Vẫn thờ ơ phòng vệ thương mại

Mơ hồ

(ĐTTCO) - Phòng vệ thương mại (PVTM) được xem như chiếc van cuối cùng hạn chế nhập khẩu một cách hợp pháp khi thuế giảm đáng kể, song công cụ hữu hiệu này vẫn chưa được các DN Việt Nam quan tâm đúng mức.

Mơ hồ

Tại một hội thảo về xu hướng áp dụng các biện pháp PVTM trong bối cảnh hội nhập diễn ra mới đây tại TPHCM, khi bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng điều tra các vụ kiện PVTM, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, đặt câu hỏi có DN nào biết đến 3 công cụ PVTM (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ), cả khán phòng có đến gần 100 đại diện DN im phăng phắc, khi câu hỏi được nhắc lại lần hai mới có một cánh tay giơ lên, nhưng đó lại không phải DN mà là đại diện của Hiệp hội Dệt may. Bà Giang cho rằng việc này có phần trách nhiệm không nhỏ của cơ quan như Cục Quản lý cạnh tranh trong việc tuyên truyền đến các DN và bà Giang cũng mong muốn các DN sẽ tìm đến cục nhiều hơn, vì đây là công cụ hữu hiệu để bảo vệ DN trước thực trạng cạnh tranh gay gắt do tác động từ các FTA.

Theo một khảo sát do VCCI thực hiện, đa số DN tham gia khảo sát có nghe nói về PVTM nhưng không biết gì hơn, khoảng 20% DN có tìm hiểu sơ về PVTM do có dính đến các vụ kiện khi xuất hàng, 15% DN chưa từng nghe và chỉ chưa đến 2% số DN tham gia khảo sát có tìm hiểu tương đối kỹ về các biện pháp PVTM. Ngay trong khu vực ASEAN, trong khi nhiều nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines… thường xuyên áp dụng các biện pháp PVTM, Việt Nam mới chỉ có một vài vụ.

Ưu và nhược điểm của các công cụ PVTM cũng là điều nhiều DN còn lơ mơ. Công cụ PVTM có ưu điểm có thể áp thuế trong một khoảng thời gian để giúp các DN đang gặp khó khăn tạm thời duy trì sản xuất giữ thị trường nội địa. Nhưng nhược điểm cũng chính là chỉ có thể áp trong một khoảng thời gian nên dù thế nào các DN cũng phải đối mặt với thực tế cạnh tranh trên thị trường. Thêm nữa để áp dụng được các biện pháp PVTM cũng không phải trong một sớm một chiều. Thông thường từ khi DN muốn áp dụng biện pháp PVTM đến khi nộp hồ sơ lên Cục Quản lý cạnh tranh cũng mất khoảng 6 tháng, và từ khi cục nhận được hồ sơ đến khi kết thúc điều tra khoảng 1 năm nữa. Như vậy trong khoảng 1,5 năm DN vẫn phải đương đầu với các khó khăn.

Thiếu liên kết

Theo các cam kết trong các FTA Việt Nam đã ký kết, đến năm 2020 khoảng 98% xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ không có thuế. Như vậy, hàng hóa Việt Nam sẽ rộng cửa đi ra nhiều thị trường trong khu vực và thế giới và ngược lại hàng hóa nước ngoài cũng sẽ tràn ngập vào thị trường Việt Nam. Khi đó, các DN sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt và không tránh khỏi các tranh chấp. Nhà nước có thể sẽ phải bảo vệ DN bằng hàng rào phi thuế quan là hàng rào kỹ thuật và PVTM. Hiện Việt Nam có sử dụng hàng rào kỹ thuật nhưng hiệu quả rất thấp, do muốn áp dụng hàng rào kỹ thuật hàng hóa trong nước phải đáp ứng được chất lượng giống yêu cầu với hàng nhập khẩu, nếu không sẽ vi phạm quy định đối xử quốc gia của WTO. Thực tế, nhiều sản phẩm của Việt Nam không đáp ứng được điều này. Ngoài ra, trong trường hợp đặt ra quy định liệu Việt Nam có đủ máy móc để kiểm tra hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định hay không cũng là thách thức lớn. Nói vậy để thấy chỉ còn PVTM, nhưng vấn đề mấu chốt nằm ở tính thiếu liên kết của các DN.

Có thời gian thịt gà Hoa Kỳ nhập khẩu tràn lan tại các siêu thị Việt Nam có giá bán thấp hơn tại Hoa Kỳ, nhưng chúng ta không thể kiện và không đủ điều kiện để áp thuế PVTM.

Có thời gian thịt gà Hoa Kỳ nhập khẩu tràn lan tại các siêu thị Việt Nam
có giá bán thấp hơn tại Hoa Kỳ, nhưng chúng ta
không thể kiện và không đủ điều kiện để áp thuế PVTM.

Một thí dụ hẳn nhiều người chưa quên, liên quan đến đùi gà Hoa Kỳ nhập vào Việt Nam trong năm 2015 có giá bán thấp hơn giá bán tại các siêu thị Hoa Kỳ. Thời điểm đó, hàng tuần Cục Quản lý cạnh tranh đều có họp với các bên liên quan về đùi gà Hoa Kỳ, như làm việc với Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, các chủ trang trại lớn, và các DN lớn trong ngành như CP… Thực tế, điều kiện cần để thực hiện vụ kiện đã có nhưng phải có điều kiện đủ là đại diện ngành sản xuất trong nước - tức các DN, hộ chăn nuôi phải chiếm ít nhất 25% sản lượng sản xuất nội địa và đứng ra thực hiện vụ kiện. Song trong số 3 công ty FDI (lúc đó đang chiếm đến 75% ngành sản xuất nội địa Việt Nam), chỉ có 1 công ty muốn đứng ra kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện 25%.

 Trong khi đó, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết sẵn sàng giúp các hộ chăn nuôi trong việc khởi kiện, nhưng sau khi làm việc với các công ty trong ngành, Hiệp hội Chăn nuôi quyết định chưa tham gia vụ kiện. Do đó, dù đủ điều kiện khởi kiện, nhưng không có đại diện sản xuất trong nước đứng ra kiện nên vụ kiện không thể được tiến hành để áp thuế PVTM.

Lâu nay tính liên kết giữa các DN Việt Nam vẫn còn yếu, nhất là khi phải dùng đến một khoản kinh phí lớn để tham gia các vụ kiện PVTM. Nhưng, nếu các DN không chuyển mình, khoảng 2-3 năm nữa sẽ chịu áp lực rất lớn. Lúc này vai trò của các hiệp hội trong việc tập hợp DN là rất quan trọng, nhưng đáng tiếc vẫn còn quá ít hiệp hội làm tốt vai trò này.

Các tin khác