Hệ lụy đổi rừng lấy quặng

(ĐTTCO) - Hà Giang là địa bàn núi non hiểm trở. Rừng xanh, với hệ thống thực vật vô cùng quan trọng trong điều hòa không khí, đời sống và sinh kế của người dân. Song, chính sự bất hợp lý trong cấp phép khai thác khoáng sản ồ ạt đã dẫn đến nhiều chục ha rừng bị cạo trọc. Đến nay, 80% doanh nghiệp khai khoáng dừng hoạt động, nhưng những “núi” quặng chưa tuyển, chẳng có phương án che chắn, vẫn tiếp tục “hành” dân.

(ĐTTCO) - Hà Giang là địa bàn núi non hiểm trở. Rừng xanh, với hệ thống thực vật vô cùng quan trọng trong điều hòa không khí, đời sống và sinh kế của người dân. Song, chính sự bất hợp lý trong cấp phép khai thác khoáng sản ồ ạt đã dẫn đến nhiều chục ha rừng bị cạo trọc. Đến nay, 80% doanh nghiệp khai khoáng dừng hoạt động, nhưng những “núi” quặng chưa tuyển, chẳng có phương án che chắn, vẫn tiếp tục “hành” dân.

Từ ồ ạt đến tê liệt

Từ đầu con đường dẫn vào xã Ngọc Minh (huyện Vị Xuyên), những đống quặng lộ thiên nằm xen lẫn những vạt rừng. Chúng trở thành nỗi nhức nhối, rất dễ ụp xuống đầu dân, trôi xuống sông, suối, tiếp tục tàn phá những vạt rừng xanh trong khu vực. Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng bản Xám, cho biết: “Vào thời điểm hoạt động rầm rộ, rừng bị cày xới, đất đá trôi vào ruộng nương. Nay các doanh nghiệp dù gần như “chết” hẳn, nhưng vẫn tiếp tục làm hại môi trường rừng và đời sống bà con”. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Công Cử, Chủ tịch UBND xã Ngọc Minh, cho biết: “Trước đây có 7 doanh nghiệp được cấp phép khai khoáng trên địa bàn xã, nay chỉ còn 1 doanh nghiệp hoạt động. Nhưng kiểu khai thác vô tội vạ đã gây ô nhiễm trầm trọng cho không chỉ người dân, mà cả nương rẫy, sông suối”.

Dẫn chúng tôi đến điểm mỏ của CTCP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Điện lực Hà Giang, anh Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ địa chính xã Ngọc Minh, cho biết: “Đây là quặng đã được khai thác từ núi, chất đống ở đây nhưng chưa được tuyển, do giá xuống quá thấp. Đây là tình trạng diễn ra ở nhiều huyện của Hà Giang. Dù đã có quy định, các tập thể, cá nhân khai thác trên địa bàn phải cam kết phục hồi môi trường rừng, tìm phương án khắc phục hậu quả, trồng lại rừng”. Nhưng khi chúng tôi hỏi đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Cử cho biết các doanh nghiệp trên còn đang bận trồng rừng ở xã khác!

Một địa phương “chung số phận” là xã Minh Sơn, thuộc huyện Bắc Mê. Theo tìm hiểu, 5 công ty với 8 điểm mỏ đã từng hoạt động. Rừng núi bị cày xới nham nhở, sông suối bị “gặm” để tìm quặng, đường liên thôn xã cũng bị băm nát. Không chỉ người dân chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn và khói bụi, mà rừng xanh phải hứng chịu. Theo thống kê, hàng ngàn ha rừng bị quy hoạch, hơn 30ha đất rừng phòng hộ bị hoang hóa, nguồn nước bị suy kiệt. 5 thôn là Nà Sáng, Bình Ba, Lũng Vầy, Ngọc Trì và Khuổi Kẹn thiếu nước trầm trọng. Một người dân bản Ngọc Trì thảng thốt: “Chủ dự án bỏ của chạy rồi, rừng đã được khắc phục đâu. Chúng tôi còn lo ngại vì rừng núi không được yên do khai thác. Trước đây sông suối trong lắm. Giờ chẳng ai dám tắm vì bệnh. Nương trồng cây khó lớn vì cằn cỗi, hỏng đất”. Theo tìm hiểu, trên địa bàn có hơn 60 doanh nghiệp được cấp phép khai khoáng, trong đó 50 doanh nghiệp dừng hoạt động.

Trách nhiệm ở đâu?

Hỏi đến trách nhiệm, ông Lê Khắc Thanh, Chánh văn phòng UBND huyện Vị Xuyên, bày tỏ: “Trước đây, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện rất sôi động. Nay họ rút hết, đến hơn 90% ngừng hoạt động, chỉ còn những đống quặng cho cũng chẳng ai lấy. Trách nhiệm thuộc cấp trên”. Mang nỗi nhức nhối, chúng tôi hỏi cán bộ địa phương, ông Đỗ Tất Kỳ, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường Vị Xuyên, xác nhận: “Chính các doanh nghiệp đã thuê khảo sát, rồi kêu gọi cổ đông. Nhiều chỗ cày xới lên nhưng khối lượng quặng không như kỳ vọng. Nhiều chỗ có, nhưng giá quặng rẻ, càng làm càng thua lỗ nên doanh nghiệp phải tạm dừng, bỏ của chạy lấy người”. Liên hệ với Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Giang, đơn vị có trách nhiệm bảo vệ môi trường tỉnh, ông Nguyễn Thế Phương, Chi cục trưởng, cho biết hậu quả từ khai thác khoáng sản và làm thủy điện rất vô hình. Nhiều cái mất đi không thấy ngay trước mắt và không lấy lại được. Đến nay Hà Giang vẫn chưa có những báo cáo đánh giá tác động môi trường trên toàn tỉnh. Điều đó cho thấy, việc cấp phép khai thác thủy điện và khai khoáng không chỉ nóng vội, mà còn ồ ạt, dễ dãi, chưa tính toán hết những tác hại của việc khai thác đến môi trường chung. Chúng tôi liên hệ với Sở Tài nguyên-Môi trường, ông Đỗ Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở, thừa nhận: “Mỏ khai thác đa số lộ thiên nên cào vét bề mặt núi. Việc khai thác khoáng sản lộ thiên đã ảnh hưởng đến nguồn nước, đất đá đổ xuống sông, suối, gây bồi lắng. Có những cái mất đi chúng ta sẽ không đong đếm được. Còn thủy điện, đa số là nhà máy công suất nhỏ, không ảnh hưởng nhiều”.

Quản lý không sâu sát, còn phía các doanh nghiệp, nhiều năm nợ tiền quỹ phục hồi môi trường rừng khiến nhiều vùng quê bất an. Thí dụ điển hình như trường hợp Công ty Tường Phong, từng là một doanh nghiệp làm ăn phát đạt, thế rồi vì giá quặng xuống thấp, công ty phải dừng hoạt động. Hàng trăm công nhân nghỉ việc. Ngay cả tiền lương doanh nghiệp còn nợ, để rồi đến nỗi công nhân phải bán máy để trừ tiền. Vậy lấy đâu quỹ để phục hồi môi trường rừng? Ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường), cho rằng việc cấp phép khai khoáng liên quan đến nhiều cơ quan. Có thể do Tổng cục Mỏ-địa chất, Tổng Cục môi trường hoặc tỉnh cấp phép. Do vậy, để xảy ra tình trạng trên, trước hết trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Hà Giang. Bởi tỉnh phải có những báo cáo đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ trước khi đồng ý cấp phép cho khai thác.

Nhiều bãi quặng lộ thiên gây tắc ứ sông suối và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Nhiều bãi quặng lộ thiên gây tắc ứ sông suối và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Trả lại bình yên cho núi rừng

Người dân xã Tùng Bá (Vị Xuyên) từng nhiều lần gửi đơn thư kêu cứu các doanh nghiệp và cả cơ quan chức năng vì bị đất đá trôi vào nhà, vào ruộng. Song sự phản hồi đều là im lặng. Sau cùng người dân đã kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang về hoạt động lộn xộn của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn. Được chỉ đạo, vừa qua, UBND huyện Vị Xuyên đã thành lập đoàn kiểm tra và yêu cầu Công ty Hồng Hà, CTCP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Điện lực Hà Giang khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục môi trường, gia cố lại các đập chắn tại bãi đổ thải, đập chắn hồ lắng, không để tiếp tục xảy ra sự cố ảnh hưởng đến Nhân dân.

Bà con các làng, bản nghèo chịu ảnh hưởng mạnh từ những dự án khai khoáng đang trông đợi vào những nỗ lực từ phía cơ quan chức năng. Nhiều quả đồi, vạt núi đã bị cày xới cần được khắc phục. Bao giờ môi trường rừng được phục hồi? Câu hỏi nhức nhối ấy đang đặt ra trách nhiệm cho các cơ quan quản lý, không thể bình chân trước nỗi khổ của những người dân đang sống bên những cánh rừng bị hy sinh để đổi lấy những vỉa quặng. Rừng Hà Giang đang kêu cứu.

Các tin khác