Khơi thông vốn hỗ trợ doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động của các TCTD và Thông tư 07 về cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sau khi ban hành, đã tác động nhanh đến thị trường, thể hiện qua việc lãi suất huy động kỳ hạn dài tại nhiều NH được điều chỉnh giảm và tín dụng tăng trưởng đã có chuyển biến tích cực.

(ĐTTCO) - Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động của các TCTD và Thông tư 07 về cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sau khi ban hành, đã tác động nhanh đến thị trường, thể hiện qua việc lãi suất huy động kỳ hạn dài tại nhiều NH được điều chỉnh giảm và tín dụng tăng trưởng đã có chuyển biến tích cực.

Lãi suất chuyển động

Vào tháng 4, TPBank thu hút sự chú ý của thị trường khi đưa ra mức lãi suất tiết kiệm 8,4%/năm dành cho kỳ hạn 36 tháng, áp dụng cho khách hàng tham gia gói tiết kiệm Tài Lộc. Tuy nhiên, theo ghi nhận của ĐTTC, ngày 16-6, TPBank đã điều chỉnh kỳ hạn và lãi suất của gói tiết kiệm này. Cụ thể, NH bỏ kỳ hạn 36 tháng và áp dụng kỳ hạn 37 tháng với lãi suất chỉ 7,9%/năm. Đây là mức lãi suất cao nhất trên biểu lãi suất của TPBank tại thời điểm này.  

Các chính sách mới ban hành nhằm gỡ khó cho DN, khơi thông cung cầu vốn hỗ trợ DN trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, NHNN vẫn tăng cường kiểm soát rủi ro tín dụng để bảo đảm an toàn hệ thống. Với đà tăng trưởng này, khả năng tín dụng đạt mục tiêu tăng trưởng 18-20% trong năm 2016 hoàn toàn khả thi.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN

Lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của TPBank cũng rời khỏi trần 5,5%/năm, theo đó lãi suất kỳ hạn 1 tháng 5%/năm, 2 tháng 5,1%/năm, 3 tháng 5,2%/năm. Lãi suất tiết kiệm trực tuyến được cộng thêm 0,05% so với lãi suất tiết kiệm thông thường (hiện lãi suất tiết kiệm thông thường kỳ hạn 36 tháng ở mức 7,6%/năm, thấp hơn đáng kể so với mức 8%/năm được áp dụng trước đó). Tại OCB, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn cũng được điều chỉnh giảm 0,1%, lãi suất kỳ hạn 3, 4 và 5 tháng 5,4%/năm. Ở kỳ hạn dài, lãi suất cũng được điều chỉnh giảm mạnh hơn, hiện lãi suất 12 tháng 7%/năm, 18 tháng 7,3%/năm, 24 tháng 7,5%/năm. Kỳ hạn 36 tháng có mức lãi suất cao nhất 7,7%/năm.

 Trước đó, ngày 11-5, ACB cũng điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng giảm 0,1%, từ mức 5,6% xuống 5,5%/năm. Kỳ hạn 36 tháng áp dụng lãi suất cao nhất của NH này là 6,8%/năm. Biểu lãi suất tiền gửi VNĐ cũng được Sacombank điều chỉnh vào ngày 17-5, giảm nhẹ ở một số kỳ hạn chủ chốt từ 0,05-0,1%. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,8% xuống 5,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,05% về mức 6,5%/năm và kỳ hạn 18 tháng giảm 0,1% về mức 6,55%/năm. Từ ngày 8-6 Eximbank áp dụng lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,5%/năm, kỳ hạn 3, 4 và 5 tháng ở mức 5%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 12-36 tháng 6,2-6,8%/năm. Trên biểu lãi suất mới, kỳ hạn 13 tháng áp dụng lãi suất cao nhất 7,5%/năm đối với tài khoản tiền gửi, tiết kiệm mở mới với mức gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Trường hợp tái tục tài khoản tiền gửi, tiết kiệm 13 tháng, lãi cuối kỳ nếu từ 500 tỷ đồng trở lên mới được áp dụng lãi suất 7,5%/năm, còn nếu số dư tái tục dưới 500 tỷ đồng áp dụng mức lãi suất cuối kỳ đối với kỳ hạn 12 tháng là 6,2%/năm.

Gần đây ở một số kỳ hạn, các NH cũng có điều chỉnh tăng như Eximbank tăng 0,1% lãi suất đối với kỳ hạn 7, 15 và 18 tháng; VIB tăng 0,15% đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng từ mức 4,75%/năm lên 4,9%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng mức tăng này chỉ nhằm để cơ cấu lại nguồn vốn huy động, còn trên mặt bằng chung, lãi suất đã hạ nhiệt so với tháng 4.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tín dụng phục hồi

Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 10-6, tăng trưởng tín dụng đạt đạt 5,48%, tăng 17,59% so với cuối tháng 5. Các chuyên gia ước tính, từ đầu năm đến nay, dư nợ cho vay VNĐ tăng khoảng 6,75% và cho vay ngoại tệ giảm 5,96%. Nguyên nhân do Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định từ 31-3 các NHTM chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ, chuyển sang mua bán USD đối với DN xuất khẩu có nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước. Sau khi Thông tư 24 có hiệu lực, các DN chuyển sang vay VNĐ, dẫn đến nhu cầu vốn bằng VNĐ gia tăng, đã gây áp lực lên lãi suất huy động, thể hiện qua việc giá vốn đầu vào liên tục tăng lên. Tuy nhiên, sau khi NHNN công bố mở lại cho vay ngoại tệ từ ngày 1-6, lãi suất tiền gửi đã được nhiều NH điều chỉnh hạ, kéo áp lực cho vay VNĐ giảm. Theo lãnh đạo một NHTMCP, sau khi NHNN ban hành Thông tư 06, áp lực huy động vốn dài hạn của các NH cũng giảm xuống, do đó một số NH cũng điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn dài để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN. Đồng thời, hiện nay tăng trưởng huy động của toàn hệ thống đã đạt 7,01%, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Cung tiền M2 cũng tăng 6,75% so với đầu năm, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Với tăng trưởng huy động và M2 cao hơn so với tăng trưởng tín dụng, áp lực nguồn vốn huy động của các NH hiện tại không quá cao. Đây cũng là một trong những điều kiện để NH hạ lãi suất đầu vào.

Mới đây, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay bằng VNĐ. Đây được xem là động thái nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh như NHNN đã hứa. Trên thực tế, sau khi NHNN ban hành Thông tư 06 và Thông tư 07, tín dụng đã tăng mạnh trở lại sau giai đoạn tăng trưởng chậm. Một số dự báo cho rằng tín dụng trong quý III-2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan với mức tăng xấp xỉ 10-11%. Một báo cáo khảo sát thị trường vừa được công bố cũng cho biết, hiện lãi suất cho vay đã giảm so với tháng trước sau khi duy trì xu hướng tăng lên những tháng đầu năm. Đây là điều kiện khá thuận lợi đối với tăng trưởng tín dụng vào thời điểm hiện tại. Do đó, năm nay, nhiều NH lớn sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng chính thức, thậm chí vượt mức yêu cầu của NHNN.

Các tin khác