Chung tay tháo gỡ khó khăn

(ĐTTCO) - Nhiều DN đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/2016 (NQ19) và Nghị quyết 35 (NQ35) về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khúc mắc DN gửi gắm với Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mà đại diện lắng nghe và giải đáp là ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

(ĐTTCO) - Nhiều DN đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/2016 (NQ19) và Nghị quyết 35 (NQ35) về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khúc mắc DN gửi gắm với Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mà đại diện lắng nghe và giải đáp là ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Mục tiêu 1 triệu DN

Nói về NQ35, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định đây là lần đầu tiên Chính phủ có nghị quyết về phát triển DN tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững để đến 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30-35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm có khoảng 30-35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo. “Thủ tướng khẳng định năm 2016 là năm khởi nghiệp, nhưng theo tôi từ nay đến năm 2020 nên là thời kỳ khởi nghiệp của Việt Nam” - ông Lộc nhấn mạnh. Không chỉ Nhà nước quan tâm đến khởi nghiệp, ngay tại TPHCM theo chia sẻ của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, 1 trong 7 vấn đề cơ bản TP tập trung thực hiện là hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp.

Đánh giá về mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, cho rằng đây là chương trình định hướng tốt, mục tiêu đầy tham vọng. Nhưng chúng ta phải định hướng cụ thể chương trình này theo hình thức nào, theo số lượng DN hay giá trị DN đóng góp. “Theo tôi nên tập trung phát triển DN đang sẵn có trong 500.000 DN đang hoạt động, trong đó tập trung làm lớn những DN nhỏ và siêu nhỏ” - ông Việt Anh nêu ý kiến, đồng thời đề xuất có sự trợ lực của những DN đi trước nên định hướng cho các DN khởi nghiệp, nếu đi theo ngành nghề nào nên được chính DN trong ngành nghề đó hướng dẫn.

Cũng đề cập về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng DN khởi nghiệp cần được khuyến khích và những trung tâm khởi nghiệp như Tập đoàn Trung Thủy làm là rất hay. Tuy nhiên, để nhìn nhận, đánh giá DN trẻ phát triển được hay không cần thời gian không phải trong 1, 2 năm mà phải 5-10 năm, bởi lẽ tỷ lệ DN trẻ thành công không cao, chỉ khoảng 10%. Vì thế, cần xây dựng thể chế lâu dài cho cộng đồng DN phát triển, những cơ chế, chính sách mang tính đột phá giúp DN ngành dệt may tháo gỡ khó khăn. Đó là những tồn tại như chưa có chiến lược đào tạo nhân lực cho các ngành công nghiệp, trong đó có dệt may và da giày; không có trường đào tạo công nghiệp thiết kế thời trang bài bản, thiếu sân chơi là trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu, trung tâm thiết kế thời trang…

Vẫn còn hoài nghi

Chia sẻ những nội dung của NQ35, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh NQ35 nhắc đến việc thực hiện NQ19 cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, NQ19 đặt ra lộ trình đến năm 2020 sẽ đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất khu vực ASEAN. “Qua quan sát việc thực hiện 2 NQ19 năm 2014 và 2015 thời gian qua, tôi nghĩ chúng ta sẽ thực hiện được” - ông Lộc nói. Song một số DN vẫn tỏ ra hoài nghi khi cho rằng trước nay Chính phủ cũng đặt ra nhiều mục tiêu vậy, lần này liệu có đạt được hay không? Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM, bày tỏ sự nghi ngờ về việc liệu các bộ, ngành có thực hiện đúng theo tinh thần NQ35 hay không. Ông Tống nêu thí dụ, cách đây 2 năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị các bộ, ngành có những chính sách hỗ trợ cho ngành cơ khí nhưng không đơn vị nào làm báo cáo và chỉ thị đó đã đi vào lãng quên. Thêm vào đó là sự đùn đẩy giữa các bộ. Riêng Thông tư 23 về nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng, nếu chính thức áp dụng từ ngày 1-7 tới, các DN nhỏ trong ngành cơ khí sẽ không còn cơ hội phát triển. “Khi tôi làm việc với Bộ KHCN, bộ này nói phải làm việc với Bộ Công Thương. Qua Bộ Công Thương lại bị đùn đẩy qua Bộ KHCN” - ông Tống nói.

Cần xây dựng thể chế lâu dài cho cộng đồng DN phát triển.

Cần xây dựng thể chế lâu dài cho cộng đồng DN phát triển.

Phản ánh những vấn đề liên quan đến NQ19, ông Nguyễn Anh Kiệt đại diện một DN trong ngành hóa chất, cho biết theo NQ19 các cơ quan chỉ thanh tra DN 1 lần trong 1 năm và phải có thống nhất với nhau. Tuy vậy hiện nay chỉ riêng mảng phòng cháy chữa cháy 1 năm DN phải tiếp đến 4 lần kiểm tra và lần nào cũng không phát hiện ra vấn đề gì. Khi kiến nghị được cơ quan thẩm quyền cho biết đây là luật, họ làm theo vì luật cao hơn NQ. Bàn về vấn đề này ông Vũ Tiến Lộc thừa nhận và mong DN có nhiều hơn những kiến nghị thiết thực như vậy. Một số DN bày tỏ mong muốn sau mỗi hội nghị, lấy ý kiến nên có những phản biện lại cho DN. “Có tháng chúng tôi tham gia đến 4, 5 hội nghị nhưng kết quả vẫn là những lời hứa không biết khi nào mới được thực hiện. Nếu vậy quá mất thời gian của DN” - đại diện một DN bày tỏ bức xúc. Đồng tình với ý kiến này, đại diện Hội Tư vấn KHCN và quản lý TPHCM, cũng cho rằng mỗi lần đi họp là mỗi lần nghe DN than về những khó khăn nhưng cuối cùng cũng không có gì thay đổi. Ông còn tỏ ra nản chí khi cho biết cho đến nay tất cả đề tài nghiên cứu của hội vẫn chưa được TP phê duyệt, các bộ, ngành không nhận lời tư vấn.

Có thể thấy, mỗi buổi lắng nghe ý kiến DN đều lộ ra những bức xúc, khó khăn của DN cần được sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Với vai trò đại diện tiếng nói của cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc cho biết rất mong DN có nhiều đóng góp để VCCI phản ánh lại và kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Các tin khác