Thị trường nô lệ tình dục IS (K2): Mạng lưới ngầm

(ĐTTCO) - Có những mạng lưới ngầm được thành lập tại những khu vực do IS kiểm soát, với mục đích hỗ trợ những người bị IS bắt làm nô lệ trốn thoát. Nhiều nô lệ tình dục nữ đã được giải thoát nhờ những mạng lưới này, nhưng vấn đề cuộc sống của họ và con họ sau đó vẫn là dấu chấm hỏi.

(ĐTTCO) - Có những mạng lưới ngầm được thành lập tại những khu vực do IS kiểm soát, với mục đích hỗ trợ những người bị IS bắt làm nô lệ trốn thoát. Nhiều nô lệ tình dục nữ đã được giải thoát nhờ những mạng lưới này, nhưng vấn đề cuộc sống của họ và con họ sau đó vẫn là dấu chấm hỏi.

Lựa chọn khó khăn

Khi vợ của tên chiến binh phát hiện Khaula mang thai, bà đã nhanh chóng nổi cơn ghen và tìm cách đuổi cô ra khỏi nhà. Khi chồng đi vắng, bà đưa cho Khaula một chiếc điện thoại và Khaula đã gọi cho anh trai cô tại Dohuk. Anh trai cô cho cô địa chỉ của một người quen. Ngay lập tức, cô trốn khỏi nhà để đến chỗ người đó. Người quen của anh trai cô thuộc một mạng lưới giúp giải thoát phụ nữ bị bắt cóc và đưa vào lãnh thổ do người Kurd kiểm soát. Mạng lưới này được dẫn dắt bởi một người đàn ông Dohuk gọi là Abu Shuya. 

Trong số hơn 700 phụ nữ đến điều trị tại phòng khám của chúng tôi năm ngoái, 5% đã có thai trong thời gian bị giam cầm. Tất cả những người mang thai đều muốn được phá thai an toàn vì không muốn sinh con cho IS.

Bác sĩ Nezar Ismet Taib

Khaula phải chờ 40 ngày mới được Abu Shuya gửi người trợ giúp tới. Sau đó họ tìm cách trốn khỏi khu vực IS kiểm soát, họ chỉ di chuyển vào ban đêm, bò tới 5 giờ trên các ngọn núi. Người trợ giúp phải cõng Khaula ở đoạn cuối cùng để tới Peshmerga, vì chỉ mình anh biết nơi cài mìn. Khoảng 2.000 phụ nữ được cho là đã chạy trốn thành công từ khu vực IS kiểm soát. Liên hiệp quốc ước tính có khoảng 3.500 phụ nữ Yazidi vẫn đang sống trong cảnh nô lệ tại đó. Các nguồn khác ước tính con số lên tới 7.000.

 Dohuk, một thành phố nửa triệu dân nằm cách Mosul 75km, ở miền Bắc Kurdistan của Iraq, là nơi những người chạy trốn khỏi IS đi đến đầu tiên. Nó được bao quanh bởi những khu tị nạn bằng lều phủ đầy bụi và những dãy núi. Đây là nơi các phụ nữ mang thai đến và nơi diễn ra việc phá thai có với IS. Nó cũng là nơi bọn trẻ sống sót được đưa làm con nuôi. Khaula đoàn tụ với anh trai cô trong một trại ở Dohuk. Lúc đó, cô đã mang thai tháng thứ 6. Cô đã cố che giấu điều đó, nhưng không được. Một buổi tối, chú của cô nói riêng với cô: "Làm ơn, đừng sinh con cho IS". Cô quyết định phá thai và được một bác sĩ cho uống thuốc kích thích chuyển dạ. Chú của cô đã giết một con cừu hiến tế để chuộc tội, nhưng Khaula vẫn bị ám ảnh bởi tội lỗi.

Trẻ mồ côi vô danh

Nếu em bé của Khaula sống sót, nó có thể sẽ lớn lên trong sự chăm sóc của 2 người đàn ông ở nội ô Dohuk, những người đang cố gắng giúp đỡ các em bé IS và mẹ chúng. Một người là bác sĩ Nezar Ismet Taib, Giám đốc của Sở Y tế Dohuk, ông cũng có một phòng khám để cứu sống các phụ nữ bị bắt cóc. Người kia là Mohammed Hasan, một thẩm phán tòa án dân sự chuyên về con nuôi của trẻ mồ côi trong khu vực. Hasan giúp các em bé IS nhận cha mẹ người Kurd. Cả 2 đều nỗ lực để giúp các bi kịch bớt phần bi thảm.

Nhưng việc phá thai nhiều tháng tuổi hiện nay là bất hợp pháp ở vùng tự trị người Kurd tại Iraq. Điều này có nghĩa những phụ nữ mang thai nhiều tháng thường bị buộc phải sinh ra chúng. Nhóm của Taib có một nhà trẻ, giúp nuôi nấng các em bé cho tới khi chúng tìm được cha mẹ nuôi. Không có trại trẻ mồ côi ở Iraq, và Yazidi là xã hội bảo thủ. Vì vậy bác sĩ Taib phải đăng ký với tòa án như chúng là trẻ mồ côi vô danh. Mohamed Hasan làm việc tại tòa án dân sự Dohuk. Ông cố gắng mang các trẻ em IS đến với cha mẹ mới của chúng. Ông nhận các tờ khai từ phòng khám của Taib với thông tin về đứa trẻ và lưu ý: "Cha mẹ không rõ". Đó là một cách để bảo vệ danh tính của em bé và bà mẹ.

Ông cho biết mỗi đứa trẻ thường có tới 20 hồ sơ nhận con nuôi. “Trong xã hội người Kurd, có con là một điều rất quan trọng. Vì vậy chúng tôi có rất nhiều cha mẹ nuôi tiềm năng đang chờ đợi". Để được nhận con nuôi, các cặp vợ chồng phải giàu có và có thể đảm bảo rằng đứa bé sẽ được thừa hưởng ít nhất 1/3 tài sản của họ khi họ qua đời. Họ phải là những cặp đã kết hôn và sở hữu nhà. "Chúng tôi có thể chắc chắn rằng họ có thể cho đứa bé một tương lai tốt đẹp" - ông nói. Trong trường hợp bình thường, cha mẹ nuôi sẽ được cung cấp tất cả các thông tin về con em mình, Hasan nói, nhưng với con của IS thì ngoại lệ, vì như vậy sẽ chẳng ai nhận nuôi chúng. Ông nói sẽ tốt hơn cho đứa trẻ nếu nó không bao giờ biết được sự thật. Khi một đứa trẻ IS được nhận nuôi, tên của nó được đặt theo tên của cha mẹ mới và được ghi vào giấy đăng ký kết hôn của họ. Một khi được ghi tên ở đó, đứa trẻ chắc chắn là một phần của gia đình. Những người hàng xóm cũng không đặt câu hỏi, vì cấu trúc bộ lạc là cái khung của xã hội người Kurd. Nhờ đó, những vấn đề sỉ nhục đối với các em bé IS được loại bỏ.

Sajehdah và đứa bé bị cho là con của IS.

Sajehdah và đứa bé bị cho là con của IS.

Sự thật phũ phàng

Những đứa trẻ rơi vào vòng tay của bác sĩ Taib và thẩm phán Hasan là rất may mắn. Không phải tất cả phụ nữ đều đến các tổ chức hỗ trợ, và những phụ nữ như vậy thường tạo ra một câu chuyện để giải thích về con họ, nói rằng nó là kết quả của một mối quan hệ yêu thương với chồng họ. Đối với một số phụ nữ, đó là cách duy nhất họ có thể đối phó với sự thật. Sajedah, một phụ nữ Yazidi 18 tuổi đang sống trong một tòa nhà xây dở ở ngoại ô Dohuk, là một trong số đó. Bé Nura đang nằm trong một cái nôi bên cạnh cô. Đứa trẻ khoảng 5 tháng tuổi, ăn được ngủ được.

Những người hàng xóm nói họ chắc chắn rằng Nura là con của IS. Nhưng Sajedah lại nói khác. Cô được tự do 6 tháng nay. Trước đó, cô mang thai Nura sau 14 tháng bị giam cầm. Vào tháng thứ 9 của thai kỳ, cô đã trốn khỏi tay người chủ cuối cùng ở thành phố Tall Afar. Với sự giúp đỡ của một mạng lưới người Kurd bên trong khu vực IS kiểm soát, cô đã trốn khỏi “địa ngục trần gian”. Khi IS tấn công ngôi làng của cô, Tall Asser, vào tháng 8-2014, Sajedah và chồng cùng bị bắt cóc. Đàn ông và phụ nữ bị tách ra, nhưng sau đó Sajedah được trả lại cho chồng. Một số cựu tù nhân IS cho biết đó là quy tắc của IS. Chúng chở 2 vợ chồng từ nơi này đến nơi khác. Misban phải bốc vác hàng hóa lên xe tải trong khi Sajedah ở lại trong nhà.

"Như vậy được 1 năm. Và trong khoảng thời gian đó chúng tôi có Nura" - Sajedah nói. Sau khi một số gia đình trốn thoát, IS tách vợ chồng Sajedah ra. Sau 9 tháng bị giam cầm, Sajedah bị bán lần đầu tiên. "Tôi đã mang thai vào thời điểm đó, vào tháng thứ tư" - cô nói. Trước khi được tự do, cô bị bán qua tay 4 tên chiến binh IS. Sau khi được giải cứu, cô nhịn ăn 6 ngày để tạ ơn Thượng đế. Nura được sinh ra tại một bệnh viện ở Dohuk. "Tôi chắc chắn rằng Nura là con của chồng tôi. Vấn đề là không ai ngoài cha mẹ tôi tin tôi" - Sajedah nói.

Các tin khác