CNTT: Khoảng trống vốn đầu tư

(ĐTTCO) - Hiện tại, số lượng doanh nghiệp (DN) trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) niêm yết chỉ đếm trên đầu ngón tay và gần như chỉ có một DN lớn nhất là Tập đoàn FPT.

(ĐTTCO) - Hiện tại, số lượng doanh nghiệp (DN) trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) niêm yết chỉ đếm trên đầu ngón tay và gần như chỉ có một DN lớn nhất là Tập đoàn FPT.

Thiếu hàng hay thiếu tiền?

Nói gần như bởi FPT không chỉ có CNTT mà còn có cả viễn thông, bán lẻ, giáo dục… tức là một tập đoàn đa ngành với CNTT là cốt lõi. Thực tế đã từng có những tranh cãi về việc có phải FPT là DN thuộc ngành CNTT hay không, khi phân phối và bán lẻ thiết bị điện tử cũng chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn này. Một dẫn chứng khác cũng rất có sức nặng, đó là trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam của Forbes, FPT có 4 lần liên tiếp góp mặt nhưng cũng là công ty CNTT duy nhất.

Trên sàn CK, ngoài FPT những người có quan tâm còn biết đến CMG, ITD, HPT… tuy nhiên quy mô của những công ty này vẫn còn cách khá xa so với FPT. Dẫn chứng, kết thúc phiên giao dịch hôm qua 8-6, giá trị vốn hóa của ITD đạt gần 425 tỷ đồng, trong khi vốn hóa của FPT đạt gần 18.700 tỷ đồng, tức gấp 44 lần ITD. CMG có vốn điều lệ (VĐL) cao thứ nhì so với FPT nhưng cũng chỉ hơn 670 tỷ đồng, bằng khoảng 1/7 so với VĐL gần 4.600 tỷ đồng của FPT. Trong khi đó, HPT là CP giao dịch tại UPCoM 6 năm nay và trong khi nhiều CP của sàn này đang dậy sóng, HPT dậm chân tại chỗ với mức giá vỏn vẹn 7.000 đồng/CP, thậm chí trong 5 phiên gần nhất chỉ có 1 phiên CP này có giao dịch.

Nguyên nhân vì đâu? Do dòng tiền chưa tìm đến với CP CNTT (tiền) hay do nguồn cung CP quá ít (hàng) dẫn đến việc nhóm CP này thiếu hấp dẫn? Có lẽ cần xem xét trường hợp của ITD, CP có khả năng tăng giá tốt và bền bỉ nhất trong 2 năm vừa qua. Chỉ xét riêng từ đầu năm 2016 đến nay, ITD đã tăng giá gần gấp đôi khi từ 1.4 đã tiệm cận mốc 2.8. Không quá khó để lý giải nguyên nhân tăng giá của ITD đó là hoạt động kinh doanh có chiều hướng cải thiện, dẫn đến sự kỳ vọng của thị trường tăng cao.

Mới cách đây vài tuần, ITD công bố ký kết hợp đồng EPC có giá trị tạm tính 200 tỷ đồng về thiết kế, cung cấp và lắp đặt thiết bị để triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe cho Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên và dự kiến hoàn tất trong năm 2016. Ở đây, cũng cần nhắc đến việc CP ngành CNTT vốn dĩ có tính chất của CP “dot com”, tức thường tăng giá rất mạnh, thậm chí “không đỉnh” do kỳ vọng rất cao. Đó cũng là sức hấp dẫn mang tính chất đặc trưng của CP CNTT. Nói đến đây sẽ thấy rằng, mấu chốt khiến nhóm CP CNTT không tạo ra nhiều sức hút nằm ở sự đơn lẻ, rải rác và khoảng cách quá lớn giữa từng CP, dẫn đến việc thiếu đi dòng tiền đầu tư. Và không phải DN ngành CNTT nào cũng biết cách tạo ra sự khác biệt cho mình.

Đổi chiều nhưng không thể nhanh

“Đầu tư tuyển mộ đội ngũ bán hàng có thể giúp công ty bảo hiểm gia tăng doanh thu, đầu tư vào quỹ đất có thể giúp công ty bất động sản có nhiều lợi thế cạnh tranh. Nhưng đầu tư vào công ty CNTT đòi hỏi phải mất nhiều thời gian để có được lợi nhuận, vì đây là khoản đầu tư lâu dài, bắt đầu từ việc đào tạo con người, xây dựng hệ thống, tìm kiếm khách hàng” - ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT FPTSoftware, phân tích trong buổi giảng dạy tại Viện Quản trị kinh doanh FSB mới đây. Rõ ràng, đầu tư vào CNTT sẽ rất khó thấy được hiệu quả ngay lập tức. Và dường như, khi nói đến ngành CNTT của Việt Nam nhiều người sẽ nghĩ đến chuyện các DN chủ yếu thực hiện chức năng “gia công”, thay vì những dự án mang tính đột phá.

Tuy nhiên, ông Hoàng Nam Tiến đã cực lực phản bác điều này: “Chữ “gia công” có lẽ bắt nguồn từ “outsourcing”, nhưng theo quan điểm của tôi đây là sự phân công lao động mang tính quốc tế”. Chẳng hạn người Nhật Bản vẫn học về CNTT nhưng không học lập trình, tuy nhiên đây lại là đất nước xây dựng rất nhiều sản phẩm CNTT, phần mềm dẫn đến nhu cầu về việc viết các chương trình để chạy sản phẩm rất lớn và đây là cơ hội để Việt Nam tham gia thị trường CNTT Nhật Bản. Hoặc như dịch vụ call center (tổng đài chăm sóc khách hàng), các cuộc gọi cho các hãng của Hoa Kỳ lại chuyển về Ấn Độ hoặc Philippines. Và những dịch vụ này đều nằm trong tầm tay của các DN Việt Nam.

Dù không phải là tất cả, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy phần lớn các dự án khởi nghiệp (start up) đều thuộc ngành CNTT. Như vậy, muốn phát triển start up cũng cần có một ngành CNTT phát triển và đương nhiên muốn ngành CNTT phát triển sẽ cần vốn đầu tư. CNTT từ chỗ là một ngành nghề, ứng dụng để phục vụ các ngành khác hiện giờ đang có xu hướng trở thành một phương thức sản xuất riêng biệt để tạo ra được giá trị. Như phân tích của ông Hoàng Nam Tiến, khả năng tạo ra lợi nhuận một cách nhanh chóng của CNTT rất khó xảy ra, nên việc kỳ vọng dòng tiền đổ vào ngành này một cách ồ ạt giống như CK, bất động sản không dễ dàng. Và thực tế, cho dù nguồn vốn có sẵn sàng, quy mô của nhiều DN trong ngành chỉ ở mức trung bình trở xuống cũng khó lòng tải hết.

 Tuy nhiên, có thể kỳ vọng vào sự khởi sắc mới trên diện rộng như sau: Dòng vốn đầu tư cho start up, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT tăng cao có thể tạo ra một thị trường lớn để các NĐT tài chính tham gia. Điều này cũng đồng thời kích thích các hoạt động mua bán cổ phần, M&A để vừa tạo ra lợi nhuận cho NĐT, vừa giúp DN gia tăng nguồn lực cho mình. Mặt khác, chính DN trong ngành cũng phải không ngừng nâng cao vị thế thông qua việc tích cực huy động vốn, sau đó đầu tư cho nguồn lực và cũng có thể tiến hành đầu tư, M&A DN nhỏ hơn. Chính những điều này có thể tạo ra những sự thay da đổi thịt, gia tăng quy mô và tăng tốc. Và chỉ cần những kết quả đầu tiên xuất hiện, chẳng hạn như những dự án start up trong nước thành công, kỳ vọng sẽ tăng cao và dòng vốn tiếp tục đổ vào.

Dường như các công ty CNTT trong nước hiện quá thiên về chuyên môn và hài lòng với những gì sẵn có hơn là những tham vọng, ý tưởng táo bạo. Việc trang bị những kỹ năng, hiểu biết về tài chính nhằm gia tăng nguồn lực, nguồn vốn cho mình cũng là một thách thức.

Các tin khác