Quy hoạch hướng đến phát triển bền vững

(ĐTTCO)-Sau 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Sài Gòn xưa và TPHCM ngày nay đã không ngừng xây dựng, phát triển và trở thành “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Công tác quy hoạch và quản lý đô thị được lãnh đạo TP quan tâm, nhất là đồ án quy hoạch chung xây dựng TP - luôn được xem là nhiệm vụ tiên phong làm tiền đề phát triển kinh tế, xã hội - đã trải qua năm giai đoạn khác nhau với nhiều điểm sáng có ý nghĩa.

(ĐTTCO)-Sau 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Sài Gòn xưa và TPHCM ngày nay đã không ngừng xây dựng, phát triển và trở thành “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Công tác quy hoạch và quản lý đô thị được lãnh đạo TP quan tâm, nhất là đồ án quy hoạch chung xây dựng TP - luôn được xem là nhiệm vụ tiên phong làm tiền đề phát triển kinh tế, xã hội - đã trải qua năm giai đoạn khác nhau với nhiều điểm sáng có ý nghĩa.

Những dấu ấn đặc biệt

Trên cơ sở định hướng chiến lược phù hợp với điều kiện và đặc thù của TPHCM, đến nay, đô thị TPHCM đã tạo lập được cấu trúc cơ bản cho một đô thị văn minh - hiện đại. Nhờ các tuyến giao thông, chúng ta đã hình thành các hành lang kinh tế, giúp phân bố lại lực lượng lao động - sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng theo các chương trình, kế hoạch phát triển.

Cụ thể: Đã hoàn thiện được hệ thống khung giao thông chính gồm các tuyến xuyên tâm Tây Bắc - Đông Nam (quốc lộ 22 - Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Hữu Thọ); Tây Nam - Đông Bắc (đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ - Phạm Văn Đồng), đường Rừng Sác nối với Cần Giờ, khép kín dần đường vành đai 1 và 2, tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương… tạo điều kiện gắn kết vùng; cải tạo, nâng cấp hầu hết các nút giao thông quan trọng, các trục giao thông huyết mạch khu vực nội thành như đường Trường Chinh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng, Đồng Văn Cống, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hoàng Sa - Trường Sa, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Lương Bằng… Khởi công xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến số 2 - giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương), cùng mạng lưới xe buýt công cộng, từng bước nâng cao tỷ lệ phục vụ người dân.

 

Với mục tiêu, Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại, TPHCM đã phát triển hệ thống các khu công nghiệp (KCN) tập trung, khu chế xuất (KCX) lớn, đóng vai trò động lực kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TPHCM tiên phong trong việc chọn lọc các loại hình công nghiệp ít ô nhiễm, có hàm lượng chất xám cao, ít sử dụng lao động phổ thông để đưa vào quy hoạch các KCX-KCN, từng bước thay thế dần các xí nghiệp sản xuất trong nội thành. Năm 1991, KCX Tân Thuận là KCX đầu tiên được xây dựng, với quy mô 300ha. Đến năm 2004, TP đã có 15 KCX-KCN và khu công nghệ cao.

Từ năm 1980, TP đã có những bước chuyển mình trong việc thực hiện quy hoạch các khu ở, chỉnh trang nội thành và khu trung tâm. Đây là nhóm công trình có số lượng lớn nhất, dàn trải trên khắp địa bàn TP, góp phần đô thị hóa nhanh. Các chương trình giải tỏa nhà ổ chuột, nhà lụp xụp trên kênh rạch, xây dựng các khu nhà ở tái định cư… bắt đầu thực hiện. Các công viên Lê Văn Tám, Đầm Sen, Kỳ Hòa, Hoàng Văn Thụ, Khu du lịch Văn Thánh cùng với việc tạo lập lại hơn 30.000ha rừng ngập mặn tại Duyên Hải - Cần Giờ (khu bảo tồn sinh quyển thế giới), Củ Chi và Thủ Đức đã góp phần phủ xanh TP.

Theo mô hình tổ chức đô thị “đa cực”, quy hoạch chung TP đã định hướng cho sự phát triển mở rộng ra các quận ven và các huyện ngoại thành, bằng việc thành lập các khu đô thị mới. Nhiều khu đô thị mới đã và đang hình thành như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu lấn biển Cần Giờ, Khu công viên lịch sử - văn hóa - dân tộc, Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc, Khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa và Khu đô thị mới Nam Sài Gòn…

Đồ án quy hoạch chung cũng là cơ sở để TP tiến hành triển khai các đồ án quy hoạch chuyên ngành, trong đó có nhiều công trình cải thiện môi trường đô thị quan trọng. TP đã thực thi có hiệu quả chương trình chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm và kênh Đôi - kênh Tẻ, bước đầu tạo được cảnh quan sông nước dù chưa có điều kiện cải thiện nhiều hơn bộ mặt kiến trúc dọc hai bờ kênh. Khu dự trữ sinh quyển thế giới, rừng sác Cần Giờ, vành đai xanh tại huyện Bình Chánh và Củ Chi đã được TP kiên quyết giữ, cùng với chương trình khôi phục, phát triển cây xanh nội thị đã góp phần cải thiện môi trường khí hậu và ứng phó với tình trạng nước biển dâng...

Quy hoạch chung xây dựng TP trong thời gian tới

Chẳng bao lâu nữa, TPHCM sẽ trở thành “siêu đô thị” với dân số hơn 10 triệu người, TP sẽ phải đối mặt với những thách thức về mặt quản lý, có thể không theo kịp với tốc độ tăng trưởng và yêu cầu của xã hội. Công tác quy hoạch nếu không chủ động đi trước một bước sẽ khó tạo được nền tảng vững chắc và tiền đề cho các lĩnh vực khác phát triển. Nếu dự báo thiếu chính xác và không mang tính đột phá, táo bạo, lại chưa chú trọng đến thiết kế đô thị, không lường trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và kịch bản nước biển dâng… thì sẽ bị động, tiếp tục diễn ra tình trạng hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ, chịu cảnh ngập nước, ùn tắt giao thông, vi phạm xây dựng - trật tự đô thị, ô nhiễm môi trường khó được xử lý triệt để, đầu tư chậm và có nguy cơ phá vỡ quy hoạch.

Để chủ động kiểm soát và ứng phó, chính quyền TP cần hướng tới việc triển khai xây dựng đô thị phát triển bền vững nhằm tăng cường tính chủ động hơn nữa về phương diện tài chính, nhân sự và chính sách; phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Có thể nói việc kiểm soát dân số (nhất là dân nhập cư) tại TP trong những năm qua không thể dùng biện pháp hành chính mà phải được định hướng bằng việc cung cấp dịch vụ đô thị. Như vậy, thay vì tìm cách “cản trở” gia tăng dân số thì chúng ta nên chấp nhận và “định hướng” phân bố dân cư ra khỏi nội thành cho phù hợp.

Tư duy về phát triển đô thị trước đây gắn liền với phát triển công nghiệp nhằm tạo ra của cải vật chất là không sai, nhưng trong giai đoạn hiện nay cũng cần được cân nhắc theo xu thế thế giới: chuyển dần sang tỷ trọng thương mại dịch vụ song song với mục tiêu công nghiệp sạch giảm thiểu ô nhiễm với công nghệ có hàm lượng chất xám cao cho phù hợp. Để thực hiện mục tiêu này, nên chăng chuyển một phần các khu - cụm công nghiệp đã được bố trí trong quy hoạch (hiện chưa triển khai được hoặc còn trống) sang quỹ đất để phát triển thương mại - dịch vụ hiện đang có nhu cầu rất lớn.

Với tốc độ “nở nồi” của đô thị TPHCM hiện nay, nếu không có những ý tưởng táo bạo sẽ gặp khó trong việc quản lý và phát triển đô thị. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng lần tới của TP cần thu hút trí tuệ, kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, nhằm tìm kiếm giải pháp đột phá và nâng cao chất lượng quy hoạch.

Ngoài ra, TP không chỉ chú trọng đến phần đô thị mà còn phải quan tâm đến nông thôn, bởi vì sự thay đổi của nông thôn có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với tiến trình đô thị hóa. Gần đây, theo chủ trương chung của Chính phủ, TPHCM đã thực hiện nhiều chương trình phát triển nông thôn mới, tạo việc làm phi nông nghiệp ngay trong vùng ven để gia tăng GDP, tiến tới tổ chức cuộc sống mới có tiện nghi tốt hơn, có sự tác động của văn minh đô thị nhằm rút ngắn dần sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn, góp phần giữ lại lao động vùng nông thôn, hạn chế nhập cư vào đô thị.

Hơn 40 năm qua kể từ ngày thống nhất đất nước, lãnh đạo và nhân dân TP đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt nhiều thành tựu, luôn giữ vai trò “đầu tàu” trên mọi phương diện, trong đó công tác quy hoạch xây dựng, cải tạo và phát triển TP luôn đóng vai trò quan trọng, căn bản. Từ những cơ sở được tiếp quản sau chiến tranh, ngày nay chúng ta đã tạo dựng được một vóc dáng riêng của một đô thị lớn, hiện đại. Mặc dù còn nhiều hạn chế về nhận thức, trình độ quản lý, bản lĩnh nghề nghiệp chưa xứng tầm, nhiều khó khăn khách quan như cơ chế, chính sách, hệ thống quy định, lý luận về quy hoạch chưa đáp ứng kịp thời, có phần lạc hậu với biến động của thị trường, song với tinh thần đổi mới, vượt qua khó khăn, đội ngũ làm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đã nỗ lực tham mưu cho các cấp lãnh đạo, hoàn thành khối lượng đáng kể các đồ án quy hoạch, giúp TP từng bước biến đổi có ý nghĩa.

Tương lai TP chúng ta tiếp tục được cả xã hội đặt lên vai các cấp lãnh đạo TP, các nhà quy hoạch, nhà quản lý nhiệm vụ lớn lao là phải đổi mới theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng, đạt yêu cầu của một đô thị đẳng cấp quốc tế. Hình ảnh về một đô thị văn minh, giàu đẹp, hạnh phúc và ấn tượng đang thôi thúc nhân dân thành phố phấn đấu không mệt mỏi. TPHCM sẽ ra sức phát huy thế mạnh, không ngừng sáng tạo, tận dụng thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thách thức để phấn đấu về đích trước trong sự nghiệp phát triển, viết tiếp trang sử đẹp đẽ của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, xứng đáng là TP mang tên Bác Hồ kính yêu.

Khó có thể liệt kê hết những thành quả mà TPHCM đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển suốt bốn thập kỷ vừa qua. Song song với những thành tựu đã đạt được, có thể nhìn nhận rằng quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường vẫn nghiêm trọng và có phần gay gắt hơn. Công tác quy hoạch chưa thật sự đi trước một bước, chưa tạo được nền tảng vững chắc, làm tiền đề cho các ngành khác phát triển…

Các tin khác