Kiện chống bán phá giá: Khó vì thiếu liên kết

(ĐTTCO)-Tính đến nay Việt Nam mới chỉ có 7 vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu một phần do doanh nghiệp nội thiếu liên kết.

(ĐTTCO)-Tính đến nay Việt Nam mới chỉ có 7 vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu một phần do doanh nghiệp nội thiếu liên kết.

 

Tại hội thảo về phòng vệ thương mại do Cục Quản lý Cạnh tranh (QLCT - Bộ Công Thương) và Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO – TP HCM tổ chức ngày 21/6, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại, Cục QLCT cho biết, có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đã có đủ thông tin cần thiết để tiến hành vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) đối với hàng nhập khẩu, nhưng vụ kiện đã không được tiến hành. Lý do là vì các doanh nghiệp trong ngành không có cùng tiếng nói để đứng bên nhau trong vụ kiện.

Bà Giang đưa ra dẫn chứng: Vào năm 2015, có nhiều thông tin về việc đùi gà nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam có giá bán thấp hơn giá bán tại siêu thị Mỹ. Khi ấy, nhiều người cho rằng có dấu hiệu Mỹ bán phá giá đùi gà vào Việt Nam và Việt Nam có thể khởi kiện.

Trong thời gian đó, trung bình mỗi tuần Cục QLCT đều có họp với các bên liên quan về đùi gà Mỹ, như làm việc với Bộ Nông nghiệp, Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ, các chủ trang trại lớn và các doanh nghiệp lớn trong ngành… nhưng đến nay vẫn không có vụ kiện phòng vệ thương mại nào liên quan đến đùi gà nhập khẩu.

Tại sao vậy? Trên thực tế điều kiện cần để thực hiện vụ kiện đã có (lượng nhập khẩu đùi gà Mỹ tăng, và bán giá vào Việt Nam thấp hơn giá bán tại thị trường Mỹ), nhưng phải có điều kiện đủ là đại diện ngành sản xuất trong nước – tức các doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi phải chiếm ít nhất 25% sản lượng sản xuất nội địa và đứng ra thực hiện vụ kiện.

Tuy nhiên, trong số 3 công ty nước ngoài, lúc đó đang chiếm đến 75% ngành sản xuất nội địa Việt Nam, thì chỉ có 1 công ty muốn đứng ra kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện 25%. Hai công ty còn lại không muốn tham gia vụ kiện vì họ có chiến lược kinh doanh riêng và Việt Nam chỉ là một trong số các thị trường của họ. Ngoài ra, họ cũng không được công ty mẹ ở nước ngoài đồng ý để tham gia vụ kiện.

Bà Giang cho biết thêm, Cục QLCT cũng sẵn sàng giúp các hộ chăn nuôi trong việc khởi kiện này, nhưng sau khi hiệp hội chăn nuôi làm việc với các công ty trong ngành và quyết định chưa tham gia vụ kiện; do đó, dù đủ điều kiện để khởi kiện, nhưng không có đại diện sản xuất trong nước đứng ra kiện thì vụ kiện cũng không thể được tiến hành để áp thuế phòng vệ thương mại.

"Điều khó nhất không phải là chứng minh lượng hàng hoá nhập khẩu gia tăng mà là làm sao để những doanh nghiệp có cùng lợi ích đoàn kết, đứng bên nhau trong vụ kiện", bà Giang nói.

Cũng theo bà Giang, trong trường hợp thấy cần thiết, Bộ Công Thương vẫn có thể chủ động tiến hành điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chứ không cần đơn kiện từ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để áp thuế phòng vệ thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu, Bộ Công Thương phải chứng minh được thiệt hại trong nước, và thông tin thiệt hại này phải được thể hiện từ số liệu kinh doanh thực tế của ít nhất 50% doanh nghiệp, các trang trại, hộ sản xuất mặt hàng này trong nước. Điều này có nghĩa là, Bộ Công Thương vẫn cần có sự hợp tác của doanh nghiệp trong nước.

Do đó, theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục QLCT, vai trò của các hiệp hội rất quan trọng trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, vì hiệp hội có thể thuê một luật sư chung, có chiến lược chung cho toàn ngành và bảo vệ lợi ích cho tất cả những doanh nghiệp có cùng lợi ích.

Ngoài ra, theo ông Tô Thái Ninh, Phó trưởng phòng điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại (Cục QLCT), cho đến nay Việt Nam đã tiến hành bảy vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó có đến năm vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ, và chỉ có hai vụ kiện áp dụng biện pháp CBPG.

Ông Ninh cho biết, vụ kiện áp dụng biện pháp CBPG đòi hỏi việc tính toán, thu thập số liệu phức tạp, như giá nhập khẩu vào Việt Nam và giá doanh nghiệp nước ngoài bán tại thị trường của họ. Trong khi đó, với vụ kiện tự vệ, doanh nghiệp chỉ đơn thuần chứng minh có gia tăng hàng hoá nhập khẩu và doanh nghiệp có gặp khó khăn, như sản lượng, lợi nhuận, thị phần sụt giảm, tồn kho tăng…

Thông thường các mức thuế áp dụng biện pháp tự vệ thường thấp, và thời gian áp dụng tối đa là 10 năm. Trong khi đó, biện pháp CBPG không bị giới hạn thời gian áp dụng, miễn doanh nghiệp trong nước chứng minh được hàng hoá nhập khẩu được bán phá giá. Chẳng hạn như, từ những năm 1970 đến nay, Mỹ vẫn còn duy trì biện pháp CBPG với thép của Nhật Bản.

Vào năm 2013, Việt Nam đã áp dụng thuế tự vệ 5% đối với dầu thực vật nhập khẩu. Mức thuế này khá thấp, áp dụng trong 4 năm và giảm dần đều trong 4 năm này, nên hiệu quả bảo vệ sản xuất trong nước không cao.

Các tin khác