Bệnh viện 5 sao trên biển Đông

1. Khánh Hòa 01 - HQ 561 là tàu quân y hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam, được mệnh danh là “Bệnh viện nổi” 5 sao giữa biển Đông điệp trùng sóng lớn. Tàu HQ 561 được đóng bởi bàn tay người thợ Việt Nam ở Nhà máy Z189, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam thiết kế). Tàu dài tới 70m, rộng 13m, công suất 4.964 mã lực. Nó có tầm hoạt động tới 2.500 hải lý (1 hải lý = 1,8km) và có thể di chuyển liên tục trong suốt 45 ngày. Trên tàu, cùng lúc có đủ giường nằm cho hơn 200 bệnh nhân và cả cuộc sống tiện nghi cho thủy thủ đoàn. Tàu HQ 561 vừa đẹp lộng lẫy như một du thuyền, vừa có tải trọng 2.000 tấn như một tàu vận tải lừng lững phục vụ hậu cần cho quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK. Nhưng cái đáng nói nhất ở tàu HQ 561 chính là chức năng của một bệnh viện nổi hiện đại.

(ĐTTCO) - Chúng tôi đã có 10 ngày lênh đênh trên biển Đông trên tàu huyền thoại HQ 561. Được mệnh danh “bệnh viện nổi” hiện đại nhất Việt Nam, tàu HQ 561 đã cứu chữa nhiều ca trọng bệnh cho quân, dân quần đảo Trường Sa và những ngư dân vươn khơi bám biển không may gặp nạn.

1. Khánh Hòa 01 - HQ 561 là tàu quân y hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam, được mệnh danh là “Bệnh viện nổi” 5 sao giữa biển Đông điệp trùng sóng lớn. Tàu HQ 561 được đóng bởi bàn tay người thợ Việt Nam ở Nhà máy Z189, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam thiết kế). Tàu dài tới 70m, rộng 13m, công suất 4.964 mã lực. Nó có tầm hoạt động tới 2.500 hải lý (1 hải lý = 1,8km) và có thể di chuyển liên tục trong suốt 45 ngày. Trên tàu, cùng lúc có đủ giường nằm cho hơn 200 bệnh nhân và cả cuộc sống tiện nghi cho thủy thủ đoàn. Tàu HQ 561 vừa đẹp lộng lẫy như một du thuyền, vừa có tải trọng 2.000 tấn như một tàu vận tải lừng lững phục vụ hậu cần cho quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK. Nhưng cái đáng nói nhất ở tàu HQ 561 chính là chức năng của một bệnh viện nổi hiện đại.

Trên tàu có hơn chục y bác sĩ túc trực, hệ thống trang thiết bị cập nhật tiên tiến nhất, có thể thực hiện ca mổ cứu người khi đại dương đang cuộn sóng lớn cấp 8, cấp 9, sức gió giật cấp 10. Với các chiến sĩ Trường Sa và đông đảo ngư dân vươn khơi bám biển cả khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, “bệnh viện nổi 5 sao” này như một thiên thần hộ mệnh khoác áo trắng. 

Tàu quân y Khánh Hòa 01-HQ561.

Tàu quân y Khánh Hòa 01-HQ561.

2. Thú thật là trước hải trình thăm thẳm 10 ngày trên biển lớn, thăm 5 đảo nổi, 2 đảo chìm và 1 nhà giàn DK1/18 Phúc Tần, ai trong chúng tôi cũng lo lắng. Nhiều người, đêm trước “hợp quân” ở TPHCM để thành đoàn công tác 200 người đi Trường Sa, không tài nào ngủ được vì lo say sóng. Vừa rời khách sạn, nhiều đại biểu nữ nhát sóng, nhiều anh nam giới chưa va chạm biển khơi nhiều đã vội uống thuốc chống say sóng. Tôi cũng uống. Từ nhà máy đóng tàu Ba Son huyền thoại, chưa đến cảng Cát Lái để bước lên tàu HQ 561, nhiều người đã ngất ngây buồn ngủ, chân bước bồng bềnh như mộng du. Có người ngủ li bì đến chiều vì say thuốc chống say sóng. Đi dọc sông mênh mông từ Cát Lái, TPHCM ra Vũng Tàu, không say cũng dễ hiểu. Nhưng suốt 10 ngày lênh đênh, đi trắng đêm, suốt ngày, ăn ngủ 100% số bữa và số đêm trên tàu, chỉ thỉnh thoảng lên thăm đảo, thăm nhà giàn vài tiếng, vậy mà không một ai say sóng.

Trừ những lúc biển lặng không nói, nhưng, kể cả lúc biển nổi đóa tung bọt trắng xóa, tàu vẫn bình an vì có một đôi “vây” chống lắc tuyệt vời. Ngay cả khi sóng gió nổi lên, tàu cũng hầu như ít bị chao đảo mạnh. Ra đa dẫn đường có thể giúp tàu chống va đâm, cảnh giới từ xa tới 96 hải lý. Tàu có máy đo tốc độ, độ sâu của biển, có la bàn điện và la bàn từ, hệ thống lái tự động... Đặc biệt bên trong tàu, các công nghệ tích hợp để biến tàu trở thành một bệnh viện nổi trên biển. Tàu vượt bão cấp 8, cấp rất lớn, nhưng các phòng khám, giường bệnh vẫn có thể hoạt động, bác sĩ vẫn khám chữa bệnh và cứu người ngon ơ.

Phòng siêu âm màu 4D.

Phòng siêu âm màu 4D.

3. Đại úy Hoàng Đình Duyến, Thuyền trưởng HQ 561, nói về con tàu như kể về một thân phận người với các lớp lang, đủ vị vinh quang và nhọc nhằn. Ai cũng bất ngờ, thuyền trưởng của cả một “chiến hạm” khổng lồ trong đó có 250 con người (vượt đại dương, lênh đênh trên sóng lớn hàng chục ngày, có khi 45 ngày đi miên man liên tục giữa biển trời mênh mông mà không cần một sự tiếp tế nào) kia lại rất nhỏ nhẹ, quá trẻ và quá khiêm nhường. “Trên tàu có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, tương đương với một bệnh viện quy mô tân tiến trên đất liền. Nó được sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế IMO (của Tổ chức Hàng hải Quốc tế), đóng tại Hải Phòng và theo công nghệ tiên tiến của Hà Lan. Các khoang đều có điều hòa, tủ lạnh, truyền hình kết nối qua vệ tinh, hệ thống liên lạc hiện đại qua Vinasat, các phòng bệnh có đủ máy móc như một bệnh viện hiện đại” - thuyền trưởng Duyến chia sẻ.

4 năm nay, kể từ khi hạ thủy năm 2012, tàu HQ 561 đã hoạt động cứu chữa bệnh trên một khu vực biển mênh mông từ giàn khoan DK1 cho đến quần đảo Trường Sa cách đất liền vài ngày lênh đênh sóng nước. Trên tàu có đủ các phòng chức năng, khiến ai xem cũng phải ngạc nhiên, từ phòng khám, phòng siêu âm, phòng mổ, phòng hồi sức cấp cứu, phòng các chuyên khoa riêng. Có đủ máy thở, máy sốc tim, máy tạo ô-xy, máy rửa dạ dày tự động; hệ thống monitor theo dõi bệnh nhân, máy siêu âm 4 màu, buồng chụp X-quang... Đủ cả điện tim, nội soi, xét nghiệm máu 18 thông số. Trong đó, hiện đại nhất phải kể đến hệ thống buồng chữa bệnh giảm áp (bệnh thường xuất hiện do thay đổi áp suất đột ngột, khi gặp trục trặc, người ta phải từ dưới đáy biển bất ngờ ngoi lên), một bệnh mà các thợ lặn ngoài các ngư trường xa xôi như Trường Sa, Hoàng Sa nếu chủ quan rất dễ mắc phải.

Ở phòng siêu âm trên bệnh viện nổi còn có hệ thống hội chẩn trực tuyến, truyền dữ liệu hình ảnh qua vệ tinh Vinasat từ tàu 561 tới Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM). “Những ca mổ, cấp cứu quan trọng, bất kể giờ giấc và thời tiết, từ trên biển Đông xa xôi và thậm chí sóng gió, hình ảnh vẫn được trực tuyến truyền về Bệnh viện 175, được các giáo sư đầu ngành hội chẩn qua vệ tinh Vinasat. Các phác đồ điều trị được nhanh chóng đưa ra chính xác tuyệt đối, với tay nghề cao như đang phẫu thuật tại Bệnh viện 175 giữa lòng TPHCM” - đại úy Duyến nhấn mạnh.

Mô hình “Tàu bệnh viện” được bảo vệ bởi Công ước Hague, ký từ năm 1907 với các quy định đạo đức và luật pháp về việc cứu người trong chiến tranh, công ước được rất nhiều quốc gia công nhận. Hình ảnh tàu HQ 561 trắng toát, in chữ thập đỏ lớn, rẽ nước dưới biển xanh thẳm, diễn tập cứu người, đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tất cả chúng tôi.

Các tin khác