Trái phiếu chính phủ đang kéo lãi suất

(ĐTTCO) - Việc tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP) so với nguồn vốn ngắn hạn của các NH được dự báo sẽ tạo thêm nguồn cầu mới đối với kênh tài chính này. Tuy nhiên, dòng tiền đổ mạnh vào đây cũng dấy lên lo ngại, vì tình hình tín dụng NH vào khu vực sản xuất sẽ gặp khó khăn bởi vẫn còn bộ phận doanh nghiệp trả lãi suất cao hoặc chưa vay được vốn.

(ĐTTCO) - Việc tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP) so với nguồn vốn ngắn hạn của các NH được dự báo sẽ tạo thêm nguồn cầu mới đối với kênh tài chính này. Tuy nhiên, dòng tiền đổ mạnh vào đây cũng dấy lên lo ngại, vì tình hình tín dụng NH vào khu vực sản xuất sẽ gặp khó khăn bởi vẫn còn bộ phận doanh nghiệp trả lãi suất cao hoặc chưa vay được vốn.

Thanh khoản dồi dào

Trong 5 tháng đầu năm, kho bạc nhà nước (KBNN) hoàn thành 67% kế hoạch phát hành TPCP cả năm, tương đương 146.905 tỷ đồng. Tình hình phát hành TPCP diễn biến thuận lợi trong thời gian qua với nhiều phiên thành công 100% ở nhiều kỳ hạn, dự báo kế hoạch huy động 220.000 tỷ đồng TPCP năm 2016 sẽ sớm về đích. Hiện nay, trái phiếu kỳ hạn 5 năm đã được phát hành vượt mức kế hoạch đề ra 100.000 tỷ đồng, dù vậy nhu cầu thị trường đối với trái phiếu loại kỳ hạn này vẫn rất lớn.  

Chính phủ cần phải cân đối ngân sách đang bị hụt thu lớn. Điều này khiến Chính phủ phải phát hành trái phiếu và muốn phát hành thành công lãi suất phải cao. Nhưng nếu lãi suất TPCP cao, lãi suất trên thị trường 1 và thị trường 2 khó có thể hạ thấp, vì TPCP có mức rủi ro gần bằng 0 nhưng lãi suất đã từ 5%/năm trở lên.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Trung tuần tháng 6-2016, lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm ở mức 6,07%/năm, kỳ hạn 10 năm 6,94%/năm. Ngoài KBNN, NH Chính sách xã hội (VBSP) và NH Phát triển Việt Nam (VDB) tổ chức gọi thầu trái phiếu lần đầu tiên trong năm 2016 với mức trúng thầu 100%, tổng giá trị 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Với sự tham gia tiếp tục của VDB và VBSP, nhà đầu tư sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn trong những phiên đấu thầu thời gian tới. Trên thị trường sơ cấp, các NHTM và các tổ chức tài chính là đối tượng nhà đầu tư chủ yếu tham gia mua TPCP.

 Thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng được cải thiện đáng kể. Từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân ngày đạt mức 3.500-5.000 tỷ đồng, có những tuần giá trị giao dịch lên gần 6.500 tỷ đồng/ngày. Nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia tích cực thị trường này khi liên tục mua ròng, riêng tuần giữa tháng 6-2016 mua ròng 1.509 tỷ đồng, trong đó có 2.467 tỷ đồng được mua vào và 958 tỷ đồng bị bán ra. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất trái phiếu trên thị trường này cũng được duy trì ở mức tăng nhẹ, lợi suất các kỳ hạn 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm lần lượt đạt 5,397%, 6,133%, 6,8%, 7,033% và 7,65%/năm.

Trước đây, Bộ Tài chính quan ngại về việc khối ngoại sẽ hạn chế mua TPCP, nhưng Thông tư 06 được ban hành đã thay đổi tình hình khi tỷ lệ mua, đầu tư TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn áp dụng cho một số NH tăng lên. Động thái này vừa hạ nhiệt lợi suất TPCP, vừa tạo nguồn cầu mới đúng vào lúc Chính phủ muốn huy động thêm vốn dài hạn thông qua phát hành trái phiếu. Theo TS. Cấn Văn Lực, chính Thông tư 06 sẽ tạo điều kiện cho hệ thống NH có vốn nhàn rỗi được phép đầu tư vào trái phiếu, đặc biệt các NH nước ngoài, qua đó khả năng phát hành TPCP cũng sẽ thành công cao hơn và lãi suất cũng không bị đẩy cao.

Áp lực giảm lãi suất

Dù là tín hiệu tích cực trong bối cảnh thu ngân sách không đạt như mục tiêu, nhưng việc dòng tiền chảy nhiều vào kênh TPCP cũng khiến nhiều lo ngại. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tại thời điểm cuối tháng 5-2016, giá trị lưu hành của TPCP đạt 675.125 tỷ đồng, chiếm 81,3% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành. Trước việc huy động TPCP tăng trưởng tích cực với lợi suất duy trì mức cao 6-7%/năm, kế hoạch giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp sẽ trở nên khó khăn hơn.

Giao dịch tại ACB. Ảnh: LONG THANH

Giao dịch tại ACB. Ảnh: LONG THANH

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), lãi suất cho vay bình quân giảm 0,08% trong tháng 5-2016, từ 9,35%/năm trong tháng 4 xuống còn 9,27%/năm. Chủ tịch HĐQT của một công ty chế biến thủy sản cho rằng mức lãi suất vay ngắn hạn 9%/năm doanh nghiệp ông đang trả vẫn còn cao, khiến sức cạnh tranh giảm. Trong khi đó, khó khăn của NH hiện nay là việc duyệt vốn giải ngân phải chọn lựa khách hàng. Một phó tổng giám đốc NH chia sẻ, đối với những khoản vay thế chấp cần rất nhiều thời gian để đánh giá, trong khi đó có nhiều doanh nghiệp không có phương án kinh doanh hiệu quả nên NH rất khó giải ngân. Theo ông, cái khó của NH là muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhưng phải xét duyệt kỹ để tránh xảy ra nợ xấu. Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đạt 5,48% được đánh giá là khả quan, nhưng nhiều nhận định cho vay khách hàng cá nhân, cụ thể là cho vay tiêu dùng và thế chấp mua nhà đang tiếp tục là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

 Mới đây, NHNN yêu cầu các NH, TCTD phải xây dựng kế hoạch và các giải pháp để giảm lãi suất cho vay VNĐ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng lãi suất huy động tại các TCTD đang tăng ở tất cả kỳ hạn, khiến việc ổn định lãi suất vay như năm 2015 còn khó khăn, chưa nói tới việc giảm. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều chuyên gia cũng nhận định thâm hụt ngân sách đang ở mức cao, Nhà nước sẽ phải đi vay bằng TPCP. Một khi dòng vốn còn chảy vào TPCP, ắt hẳn sẽ gây áp lực lên lãi suất.

Các tin khác