Sớm mở cửa cho nhà đầu tư ngoại

(ĐTTCO) - Từ khi VAMC tiến hành mua khoản nợ đầu tiên đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đến tìm hiểu và muốn mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, vướng mắc về luật cũng như thiếu thị trường mua bán nợ, nên gần 3 năm nay chưa có khoản nợ xấu nào được bán lại cho NĐTNN.

(ĐTTCO) - Từ khi VAMC tiến hành mua khoản nợ đầu tiên đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đến tìm hiểu và muốn mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, vướng mắc về luật cũng như thiếu thị trường mua bán nợ, nên gần 3 năm nay chưa có khoản nợ xấu nào được bán lại cho NĐTNN.

Nhiều đối tác ngoại dạm hỏi

Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, ông Takehiko Nakao, Chủ tịch NH Phát triển châu Á (ADB), cho biết ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Chính phủ Việt Nam thông qua các khoản cho vay Chính phủ trị giá khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, đồng thời tăng cường cho vay và đầu tư cổ phần trong khu vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. ADB cũng đang cân nhắc chương trình cho vay hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống NH Việt Nam. Đối với vấn đề nợ xấu, ông Tekehiko Nakao cho rằng ADB có thể mua cổ phần của NH để bơm thêm tiền vào NH có nợ xấu cao. Trước khi ADB đặt vấn đề này cũng đã có khoảng 50-60 tổ chức quốc tế đến tìm hiểu thực tế hoạt động của VAMC về khuôn khổ pháp lý trong việc triển khai xử lý nợ, bán các khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, trong đó có một số tổ chức tài chính lớn như Blackstone đề đạt mong muốn mua những món nợ xấu trên 1 tỷ USD. 

Cơ hội tăng trưởng đối với lĩnh vực tài chính - NH tại Việt Nam được các tập đoàn tài chính nước ngoài đánh giá cao và xem đây là cơ hội để rót vốn đầu tư. Ngay cả trong giai đoạn tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của hệ thống NH Việt Nam, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn không ngừng tìm đường vào NH nội. Nợ xấu của ngành NH Việt Nam được NĐTNN rất quan tâm và quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu chính là cơ hội tốt để NĐT ngoại đầu tư vốn mua lại NH Việt.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital

Khi VAMC mới thành lập, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh lúc bấy giờ, cho rằng thách thức lớn nhất của VAMC là khách hàng mua lại nợ xấu từ VAMC là những ai. Theo ông Nghĩa, trong xử lý nợ xấu sẽ phải trông cậy nhiều vào NĐTNN để giải quyết nhanh hơn. TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng nhận định vì xử lý nợ xấu đã xác định không dùng ngân sách nhà nước, nên để NĐTNN tham gia là lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, đã có rất nhiều NĐTNN tìm đến nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có thương vụ mua nợ xấu nào của VAMC từ khách hàng ngoại được thực hiện. Tham gia quá trình xử lý nợ xấu ở 600 NH tại nhiều nước khác nhau với số vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ USD, nhưng đại diện IFC nhận định dù quan tâm và muốn tham gia xử lý nợ xấu tại Việt Nam nhưng môi trường pháp lý đã “đánh bật” quyết định đầu tư vào các danh mục nợ xấu. Đơn cử, khi nhà đầu tư không rõ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu sau khi được mua lại sẽ chuyển giao như thế nào; đa số tài sản đảm bảo nợ xấu là bất động sản, trong khi luật pháp quy định người nước ngoài không được sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Muốn mua lại nợ xấu, nhà đầu tư ngoại phải có tư cách pháp nhân để quản lý tín dụng tại Việt Nam. Và nếu họ mua lại tài sản đảm bảo là nhà đất vẫn phải theo đúng luật sở hữu địa ốc cho tổ chức nước ngoài, điểm này đã hạn chế sự hợp tác nội-ngoại trong quá trình xử lý nợ xấu.

Vướng mắc cần sớm tháo gỡ

Năm 1998, tổng nợ xấu của các tổ chức tài chính tại của Hàn Quốc đạt mức 118.000 tỷ won, chiếm gần 18% tổng dư nợ. Thời điểm đó, Hàn Quốc phải phân loại nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế để xử lý nợ xấu bằng việc huy động nguồn vốn qua phát hành trái phiếu và qua Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc. Công ty này đã ưu tiên mua những khoản nợ xấu có thể chuyển giao quyền thu nợ dễ dàng, các khoản nợ có thể khôi phục được và các khoản vay đồng tài trợ. Sau đó các khoản nợ đã mua này được chia thành từng nhóm và phát hành chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản hoặc bán lại, thông qua đấu giá quốc tế. Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ việc này bằng việc ban hành Luật Chứng khoán hóa có tài sản đảm bảo. Điều này đã thu hút sự tham gia của nhà đầu tư ngoại vào quá trình xử lý nợ xấu và đến năm 2002, tỷ lệ nợ xấu của Hàn Quốc đã giảm về mức 3,9%.

Trong khi đó, ở Việt Nam vướng mắc pháp lý khiến việc xử lý nợ xấu chưa thể áp dụng như kinh nghiệm các nước. Năm 2013, nhằm tạo ra sức hấp dẫn cho NĐTNN tham gia mua bán nợ xấu cũng như tái cơ cấu những NHTM yếu kém, NHNN đã trình dự thảo sửa đổi Nghị định 69 và Chính phủ đã phê duyệt về việc cho phép NĐTNN mua đến 20% không cần phê duyệt của Chính phủ, thay vì chỉ được mua tối đa 15% vốn điều lệ, trong trường hợp thật cần thiết, thật đặc biệt cũng chỉ tối đa 20% và phải được NHNN xem xét chấp thuận. Dự thảo cũng quy định cho phép NĐTNN và các chi nhánh nắm tới hơn 30% cổ phần của NH Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt cần phải tái cấu trúc các TCTD yếu. Đầu năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2014 chính thức nới room khối ngoại tại các TCTD. Tuy nhiên, có vẻ tỷ lệ sở hữu cho NĐTNN tại Nghị định 01 vẫn chưa đủ mạnh để các tổ chức quốc tế tham gia sâu vào quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Đồng thời, việc thiếu thị trường mua bán nợ cũng là một rào cản lớn.

Ở các nước phát triển, thị trường mua bán nợ rất chuyên nghiệp và phân công chuyên sâu để đạt hiệu quả cao nhất. Tại NH đều có các bộ phận chuyên thẩm định, bộ phận chuyên đánh giá tài sản thế chấp, bộ phận chuyên về nợ, bộ phận chuyên xử lý nợ. Thị trường mua bán nợ ở các nước thực hiện 4 chức năng là tư vấn công nợ, thu nợ hộ, quản lý nợ hộ và mua nợ với sự tham gia của các công ty con của các NH. Trong khi đó, tại Việt Nam chưa có sự phân công chuyên biệt, chưa có sự gắn kết, thay vào đó một bộ phận chuyên trách nhiều công việc. Nợ xấu trở thành gánh nặng một phần do khủng hoảng nhưng một phần còn do chưa có tính chuyên nghiệp. Do thiếu thị trường mua bán nợ nên tài sản không được định giá hợp lý khiến nhiều khách hàng e ngại. Đối với việc xử lý nợ xấu, cơ quan quản lý  liên tục đốc thúc nhưng vẫn chưa có những giải pháp đủ liều lượng để tháo gỡ rào cản. Trong khi đó, các chuyên gia đang liên tục cảnh báo, nếu sau 5 năm không được xử lý, nợ xấu sẽ quay lại trên bảng cân đối tài sản của các nhà băng. Hiện nay ngoài khối nợ xấu đang nằm tại VAMC, nợ xấu vẫn đang phát sinh tại các NHTM. Tính đến cuối tháng 3-2016, nợ xấu đã tăng lên 2,62% so với con số 2,55% vào tháng 12-2015.

Các tin khác