Tâm lý phản ứng tiêu cực

(ĐTTCO) - Việc người dân Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, đã khiến TTCK toàn cầu chao đảo trong phiên giao dịch ngày 24-6 và Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ.

(ĐTTCO) - Việc người dân Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, đã khiến TTCK toàn cầu chao đảo trong phiên giao dịch ngày 24-6 và Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ.

Chao đảo theo thế giới

Ngay khi những kết quả sơ bộ về cuộc trưng cầu dân ý được công bố, TTCK toàn cầu và đồng bảng Anh (GBP) cùng đồng EUR lao dốc mạnh. Chỉ có đồng yên Nhật tăng mạnh do đây được coi là kênh đầu tư an toàn bên cạnh vàng và trái phiếu trong bối cảnh tâm lý lo ngại rủi ro tăng cao. Tuy nhiên, TTCK Nhật Bản cũng rơi tự do và phải ngừng giao dịch trong 10 phút để NĐT bình tĩnh trước khi giao dịch trở lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24-6, chỉ số Nikkei 225 và Topix 100 giảm lần lượt 7,9% và 7,5%. Các TTCK khác trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Công cũng đồng loạt giảm điểm với mức giảm phổ biến từ 1-5%. Đặc biệt chỉ số S&P của Hoa Kỳ bị thiệt hại nặng với mức giảm trên 600 điểm, tương đương 3,59%.

Việc VN Index đóng cửa ngay tại ngưỡng 620 điểm, vốn được xem là ngưỡng hỗ trợ rất vững chắc của thị trường trong thời gian qua cũng có thể là một tín hiệu tích cực. Như vậy, trong ngắn hạn, sẽ khó lặp lại những phiên bán tháo giảm mạnh như kiểu 24-6.

Tại TTCK Việt Nam, VN Index giảm mạnh ngay từ lúc mở cửa phiên giao dịch ngày 24-6, nhưng chỉ thật sự lao dốc vào đầu giờ chiều khi lực bán được đẩy ra dồn dập tại phần lớn mã CP đang niêm yết. Nhiều CP có thông tin tốt cũng quay đầu giảm giá, ngay cả nhóm CP có vốn hóa lớn cũng giảm sàn trước sức ép bán ra từ NĐT nội và ngoại. Có thời điểm, chỉ số VN Index xuyên thủng mốc 600 điểm khi giảm hơn 35 điểm (mức giảm cao nhất trong 5 năm trở lại đây). Điểm sáng duy nhất trong phiên giao dịch này có lẽ đến từ sức bật về thanh khoản của thị trường.

Việc CP giảm sàn la liệt là cơ hội cho NĐT gom hàng với mức giá rẻ chưa từng có. Theo thống kê, trong cả phiên 24-6, khối lượng giao dịch của sàn HOSE đạt hơn 270 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch 4.810 tỷ đồng. Thanh khoản của HNX cũng lập kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1.322 tỷ đồng. Chính nhờ lực cầu bắt đáy này đà giảm của các chỉ số được hãm lại khi thị trường đóng cửa. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, VN Index giảm 11,5 điểm (tương đương 1,82%), xuống còn 620,77 điểm; HNX Index giảm 1,71 điểm (tương đương 2%) xuống còn 83,62 điểm. Chỉ số UPCoM Index cũng có phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày đi vào hoạt động, khi mất 1,84 điểm (tương đương 3,14%), xuống mức 56,83 điểm.

Bán để bảo toàn lợi nhuận

TTCK đã tăng rất tốt từ đầu năm 2016 đến nay từ mức 570 điểm lên 630 điểm. Về mặt tỷ lệ, VN Index mới tăng 10,5%, nhưng trong thực tế nhiều CP đã tăng giá 30-50% hoặc hơn. 5 tháng đầu năm, dòng tiền tập trung chủ yếu tại các nhóm CP như dầu khí, thép, ngân hàng và một số blue chip. Đến giữa tháng 5, dòng tiền bắt đầu lan tỏa ra nhóm mid cap và penny. Thông thường đến thời điểm này, khi phạm vi tăng giá được mở rộng, NĐT đã đồ rằng sẽ sớm đến lúc thị trường phải “chỉnh”, nhưng thực tế trong khoảng 1 tháng qua và trong những tháng trước, thị trường cứ miệt mài tăng. Thậm chí trong 6 tháng qua chỉ cần chọn được một số CP có cơ bản tốt, nắm giữ thì gần như cứ ngồi đợi để hưởng lãi. Nếu xét riêng trong tháng 6, một loạt CP mid cap và penny có thể tạo ra suất sinh lời 20-30% chỉ trong khoảng chục phiên.

Tuy nhiên, phiên ngày 24-6 lại khiến cho những người có lãi chỉ còn 1 giải pháp để hành động đó là bán hết, có lãi là chốt sạch, thậm chí chưa có lãi cũng bán để đề phòng thua lỗ. Nếu như bắt đáy có nỗi lo đáy có thể bị thủng thì chốt lời lại sợ không đúng đỉnh. Điều này khiến cho những ai còn lấn cấn vào việc có nên bán hay không vào buổi sáng buộc phải hành động mạnh tay, bán (hay cắt) là hành động được lựa chọn nhằm hướng đến sự an toàn. Lúc này thông tin phe ủng hộ Anh rời EU giành chiến thắng được đăng tải càng tạo áp lực cho NĐT thấy mình cần phải hành động. 

Sức ép ngắn hạn

Đối với TTCK, tác động của Brexit không hề nhỏ bởi nó vốn không ưa thích những yếu tố bất ngờ - thường là tâm điểm của các phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, vẫn có nhiều doanh nghiệp hưởng lợi đáng kể từ Brexit. Đó là các doanh nghiệp đang sử dụng vốn vay EUR như CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1), CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) hay CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2). Trong phiên giao dịch ngày 24-6, trong khi thị trường bị nhuộm đỏ, bộ 3 CP này bất ngờ tăng kịch trần về cuối phiên.

Dù vậy, theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), Brexit là một hiện tượng mới với nền kinh tế toàn cầu và gần như chưa có tiền lệ, vì thế hệ quả nó gây ra khó có thể đo lường chính xác trong ngắn hạn. Tác động của sự kiện này lên nền kinh tế và thị trường tài chính còn khá mơ hồ và không dễ nhận thấy như các sự kiện trước đó (biển Đông, giá dầu giảm, phá giá đồng NDT), nên NĐT dễ chấp nhận rủi ro hơn và đà giảm sẽ không còn mạnh như phiên giao dịch 24-6. Điều này phần nào được thể hiện trong phiên giao dịch cuối tuần khi NĐT tranh thủ mua lại các CP giảm sâu sau khi thấy thị trường được kéo lên bởi các CP vốn hóa lớn cũng như lực hồi trên TTCK thế giới. Tương tự, theo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), ảnh hưởng của Brexit đến TTCK có tính chất ngắn hạn do sức ép từ đà giảm của giá dầu vì USD tăng, cùng với việc NĐT lo ngại về tăng trưởng khu vực EU và Anh. Theo CTCK TPHCM (HSC), dù VN Index đã phục hồi và đóng cửa trên mốc 620 điểm, nhưng Brexit sẽ gây ra bất ổn trong những phiên sắp tới, trước khi VN Index xác định được đáy ngắn hạn. Trong đó, các mã CP blue chip và CP của doanh nghiệp xuất khẩu sang EU sẽ chịu tác động ngắn hạn nhiều hơn.

Dự báo về động thái của NĐTNN, CTCK Maybank KimEng (MBKE) cho rằng khối ngoại đã thể hiện động thái gây bất ngờ trong phiên giao dịch 24-6 khi không có một cuộc “tháo chạy”. Theo thống kê, tính riêng khớp lệnh tại HOSE khối ngoại chỉ bán ròng gần 29 tỷ đồng. Do vậy, cần có thêm ít nhất vài phiên nữa trong tuần này để xác nhận liệu khối ngoại có gia tăng áp lực bán ròng mạnh hơn tại TTCK Việt Nam hay không.

Ảnh minh họa: L.THANH

Ảnh minh họa: L.THANH

Có thể tạo khác biệt

Trong khoảng nửa thập niên qua, mỗi khi TTCK có một phiên giảm từ 20 điểm trở lên, thường sau đó là những biến động có phần “phong ba bão táp”, dù rằng xét trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng có khi những biến động này chỉ mang tính nhất thời. Câu hỏi lúc này là TTCK Việt Nam sau sự kiện Brexit sẽ diễn biến như thế nào trong cả ngắn lẫn dài hạn? Nhìn vào diễn biến từ TTCK Hoa Kỳ, NĐT lo ngại hiệu ứng Brexit có thể dẫn đến những kịch bản không lấy gì làm tươi sáng cho thị trường chung. USD tăng giá, vàng cũng tăng giá, dòng tiền có thể tìm những nơi trú ẩn an toàn thay vì ở lại tiếp trên TTCK và gây ra những xáo trộn…

TTCK Việt Nam trong một số thời điểm cũng đã có những điểm tương đồng mà điển hình là hồi tháng 8-2015, thị trường đã có những phiên lao dốc rất mạnh theo diễn biến của nhiều thị trường châu Á và Hoa Kỳ. Nếu như diễn biến của TTCK là một ẩn số, những thông tin trong nước sẽ rõ ràng hơn nhiều. Trước tiên là tuần này có thể xuất hiện những số liệu vĩ mô cho kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 của Việt Nam với nhiều kỳ vọng. Bên cạnh đó, mùa BCTC quý II-2016 cũng như báo cáo soát xét bán niên cũng đang gần kề sẽ củng cố hoặc nâng kỳ vọng của NĐT đối với hàng hóa trên sàn. Vấn đề nhiều NĐT quan tâm nhất tính đến lúc này đó là những biến động về tỷ giá có thể xuất hiện hậu Brexit.

Việc TTCK tăng liên tục trong 6 tháng có thể nói là đã khiến cho nhiều NĐT cả trong lẫn ngoài nước bất ngờ và Việt Nam trở thành một điểm sáng. Nghĩa là trong xu hướng không mấy tích cực Việt Nam vẫn có thể nổi lên là một nơi trú ẩn an toàn. Thực tế cho thấy rằng, đầu tư mục tiêu hướng đến là lợi nhuận, xu hướng đôi khi mang tính chất thứ yếu, nghĩa là dòng vốn có thể dịch chuyển như thế nào, nhưng nếu TTCK Việt Nam vẫn thể hiện sự hấp dẫn dòng vốn cũng không thể chần chừ mà buộc phải tìm đến. Chẳng hạn, một số quỹ đầu tư tham gia TTCK Việt Nam có lãi khả quan và công bố thì những quỹ khác cũng có thể xem xét, thậm chí chịu áp lực từ phía các NĐT để giải ngân vào Việt Nam. Nói tóm lại, mặc dù đang chịu những rủi ro đến từ Brexit nhưng các lợi thế nội tại lại cho thấy khả năng TTCK Việt Nam tạo ra sự khác biệt là không hề nhỏ.

Có thể nói, giá trị giao dịch lên đến hơn 4.800 tỷ đồng tại HOSE, mức cao nhất trong vòng 2 năm qua đã chứng tỏ lượng bắt đáy là cực lớn, thậm chí đến cuối phiên, một loạt CP sẵn sàng ngược dòng như MWG, HBC, NT2, HT1… cho thấy có NĐT sợ hãi cũng có những NĐT sẵn sàng tham lam khi cơ hội đến. Nhìn chung trong ngắn hạn, VN Index có thể dao động quanh vùng 610-630 điểm và thị trường sẽ phân hóa, vẫn có những cơ hội nhờ vào những thông tin tích cực có thể đến từ vĩ mô hoặc doanh nghiệp.

Các tin khác