Thay đổi để hạn chế rủi ro

(ĐTTCO) - Thị trường xuất khẩu nội khối TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) rất lớn, ngay cả khi hiệp định chưa có hiệu lực, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và 11 nước thành viên những năm qua không ngừng tăng lên, từ 4 tỷ USD năm 2009 lên 26 tỷ USD năm 2014. TS. LÊ XUÂN SANG, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã trao đổi với ĐTTC về cơ hội và thách thức đối với DN trong nước khi TPP có hiệu lực.

(ĐTTCO) - Thị trường xuất khẩu nội khối TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) rất lớn, ngay cả khi hiệp định chưa có hiệu lực, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và 11 nước thành viên những năm qua không ngừng tăng lên, từ 4 tỷ USD năm 2009 lên 26 tỷ USD năm 2014. TS. LÊ XUÂN SANG, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã trao đổi với ĐTTC về cơ hội và thách thức đối với DN trong nước khi TPP có hiệu lực.

PHÓNG VIÊN: - TPP dự kiến có hiệu lực vào năm 2018. Cơ hội xuất khẩu hàng hóa nội khối TPP của DN Việt Nam được dự báo rất rộng mở. Vậy đâu là những thị trường ngay từ bây giờ DN cần chuẩn bị để tận dụng tối đa cơ hội đẩy mạnh xuất  khẩu hàng hóa?

TS. LÊ XUÂN SANG: - Trong TPP, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất và khá ổn định của Việt Nam. Năm 2015 xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20%, sang Nhật Bản chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu từ 2 quốc gia này chiếm tỷ lệ lần lượt 10% và 4% kim ngạch nhập khẩu.

Việt Nam luôn xuất siêu sang Hoa Kỳ, giá trị xuất khẩu ngày càng tăng. Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, là nhân tố quan trọng giúp giảm nhẹ nhập siêu. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ trong giai đoạn 2001-2014 tăng mạnh, dệt may tăng 3 lần, giày dép tăng 5 lần, đồ gỗ tăng hơn 2 lần. Gần đây Việt Nam còn xuất khẩu hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện sang thị trường Hoa Kỳ. Sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng trưởng bền vững nhất là đồ gỗ do không vấp phải rào cản kỹ thuật như các vụ kiện chống bán phá giá, không bị các nhóm lợi ích từ ngành hàng ngáng cản.

Các nhóm ngành hàng dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ… có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rất lớn khi các thị trường hàng đầu như Hoa Kỳ xóa bỏ ngay 55,4% số dòng thuế với sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Theo đó, khoảng 97,7% kim ngạch hàng hóa gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, điều, rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ được hưởng ưu đãi thuế 0,95 tỷ USD/năm. Trong lĩnh vực công nghiệp, trừ dệt may, Hoa Kỳ xóa bỏ ngay 85,6% số dòng thuế với các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam. Điều này đồng nghĩa khoảng 74,2% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp Việt Nam sang Hoa Kỳ được hưởng ưu đãi thuế 6 tỷ USD/năm. Riêng dệt may có 73,1% dòng thuế (1.182 dòng thuế), chiếm 46,1% kim ngạch xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế ngay khi TPP có hiệu lực, tương đương với các ưu đãi thuế 3,5 tỷ USD/năm.

Đối với thị trường Nhật Bản, dù đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong TPP, nhưng những năm qua Việt Nam vẫn xuất siêu sang Nhật Bản. Các mặt hàng xuất khẩu ổn định lớn nhất là dệt may, hải sản, đồ gỗ… Đặc biệt, ngay khi TPP có hiệu lực, Nhật Bản sẽ xóa bỏ 86% dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế với giá trị tuyệt đối lên tới 10,5 tỷ USD/năm. Nhờ tham gia TPP, nhiều mặt hàng ưu tiên của Việt Nam có lộ trình cắt, giảm thuế ngắn hơn rất nhiều so với cam kết trong JVFTA. Trong đó hầu hết mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế quan ưu đãi 0% ngay khi TPP có hiệu lực.

- Hai nhóm ngành hàng dệt may, giày dép được coi là thế mạnh của Việt Nam trong TPP, nhưng thời gian qua đã có những lo ngại về xuất xứ của các nhóm ngành hàng này?

- Để đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ nói chung rất khó. Nhưng với DN và nhóm ngành cụ thể lại phụ thuộc vào mặt hàng DN xuất khẩu có nằm trong danh mục nguồn cung thiếu hụt trong TPP hay không. Nếu mặt hàng thuộc danh mục này, DN có thể nhập khẩu từ bên ngoài khối TPP vẫn được hưởng ưu đãi thuế bằng 0%. Danh mục nguồn cung thiếu hụt với Việt Nam trong TPP có 198 mặt hàng, trong đó 190 mặt hàng được đưa vào danh mục vĩnh viễn, nên DN có thể nhập khẩu từ bất cứ quốc gia nào ngoài TPP.

Đồ gỗ xuất khẩu được hưởng lợi khi tham gia TPP.

Đồ gỗ xuất khẩu được hưởng lợi khi tham gia TPP.

8 mặt hàng còn lại chỉ được ưu đãi trong 5 năm đầu khi TPP có hiệu lực. Nhưng con số 198 mặt hàng trên rất nhỏ so với hàng trăm ngàn mặt hàng xuất khẩu hiện nay. Tuy nhiên, đón đầu cơ hội từ TPP, thời gian qua nhiều DN Hoa Kỳ, Đài Loan, Hồng Công, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ dệt may, giày dép. Điều này cũng tạo cơ hội để DN trong nước dễ dàng tiếp cận nguồn nguyên phụ liệu cho dệt may, giày dép ngay tại Việt Nam. Nếu DN trong nước không tự sản xuất được có thể mua lại nguyên phụ liệu của DN FDI và vẫn được hưởng thuế ưu đãi trong TPP.

- Theo ông, DN trong nước cần làm gì để tận dụng được cơ hội to lớn TPP mang lại?

- Để tận dụng các cơ hội từ tự do hóa thương mại cần đẩy mạnh cải cách quản trị DN, phải “lột xác” coi các thách thức về xuất xứ, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa trong TPP là cơ hội để DN hoàn thiện hơn. Có chiến lược phát triển thương hiệu, chủ động đăng ký và quản trị nhãn hiệu sản phẩm để được bảo hộ về pháp lý. Bên cạnh đó DN cần kết hợp tri thức địa phương và tầm nhìn toàn cầu để tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu nhằm bắt kịp các xu hướng sản xuất, quản lý, công nghệ và không ngừng nỗ lực để cải thiện vị trí trong các chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu; nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong các khâu thiết kế, chế tạo, gia công, phân phối, hỗ trợ phát triển nghiên cứu và đào tạo... Bản thân từng DN phải định hướng chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh giá rẻ sang chiến lược cạnh tranh bằng sự khác biệt sản phẩm, gắn với tiêu chuẩn cao, mẫu mã đẹp. Từng DN cần xác định rõ lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh động của mình đang và sẽ đầu tư và tìm hiểu kỹ các đối thủ tiềm năng trong TPP...

Với trình độ phát triển thấp nhất trong nội khối TPP, thách thức với Việt Nam rất nhiều. Nhưng TPP hơn hẳn các hiệp định thương mại tự do khác nhờ những điều khoản, cam kết công khai, minh bạch và dân chủ hơn. Điều này đã mở ra cơ hội và hạn chế rủi ro cho DN trong nước khi xuất khẩu trong nội khối TPP.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác