Giảm sở hữu nhà nước, nâng hệ số CAR

Sở hữu nhà nước quá cao

(ĐTTCO) - Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu BIDV công bố báo cáo yêu cầu tăng cường năng lực tài chính của các NHTM có vốn nhà nước cho mục tiêu phát triển kinh tế đất nước và đề xuất việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, tạo điều kiện để các NH tăng vốn nhằm nâng hệ số an toàn vốn (CAR) đáp ứng theo tiêu chuẩn Basel II.

Sở hữu nhà nước quá cao

Trung tâm nghiên cứu BIDV đề xuất Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa, về dài hạn cần giảm sở hữu tại các NHTM (hiện đang ở mức 65-95%) về mức tối đa 51% đến năm 2018. Trước đó, lãnh đạo VietinBank cũng đề xuất về dài hạn Chính phủ hạ tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức không thấp hơn 50% và bảo đảm quyền sở hữu chi phối của Nhà nước tại VietinBank, đồng thời muốn được nới room cho nhà đầu tư nước ngoài để tạo điều kiện thu hút thêm các nguồn lực.  

Chính phủ xác định lộ trình cho phép giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại các NHTM xuống 51%, để các NH chủ động có kế hoạch cũng như phát tín hiệu đối với thị trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu các TCTD.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank

Hiện nay, tại các nước đang phát triển, sở hữu nhà nước tại NH chỉ chiếm khoảng 45%, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này chỉ 25%. Ở nước ta hiện nay tỷ lệ vốn sở hữu của nhà nước tại Vietcombank lên đến 77,11%, tại BIDV 95,28%, tại Agribank 100% và VietinBank 64,46%. Trong năm 2016, Vietcombank dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. Nếu phương án phát hành này thành công, Vietcombank sẽ tăng vốn lên gần 40.000 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu nhà nước sẽ giảm xuống mức 70%.

 Các chuyên gia cho rằng, nếu tiếp tục giữ tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các NH ở mức cao sẽ dễ dẫn đến giảm phát triển tài chính, giảm cạnh tranh, hạn chế tiếp cận tín dụng, nguy cơ khủng hoảng cao, xung đột giữa lợi ích và động cơ. Báo cáo của BIDV cũng chỉ ra trong giai đoạn tái cơ cấu các TCTD 2011-2015, NHTM có vốn nhà nước vừa phải hoàn thành nhiệm vụ của bản thân, vừa tham gia định hướng, dẫn dắt thị trường, đi đầu trong thực hiện các biện pháp chính sách của Chính phủ, NHNN. Trong quá trình đó, năng lực tài chính của khối NHTM thể hiện qua hệ số CAR bị suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 tài sản có rủi ro của khối NHTM có vốn nhà nước tăng trung bình 19,4%/năm, cao hơn mức tăng 15,43%/năm của vốn tự có, dẫn đến CAR của khối giảm từ 10,8% năm 2011 xuống 9,4% hiện nay, gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NHNN, thấp hơn mức bình quân của ASEAN là 10,3%.

Tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước tại VietinBank lên đến 65,46%.

Tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước tại VietinBank lên đến 65,46%.

Khó phát triển lên tầm cao

Tại Nghị quyết 15, Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước căn cứ vào tiêu chí phân loại với vai trò phát triển cả ngành để xác định tỷ lệ duy trì nắm giữ vốn nhà nước, nhưng riêng các NHTM có vốn nhà nước phải duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước ở mức không thấp hơn 65% vốn điều lệ, trừ VietinBank. PGS.TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, cho rằng Chính phủ nên đặt ra lộ trình thoái vốn tại các NHTM ở mức tương tự các doanh nghiệp. Hiện các NHTM đang chịu áp lực tăng vốn để nâng CAR theo tiêu chuẩn Basel nhưng lại đang trong tình trạng nan giải. Trong giai đoạn 2013-2014, toàn bộ cổ tức phải nộp về ngân sách nhà nước, năm 2015 và 2016 là thời điểm thuận lợi để tăng vốn thông qua việc giảm chi trả cổ tức. Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới đây yêu cầu các NHTM phải trả cổ tức bằng tiền mặt. Dường như các NHTM có vốn nhà nước đang phải gánh thêm áp lực từ chính sách tài khóa.

Trong khi đó, các giải pháp khác như tăng vốn từ phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư hiện hữu, thu hút thêm nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không dễ dàng. Hầu hết nhà đầu tư đều đánh giá việc đầu tư vào các NHTM có vốn nhà nước khá rủi ro, do năng lực tài chính hạn chế và nguồn vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán chưa thực sự tốt. Ngay cả khi lựa chọn được nhà đầu tư để tăng vốn, các NHTM vẫn gặp nhiều rào cản. Nếu giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, các NHTM có điều kiện thu hút thêm vốn từ nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài, từ đó nâng cao năng lực tài chính và tranh thủ tiếp cận công nghệ hiện đại, trình độ quản trị tiên tiến của các nhà đầu tư nước ngoài.

Những năm gần đây, NHNN định hướng phấn đấu xây dựng được 1-2 NH có tầm cỡ khu vực để hội nhập. Theo đánh giá chung, hiện nay Vietcombank, VietinBank, BIDV đang có triển vọng trở thành NH mang tầm khu vực. Tuy nhiên, muốn phát triển lên tầm cao hơn, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các NH này cần phải giảm xuống để hút vốn tư nhân và nước ngoài nhằm tăng năng lực tài chính và công nghệ. Hiện các NH này đã niêm yết nhưng tỷ lệ cổ phiếu có khả năng giao dịch trên thị trường chứng khoán rất nhỏ so với vốn điều lệ. Theo TS. Trần Du Lịch, nên sớm giảm sở hữu tại những NHTM nhà nước đã cổ phần hóa xuống còn 65% và để lại thị trường 35%, tạo lực đẩy để phát triển trên thị trường chứng khoán để tiềm lực của các NH này có điều kiện phát triển mạnh hơn, khi đó khả năng trở thành NH tầm cỡ khu vực sẽ cao hơn.

Các tin khác