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. (4) Đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, gian lận thương mại; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng…

Các tin khác