Startup từ ghế nhà trường

(ĐTTCO) - Trong số báo ra ngày 13-6-2016, ĐTTC có bài viết “Vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp - Xây dựng quỹ đầu tư startup”.

(ĐTTCO) - Trong số báo ra ngày 13-6-2016, ĐTTC có bài viết “Vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp - Xây dựng quỹ đầu tư startup”.

Tôi rất tâm đắc bài viết này, đồng thời cho rằng sẽ rất lý tưởng nếu những nhà khởi nghiệp tương lai ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường được trang bị những kỹ năng liên quan đến công nghệ, giao tiếp xã hội và tác phong làm việc nhóm cùng một nền tảng kiến thức vững vàng. Chẳng hạn, hồi tháng 2 năm nay, miền Bắc xảy ra đợt rét hại, chúng tôi đã tìm cách kết nối trực tuyến được với một trường học ở tỉnh Sơn La. 30 em lớp trưởng các lớp đã được trò chuyện trực tiếp với giáo viên và học sinh ở vùng cao Tây Bắc để hiểu về những gian truân các thầy cô, bạn mình đang phải chịu. Ngay sau đó, 30 lớp trưởng này về lớp tổ chức quyên góp tiền ủng hộ và chỉ trong 1 ngày đã được số tiền 10 triệu đồng khiến chúng tôi rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi đây là hoạt động tự nguyện ban cán sự lớp đứng ra tổ chức và số tiền quyên góp không hề ít đối với học sinh. Qua đây, các em học được cách tổ chức, kể những câu chuyện, đưa những hình ảnh trực quan, gây quỹ, tôi nghĩ đây là những kỹ năng rất quan trọng khi startup.

Hay để giảng dạy môn địa lý, chúng tôi tổ chức chương trình kết nối trực truyến toàn cầu “Skype a Thon” với 1 chương ngẫu nhiên trên thế giới. Khi đó, học sinh ở 2 đầu cầu sẽ tự giới thiệu về nhau, về trường học, đất nước và những đặc điểm văn hóa, xã hội đặc trưng nhất, đồng thời giao lưu với nhau bằng những câu hỏi đơn giản nhất. Để buổi kết nối này phát huy hiệu quả cao nhất, học sinh phải chuẩn bị những kiến thức về lịch sử, địa lý. Nhưng cái được ở đây là học sinh sẽ tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, khi nói trước đám đông và tự chủ về suy nghĩ của mình. Đây cũng là những tố chất quan trọng nhà quản lý cần có. Mặt khác, tôi cũng nhận thấy để startup phải có đam mê, mà muốn đam mê phải hiểu rõ các ngành nghề, rồi lựa chọn, yêu thích. Chính vì vậy, bằng nhiều mối quan hệ, chúng tôi cố gắng mời các chuyên gia về hướng nghiệp, đặc biệt chuyên gia đến từ tập đoàn công nghệ nước ngoài đến giao lưu với học sinh trường Đức Trí. Nhiều học sinh sau những buổi trò chuyện với chuyên gia, ngoài việc củng cố được vốn tiếng Anh, đã khám phá được những đam mê của bản thân về nghề nghiệp sau này, như thích làm kỹ sư lập trình, làm doanh nhân, bác sĩ… Nhưng quan trọng là các em có định hướng rõ ràng hơn cho bản thân.

Thực ra, việc ứng dụng công nghệ trong xây dựng giáo án ban đầu không hề dễ dàng, giáo viên phải tìm kiếm các hình ảnh, mô hình, số liệu sao cho thật sinh động, tốn rất nhiều công sức, thời gian. Mặt khác, để dung hòa giữa giảng dạy thực tế với việc đảm bảo lượng kiến thức để thi cử thật tốt cũng không dễ dàng. Thậm chí, trong những cuộc thi nội bộ, dù rất bận rộn nhưng ban giám hiệu cũng tham gia thi với giáo viên để kích thích sự sáng tạo toàn diện. Nói tóm lại, muốn dạy cho học sinh có tư duy về startup giáo viên phải startup trước để làm gương. Đức Trí là trường công lập đầu tiên tại TPHCM ứng dụng tiện ích Office 365 trong quản lý và giảng dạy. Hiện tại, tôi thường xuyên đi chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ vào quản lý, giảng dạy tại nhiều trường ở TPHCM và điều tôi tâm huyết nhất là sẽ tạo ra một hệ sinh thái về các phương pháp giảng dạy sáng tạo. Xa hơn nữa, tôi cũng kỳ vọng những dự án, sáng tạo, sáng kiến giảng dạy mang tính đột phá sẽ được xã hội quan tâm, nhận được những nguồn vốn đầu tư liên tục, qua đó đẩy mạnh phong trào startup phát xuất từ ngành giáo dục.

Tóm lại, nếu Nhà nước đóng vai trò ươm tạo cho startup, nhà trường là nơi phát xuất những hạt giống khởi nghiệp. Nói cách khác, ngành giáo dục đóng vai trò rất quan trọng để xây dựng một nền tảng startup trong dài hạn. Bởi lẽ quyết đoán, sáng tạo, có tầm nhìn là những tiêu chí quan trọng để startup. Nhưng startup cũng đi kèm nhiều rủi ro và muốn hạn chế, những người khởi nghiệp phải có kiến thức cơ bản về vấn đề này để biết mình cần làm gì và làm như thế nào, thay vì để thất bại rồi mới nghiệm ra vấn đề.

(Trường THCS Đức Trí, quận 1, TPHCM)

Các tin khác