Chính phủ đang xích lại gần doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Trong buổi đối thoại chính sách đầu tư 2016 diễn ra sáng nay 28 - 6 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Trí Dũng đã bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước xích lại gần nhau hơn, thân thiện hơn để xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, một môi trường kinh doanh minh bạch, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội trong những năm tới.

(ĐTTCO) - Trong buổi đối thoại chính sách đầu tư 2016 diễn ra sáng nay 28 - 6 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Trí Dũng đã bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước xích lại gần nhau hơn, thân thiện hơn để xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, một môi trường kinh doanh minh bạch, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội trong những năm tới.

 

Đối thoại do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Công ty KPMG Việt Nam tổ chức thu hút sự tham gia 180 lãnh đạo các bộ ngành, DN.

Chính phủ nỗ lực hỗ trợ DN phát triển

Trao đổi với cộng đồng DN, người đại diện cho Bộ KH&ĐT cho biết Chính phủ đã và đang nỗ lực hỗ trợ DN phát triển. Thời gian qua Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết để thúc đẩy sự phát triển. Đối thoại lần này là cơ hội để nhà đầu tư, DN góp ý Chính phủ cần làm gì hơn nữa để phát triển cộng đồng DN, để DN khởi nghiệp dễ dàng, để DN trở thành động lực phát triển nền kinh tế.

“Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP được Chính phủ ban hành trong thời gian qua hướng đến việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển với 2 đổi mới cơ bản từ tư duy quản lý hành chính sang dịch vụ, từ tiền kiểm sang hậu kiểm với mục tiêu tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh doanh. Đây cũng là tư duy mới, hiện đại, phù hợp với phát triển kinh tế thị trường” - Bộ trưởng Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh.

Là người đại diện cơ quan thường trực giúp Chính phủ cải cách môi trường kinh doanh, bộ trưởng mong muốn Chính phủ và DN xích lại gần nhau hơn nữa, thân thiện hơn nữa. Bởi lâu nay quan hệ này còn tồn tại nhiều rào cản. Mối quan hệ giữa DN với Nhà nước phải thực sự thân thiện trên nền tảng của hệ thống pháp luật hoàn thiện, chặt chẽ thì DN mới yên tâm bỏ tiền ra đầu tư.

Năm 2016 có rất nhiều thay đổi về môi trường kinh doanh, bối cảnh trong nước, quốc tế nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ mới vừa được kiện toàn, mới được hơn 2 tháng, tháng 7 này Quốc hội sẽ bầu lại Chính phủ mới. Một loạt hệ thống pháp luật mới về môi trường đầu tư kinh doanh được xây dựng và có hiệu lực từ 1 - 7 tới nên từ đầu năm đến nay bộ máy vận hành chưa trơn tru vì đang được lắp ráp dần dần. Những khó khăn này hết sức khách quan. Tuy nhiên, Chính phủ sẵn sàng đối mặt mọi thách thức trong đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh.

Năm 2016 đã đi được nửa chặng đường, nền kinh tế đã duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô nhưng chưa thật vững chắc, tốc độ tăng trưởng còn thấp hơn kỳ vọng. Để đạt được các mục tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn của cả Chính phủ, cộng đồng DN và toàn xã hội.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ quyết tâm giữ nguyên các chỉ tiêu kinh tế đề ra. Kinh tế Quý II tăng trưởng cao hơn Quý I nhưng chưa đạt con số mục tiêu đề ra. Để đạt được mục tiêu Quốc hội đã đề ra 6 tháng cuối năm đòi hỏi phải có nhiều chính sách đồng bộ. Với những quyết sách linh hoạt của Chính phủ kinh tế những tháng cuối năm sẽ có những khởi sắc. Bộ trưởng Nguyễn Trí Dũng đề nghị cộng đồng DN có cái nhìn tích cực hơn về xu hướng cải thiện tăng trưởng kinh tế.

Lạm phát hiện đang được kiểm soát nhưng CPI đã tăng nhẹ dần đều trong 5 tháng qua. Tuy tổng bình quân CPI tăng chưa cao nhưng giá dầu tăng trở lại, lượng cung các mặt hàng nông sản thiếu hụt đã đẩy CPI tăng nhẹ trong thời gian qua. Chính phủ đã xây dựng các kịch bản khác nhau để giữ lạm phát thấp. Nếu lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng tới các chỉ số kinh tế vĩ mô khác, đặc biệt là khả năng hạ lãi suất của hệ thống ngân hàng giúp DN tiếp cận vốn rẻ hơn, dễ dàng hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh, lo ngại nhất với CPI hiện nay là giá dầu thô thế gới. Nếu giá dầu thô ở ngưỡng 60 USD/thùng trở lại thì hoàn toàn có thể  kiểm soát được CPI. Nhưng nếu vượt quá mức đó thì rất khó kiểm soát. Tuy nhiên các dự báo quốc tế gần đây cho thấy giá dầu khó tăng cao. Để kiểm soát CPI, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành điều tiết việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như giá điện, giá sữa, chi phí y tế, giáo dục ở mức phù hợp và  không tăng cùng lúc.

Sẽ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT xây dựng một Luật rà soát để điều chỉnh các Luật liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh. Tháng 10 tới dự thảo luật này sẽ trình ra Quốc hội. Luật này sẽ được trình và thông qua trong 1 kỳ họp. Kể cả những gì Luật Đầu tư 2014 vừa được ban hành không phù hợp cũng phải sửa đổi để xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh tốt. Đây là một cuộc cách mạng lớn của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều sự quan tâm cho DN. Bên cạnh việc ban hành 2 nghị quyết nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhiều chính sách pháp luật liên quan đến môi trường kinh doanh được hoàn thiện. Kể từ 1 - 7 các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường kinh doanh cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Về nguồn vốn cho kinh doanh, Chính phủ đang chỉ đạo NHNN giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, và NHNN đang trình đề án để Chính phủ xem xét việc quyết định.

Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nếu DN tận dụng tốt các cơ hội vượt qua các thách thức thì thành công là rất lớn. Một con thuyền nhỏ ra khơi nhiều rủi ro nhưng nhiều con thuyền nhỏ liên kết lại với nhau ra khơi sẽ vượt qua được giông bão. Liên kết để hội nhập thành công là thông điệp Bộ trưởng Nguyễn Trí Dũng muốn gửi đến cộng đồng DN trong nước.

Trong quá trình cải cách môi trường đầu tư kinh doanh thời gian qua, Chính phủ đã loại bỏ khoảng hơn 3.000 điều kiện kinh doanh. Hiện còn khoảng 5.885 các điều kiện kinh doanh nằm ở các thông tư. Theo Luật Đầu tư nó phải nằm ở cấp nghị định. Và các bộ ngành đang nâng cấp khoảng 49 nghị định. Các nghị định này đã được và sẽ được ban hành trước 1 - 7 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ yêu cầu không chỉ về tiến độ mà còn đảm bảo về chất lượng khi ban hành chính sách về môi trường kinh doanh. Các bộ, ngành không được nâng cấp cơ học thông tư lên nghị định. Những điều kiện kinh doanh không cần thiết phải loại bỏ đi, những gì không rõ ràng sẽ phải làm rõ, tăng tính minh bạch trong thực thi.

Các tin khác