Tăng cường vốn vay vào sản xuất

(ĐTTCO) - Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tỉnh thành tập trung hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn vay cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thống kê của các tháng đầu năm vẫn cho thấy tín dụng bất động sản (BĐS) chiếm ưu thế hơn các lĩnh vực khác. Vì vậy, cùng với biện pháp hành chính cần có những chính sách thiết thực hơn để tăng cường vốn vào sản xuất kinh doanh.

(ĐTTCO) - Từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tỉnh thành tập trung hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn vay cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thống kê của các tháng đầu năm vẫn cho thấy tín dụng bất động sản (BĐS) chiếm ưu thế hơn các lĩnh vực khác. Vì vậy, cùng với biện pháp hành chính cần có những chính sách thiết thực hơn để tăng cường vốn vào sản xuất kinh doanh.

Vay vốn khó khăn

Tính đến ngày 20-6, tổng phương tiện huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 8,23%, tăng trưởng tín dụng đạt 6,2% so với cuối năm 2015. Tuy nhiên, một báo cáo của NHNN mới công bố cho thấy tín dụng tập trung cao vào lĩnh vực BĐS. Cụ thể, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực này tính đến giữa quý II-2016 đạt trên 415.443 tỷ đồng, tăng 5,76% so với đầu năm 2016. Trong đó, dư nợ cho vay xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất ước khoảng 12.744 tỷ đồng; cho vay xây dựng khu đô thị 76.947 tỷ đồng; cho vay xây dựng văn phòng cho thuê 31.387 tỷ đồng; cho vay xây dựng, sửa chữa mua nhà để ở kết hợp với cho thuê 142.303 tỷ đồng; cho vay xây dựng, sửa chữa, xây nhà để bán, cho thuê 34.778 tỷ đồng và dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh BĐS khác 89.306 tỷ đồng…

Để hạn chế dòng vốn chảy vào BĐS nên dùng chính sách lãi suất, không thể bằng chính sách hành chính. Trong khi chờ đợi các cải cách được thực thi, DN nên chủ động tiếp cận các kênh hỗ trợ khác để được hỗ trợ tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

Trong buổi làm việc tại TPHCM ngày 27-6, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết tín dụng tại TPHCM 6 tháng đầu năm tăng 6,8%, trong đó cho vay BĐS, chứng khoán và tiêu dùng tăng khá mạnh, cao hơn mức tăng chung cả nước. Trước diễn biến này, quan ngại về tiềm ẩn rủi ro, NHNN đã nhiều lần nhắc nhở các TCTD song tín dụng BĐS vẫn tiếp tục tăng trưởng nóng. Trong khi đó, DN sản xuất kinh doanh vẫn rất khó tiếp cận vốn, nhiều DNNVV phải tự cứu mình bằng cách vay người thân, bạn bè và thị trường tín dụng đen.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm đã có 54.501 DN đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 427.800 tỷ đồng, tăng 20% về số lượng và 51,5% về số vốn so với cùng kỳ 2015; hơn 16.000 lượt DN thay đổi tăng vốn, nâng tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế đạt 1.202.500 tỷ đồng; số DN quay trở lại hoạt động sau thời gian ngưng trệ 14.902, tăng tới 75,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh cũng tăng 17% so với năm trước, lên con số 5.507. Số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động cũng tăng 15% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng cuối năm nay, phần lớn DN dự báo tình hình sản xuất sẽ lạc quan hơn và dự kiến số đơn đặt hàng sẽ tăng mạnh, do đó DN đang cần được hỗ trợ vốn để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Nắn dòng vốn vào sản xuất

Ngày 28-6, NHNN đã ban hành Chỉ thị 05 triển khai kế hoạch hành động của ngành NH góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn. Trước đó, NHNN cũng đã yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay bằng VNĐ, báo cáo kế hoạch thực hiện trước ngày 15-6. Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 6 này, định kỳ hàng tháng, các TCTD báo cáo tình hình triển khai các giải pháp theo kế hoạch; báo cáo tình hình lãi suất huy động và lãi suất cho vay bằng VNĐ. Trong Nghị quyết họp thường kỳ các tháng, Chính phủ cũng liên tục yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc tiếp cận vốn.

Gần đây, các NHTM đang triển khai nhiều  gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ vốn cho DN những tháng cuối năm. Cụ thể, Viet Capital Bank đang có gói 1.000 tỷ đồng với lãi suất từ 7,2%/năm đối với khoản vay 6 tháng và 8,2%/năm đối với khoản vay 12 tháng. DN vay trung và dài hạn được áp dụng lãi suất từ 8% cho 9 tháng đầu tiên, không thu phí trả nợ trước hạn với tất cả thời hạn vay. NH này cũng cam kết sau thời hạn ưu đãi sẽ áp dụng mức lãi suất tín dụng hợp lý nhất cho các khoản vay, dựa trên lãi suất cơ sở với biên độ lãi vay thấp. OCB đang có gói 3.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ 1,54%/năm, cùng khoản vay USD lãi suất chỉ từ 6,11%/năm (tính theo VNĐ). BIDV có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng với lãi suất vay vốn chỉ từ 6,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 2-12 tháng. GPBank gia hạn chương trình ưu đãi lãi suất cho vay với quy mô 2.000 tỷ đồng, lãi suất 6,49%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 7,49%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn.

Tăng cường vốn vay vào sản xuất ảnh 1

Tuy nhiên, bên cạnh ưu đãi này, DN rất cần được hỗ trợ điều kiện tiếp cận vốn, vì nếu lãi suất thấp nhưng không vay được, việc giảm lãi suất cũng không có ý nghĩa. Còn với tình trạng tín dụng BĐS lấn át, NHNN đã nhiều lần khẳng định sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ và cảnh báo TCTD có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TPHCM, để khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, TPHCM đã có chủ trương hỗ trợ lãi suất vay vốn các dự án thông qua chương trình kích cầu đầu tư tại Quyết định 50/2015, cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể (100% vốn trong nước) trên địa bàn TPHCM.

Theo đó, các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, đầu tư thiết bị có công nghệ hiện đại kỹ thuật cao thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ khí, cao su, nhựa, chế biến tinh lương thực thực phẩm... sẽ được hỗ trợ toàn bộ lãi suất; các dự án đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ các ngành sản xuất vật liệu composit, vật liệu mới có chất lượng cao; trung tâm triển lãm, giao dịch nguyên phụ liệu dệt may, da giày... được hỗ trợ 50% lãi suất. Mức vốn vay được hỗ trợ tối đa cho 1 dự án 100 tỷ đồng. 

Các tin khác