NHNN: Phải đối thoại định kỳ DN

(ĐTTCO)-Thống đốc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện có kết quả chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, xác định đây là chương trình lâu dài, thường xuyên, đảm bảo thiết thực bằng các cuộc đối thoại trực tiếp, định kỳ và các hợp đồng cam kết cho vay vốn cụ thể giữa ngân hàng với doanh nghiệp trên địa bàn.

(ĐTTCO)-Thống đốc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện có kết quả chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, xác định đây là chương trình lâu dài, thường xuyên, đảm bảo thiết thực bằng các cuộc đối thoại trực tiếp, định kỳ và các hợp đồng cam kết cho vay vốn cụ thể giữa ngân hàng với doanh nghiệp trên địa bàn.

 

Đó là một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị số 05/CT-NHNN về triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng ban hành ngày 28/6.

Theo đó, Thống đốc yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng quán triệt công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; vai trò, ý nghĩa của công tác cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.

"Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm khi thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức, người lao động trong phạm vi quản lý," Chỉ thị nêu rõ.

Đối với các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước phải chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan làm việc với các tổ chức quốc tế tìm hiểu rõ phương pháp, cách tính, ý nghĩa của Chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia, đồng thời cung cấp thông tin liên quan đến ngành ngân hàng để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực để xếp hạng. Từ đó, đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng của Chỉ số này.

Liên quan tới nghiệp vụ, Thống đốc chỉ đạo tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với cung cầu ngoại tệ và diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm nâng cao vị thế của đồng Việt Nam; thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng.

Ngoài ra, phải rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng phù hợp với thông lệ, các cam kết quốc tế và quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các Tổ chức tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chỉ đạo cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế;

Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Thống đốc chỉ đạo triển khai có hiệu quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó chỉ đạo tổ chức thực hiện có kết quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, xác định đây là chương trình lâu dài, thường xuyên, đảm bảo thiết thực bằng các cuộc đối thoại trực tiếp, định kỳ và các hợp đồng cam kết cho vay vốn cụ thể giữa ngân hàng với doanh nghiệp trên địa bàn.

Chủ động tham mưu với Ngân hàng Nhà nước và chính quyền địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo các Chương trình thực sự phát huy hiệu quả.

Đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc yêu cầu chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.

Tích cực cải tiến mô hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phi tín dụng có khả năng giao dịch trên các phương tiện điện tử với tính năng an toàn, bảo mật cao.

Thiết lập và vận hành có hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ và tự giám sát chất lượng dịch vụ để đảm bảo việc tuân thủ thực hiện đầy đủ các quy định; kịp thời phát hiện và nhanh chóng khắc phục những vấn đề tồn tại liên quan đến chất lượng dịch vụ.

Các tin khác