Đừng lãng phí 3 tỷ USD/năm

(ĐTTCO) - Ngân sách nhà nước (NSNN) mặc dù eo hẹp nhưng vẫn luôn dành một tỷ lệ NS đáng kể để đầu tư cho giáo dục đào tạo. Thế nhưng, theo khảo sát, mỗi năm Việt Nam mất 3 tỷ USD cho giáo dục tại nước ngoài, con số trên khiến không ít người ngỡ ngàng, xót ruột.

(ĐTTCO) - Ngân sách nhà nước (NSNN) mặc dù eo hẹp nhưng vẫn luôn dành một tỷ lệ NS đáng kể để đầu tư cho giáo dục đào tạo. Thế nhưng, theo khảo sát, mỗi năm Việt Nam mất 3 tỷ USD cho giáo dục tại nước ngoài, con số trên khiến không ít người ngỡ ngàng, xót ruột.

Số liệu từ Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết trong năm 2015, cùng với chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết 7.000 tỷ đồng cho giáo dục đào tạo, NSNN dành cho lĩnh vực này khoảng  224.800 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn lực đầu tư trực tiếp cho giáo dục và đào tạo theo cơ cấu NSNN, lĩnh vực giáo dục đại học được phân bổ thêm nguồn chi NS dành cho khoa học và công nghệ để tăng cường cơ sở vật chất các cơ sở nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm trọng điểm, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học. Tổng cộng các khoản này chiếm 20% tổng chi NSNN

Có thể thấy chi phí cho giáo dục ở Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, do chất lượng giáo dục của ta còn yếu, những quy định về thi cử mang tính áp đặt, gò bó nên không thể giữ chân được một số con em gia đình khá giả chạy ra nước ngoài học, dù chi phí cao gấp nhiều lần học trong nước. Theo Bộ Tài chính, trong tổng số hàng trăm ngàn du học sinh, có đến 90% là du học tự túc. Và như vậy, mỗi năm người dân chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài cho con em học tập. Cụ thể, mỗi suất học học tập ở nước ngoài phải chi phí tối thiểu 30.000-40.000USD/năm. Còn theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo, trong năm học 2015-2016, có hơn 120.000 học sinh, sinh viên đi học tập ở nước ngoài. Nhân con số này với chi phí 1 suất du học, sẽ cho thấy mỗi năm người Việt Nam phải chuyển ra nước ngoài ít nhất 3 tỷ USD. Con số này bằng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2015, là công sức của hơn 10 triệu nông dân quần quật quanh năm. Đây có thể coi là thất thoát nguồn thu lớn cho các cơ sở đào tạo trong nước.

Trong khi đó, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cho thấy số lượng dự án và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành giáo dục còn khiêm tốn cả về số lượng và quy mô, với chỉ hơn 3,6 tỷ USD vốn đăng ký, từ khi Việt Nam bắt đầu thu hút FDI cho đến nay. GDP của dịch vụ giáo dục cũng chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng GDP của cả nước. Vì sao lại có nghịch lý này? Thực tế, rất nhiều nhà đầu tư chia sẻ rằng rất khó để vượt qua tất cả thủ tục cấp phép phức tạp. Họ gặp nhiều rào cản khi thành lập, mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Theo báo cáo của Nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo thuộc Diễn đàn doanh nghiệp thường niên (VBF) 2015, dù các cam kết WTO, Luật Đầu tư đang khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài tham gia mảng giáo dục, nhưng một số quy định khác lại gây cản trở, điển hình là Nghị định 73 ban hành năm 2012 về các dự án đầu tư nước ngoài và hợp tác trong giáo dục và đào tạo ở Việt Nam. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài phải xin đủ 3 giấy phép là đầu tư, thành lập và hoạt động. Trong đó, quan ngại nhất là việc xin giấy phép thành lập bởi phải trải qua quy trình xem xét và phê duyệt của nhiều phòng ban, cơ quan.

Để không bỏ lỡ cơ hội 3 tỷ USD, không còn cách nào khác ngoài việc đẩy mạnh phát triển hệ thống trường quốc tế trong nước với hình thức du học tại chỗ để hạn chế chi phí. Bởi lẽ, theo tính toán, chi phí cho 1 suất du học nước ngoài có thể lo được cho 4 suất du học tại chỗ. Nếu chất lượng giáo dục trong nước đảm bảo, tạo được uy tín trong xã hội sẽ không có việc người và tiền chạy sang nước ngoài. Bên cạnh đó, khi đón làn sóng FDI vào giáo dục cũng có nghĩa nền giáo dục trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Và chính sự cạnh tranh này buộc nền giáo dục trong nước sẽ phải có những thay đổi nhất định để không bị tụt hậu. Đó là chưa kể để có thể tự tin trong cạnh tranh với các đối tác nước ngoài, một trong những yêu cầu bắt buộc là phải quốc tế hóa đội ngũ giáo viên giảng dạy, gia tăng đội ngũ nguồn nhân lực từ nước ngoài vào giảng dạy và quản lý. Đây là cơ hội giúp chất lượng giảng dạy của Việt Nam tăng cao.

Vì thế, để nâng cao hiệu quả thu hút FDI vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thời gian tới các cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các văn bản pháp quy về công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt xúc tiến đầu tư vào ngành giáo dục, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho hoạt động quản lý nhà nước, cơ chế phối hợp, cũng như tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư ở cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần có nghiên cứu và chuẩn bị thật tốt các thông tin về dự án kêu gọi đầu tư, cũng như thông tin về khả năng đầu tư của các đối tác để có sự vận động thích hợp, đặc biệt là việc theo sát, tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư ngay từ khi họ có ý định đầu tư tại Việt Nam. Để làm được điều này, việc cần thiết hiện nay là xây dựng cơ sở pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường thu hút đầu tư cho ngành giáo dục.

Các tin khác