Cách mạng công nghiệp (K2): Những nguồn năng lượng mới

(ĐTTCO) - Động cơ hơi nước đã mang nhân loại đến với thời đại cơ khí. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất của động cơ hơi nước là đòi hỏi hệ thống truyền động rất cồng kềnh. Nhược điểm này đã được khắc phục khi con người tìm ra động cơ đốt trong và động cơ điện, mang lại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (1831-1914).

(ĐTTCO) - Động cơ hơi nước đã mang nhân loại đến với thời đại cơ khí. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất của động cơ hơi nước là đòi hỏi hệ thống truyền động rất cồng kềnh. Nhược điểm này đã được khắc phục khi con người tìm ra động cơ đốt trong và động cơ điện, mang lại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (1831-1914).

Cách mạng công nghiệp (K1): Máy móc thay tay chân
Dầu mỏ và điện năng

Động cơ hơi nước thuộc loại động cơ đốt ngoài, nên có một hệ thống khá cồng kềnh. Chính việc phát triển thành công động cơ đốt trong đã khắc phục được nhược điểm này. Ý tưởng về động cơ đốt trong được cho đã xuất hiện từ rất sớm. Đó là năm 1673, nhà vật lý học người Đức Christian Huygens đã thiết kế động cơ đốt trong chạy bằng thuốc súng để làm máy bơm nước, cung cấp 3.000m3 nước/ngày cho các khu vườn cung điện Versailles. Tuy nhiên, thiết kế của ông không được phổ biến. Vào đầu thế kỷ 19, động cơ đốt trong sử dụng khí đốt hay các nhiên liệu khác khá phổ biến, nhưng phải đến năm 1885, khi Gottlieb Daimler phát minh loại động cơ có thể được coi như nguyên mẫu của động cơ xăng hiện đại với xi-lanh thẳng đứng và sử dụng bộ chế hòa khí (cấp bằng năm 1889), động cơ đốt trong mới thực sự tạo ra một cuộc cách mạng. Daimler lần đầu tiên chế tạo xe 2 bánh gắn động cơ có tên “Reitwagen”, được xem như chiếc xe gắn máy đầu tiên của nhân loại. 1 năm sau, cũng với loại động cơ này, ông chế tạo chiếc ô tô 4 bánh đầu tiên trên thế giới, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện vận tải hiện đại ngày nay.

Năm 1831, Michael Faraday, nhà hóa học người Anh phát hiện ra nguyên lý hoạt động của máy phát điện, giúp con người tiếp cận một nguồn năng lượng mới có tính ứng dụng linh hoạt hơn cả dầu mỏ cùng động cơ đốt trong. Việc phát hiện ra điện và ứng dụng điện rộng rãi trong giai đoạn này đã giúp hệ thống máy móc phát triển thêm một bước, tạo điều kiện cho việc phát minh và áp dụng các thiết bị đo đếm và trắc nghiệm chính xác. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời các thiết bị điều khiển tự động. Với sự xuất hiện của điện năng, người ta có thể sản xuất tập trung với quy mô lớn; có thể phân chia, thích ứng một cách linh hoạt các nhu cầu năng lượng; có thể dễ dàng chuyển thành các dạng năng lượng khác như: quang năng, từ năng, hóa năng… có lợi cho việc sáng tạo và sử dụng công cụ, công nghệ mới; có thể sử dụng được nhiều nguồn năng lượng trước đây không hoặc chưa sử dụng đầy đủ như máy phát điện dùng sức gió, sức nước…

Phát triển thần tốc

Sự kết hợp giữa động cơ đốt trong và điện năng đã mở ra kỷ nguyên xe hơi và máy bay sau này. Điện năng phát triển cũng mang lại những bước nhảy vọt cho các ngành nghề khác. Trong ngành luyện kim, nhờ kỹ thuật điện phân đã sản xuất được một khối lượng nhôm và hợp kim nhôm cho các ngành xây dựng và hàng không, cùng đó là sản xuất thép có chất lượng cao và các loại hợp kim đặc biệt luyện trong các lò luyện điện quang dùng trong công nghiệp quân sự và dân sự. Trong ngành hóa chất, trên cơ sở phát triển các kỹ thuật điện phân, điện hóa và các quy trình công nghệ cao, đã tạo ra được các vật liệu tổng hợp hữu cơ, nhiều vật liệu nhân tạo mới phục vụ cho nhu cầu của sản xuất và đời sống cũng đã được chế tạo. Trong ngành thông tin liên lạc, kỹ thuật thông tin vô tuyến đã phát triển trên cơ sở phát minh ra máy điện thoại của Bell (1876), Marconi đã chế tạo ra vô tuyến điện. Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, các máy công cụ đã phát triển từ trình độ bán tự động quá độ lên tự động. Một nền sản xuất trên cơ sở điện-cơ khí với năng suất và độ chính xác ngày càng cao đã xuất hiện.

Những thay đổi về khoa học, công nghệ đã dẫn đến sự bùng nổ về kinh tế. Giai đoạn 1870-1890 chứng kiến tăng trưởng kinh tế nhanh chưa từng có trong lịch sử trước đó. Chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể trong các nước công nghiệp mới khi giá cả các mặt hàng giảm mạnh nhờ gia tăng năng suất. Nhưng điều này cũng gây ra tình trạng thất nghiệp và biến động rất lớn trong thương mại và công nghiệp, với nhiều người lao động bị thay thế bởi máy móc. Đến năm 1890, một mạng lưới điện tín quốc tế được thiết lập, cho phép các thương gia ở Anh hoặc Hoa Kỳ có thể đặt hàng trực tiếp với các nhà cung cấp ở Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này, cộng với sự mở cửa của kênh đào Suez, đã dẫn đến sự suy giảm các kho chứa hàng lớn ở London và những nơi khác, cũng như việc loại bỏ nhiều trung gian.

Đĩa Faraday - máy phát điện đầu tiên của nhân loại.

Đĩa Faraday - máy phát điện đầu tiên của nhân loại.

Thay đổi CNTB

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai cũng làm thay đổi chủ nghĩa tư bản (CNTB), khiến nó chuyển sang một giai đoạn phát triển cao hơn, đó là chủ nghĩa tư bản độc quyền tư nhân. Cụ thể, cùng với sự phát triển của khoa học tự nhiên, những phát minh kỹ thuật được áp dụng làm cho lực lượng sản xuất của CNTB hồi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có những bước phát triển nhảy vọt (như phương pháp luyện kim mới, máy cắt gọt kim loại, những động cơ đốt trong, những phương tiện vận tải mới ra đời…). Muốn sử dụng những thành tựu nói trên của cách mạng khoa học kỹ thuật, đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn. Điều này đòi hỏi phải có sự tập trung sản xuất, tập trung tư bản. Tích tụ và tập trung sản xuất đến một mức độ nhất định sẽ dẫn đến độc quyền, vì số ít các xí nghiệp lớn dễ thỏa hiệp thống nhất với nhau hơn là nhiều xí nghiệp nhỏ.

Bên cạnh đó, sự phát triển của lực lượng sản xuất dưới tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng làm xuất hiện nhiều ngành sản xuất mới. Điều này buộc các nhà tư bản phải cải tiến kỹ thuật, tăng quy mô; các nhà tư bản nhỏ bị phá sản, hoặc phải liên kết nhau để đứng vững trong cạnh tranh; các xí nghiệp lớn cạnh tranh khốc liệt khó phân thắng bại nảy sinh xu hướng thỏa hiệp… và kết quả tạo nên sự tập trung sản xuất, tập trung tư bản, dẫn tới độc quyền. Mới đầu, các tổ chức độc quyền phát triển trong một số ngành nhất định; sau đó, cùng với sự mở rộng và tiến bộ của cách mạng khoa học kỹ thuật, nó đã mở rộng hơn về quy mô, lan ra các ngành khác, với những hình thức chủ yếu là cartel (độc quyền về giá cả, thị trường, sản lượng hàng hóa), syndicate (độc quyền về lưu thông), trust (độc quyền cả về sản xuất và lưu thông), consotium (độc quyền đa ngành)…

Như vậy, cuộc cách mạng công nghiệp lần hai đã đẩy quá trình xã hội hóa sản xuất của CNTB tiến thêm một bước, quan hệ kinh tế quốc tế cũng được mở rộng nhanh chóng, từ đó thúc đẩy CNTB từ giai đoạn tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn độc quyền. Xã hội hóa tư bản phát triển lên một giai đoạn mới - giai đoạn độc quyền, mở đầu thời đại đế quốc chủ nghĩa.

(còn tiếp)

Các tin khác