TPHCM: Tìm cách ứng phó nhà bán lẻ ngoại

(TBKTSG) - Chính quyền TPHCM sẽ khẩn trương tìm giải pháp để giúp giữ thị phần bán lẻ cho doanh nghiệp nội, vì nếu chậm chân sẽ mất thị trường về tay các nhà bán lẻ nước ngoài mà hệ quả là sẽ có tác động rất lớn đến sản xuất trong nước.

(TBKTSG) - Chính quyền TPHCM sẽ khẩn trương tìm giải pháp để giúp giữ thị phần bán lẻ cho doanh nghiệp nội, vì nếu chậm chân sẽ mất thị trường về tay các nhà bán lẻ nước ngoài mà hệ quả là sẽ có tác động rất lớn đến sản xuất trong nước.

 

Phát biểu kết luận cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm diễn ra sáng nay (30-5), ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố, đề nghị Sở Công Thương gấp rút hoàn thành quy hoạch phát triển thương mại-dịch vụ, xây dựng chương trình về thương hiệu của thành phố, tập trung xác định những sản phẩm chủ lực của thành phố.

Theo ông Phong, sắp tới ông sẽ chủ trì một cuộc họp bàn biện pháp giữ vững và phát triển thị trường bán lẻ của thành phố.

“Nếu chúng ta không kiểm soát, không định hướng thị trường bán lẻ thì dứt khoát chúng ta sẽ bị tác động bởi các nhà bán lẻ nước ngoài”, ông Phong nói tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội thành phố 5 tháng đầu năm 2016 diễn ra sáng nay, 30-5.

Ông Phong nêu thêm chi tiết cho thấy các nhà bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc xem Việt Nam là thị trường tiêu thụ tiềm năng nhất, và có ý định xuất khẩu hàng hóa từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc vào Việt Nam thông qua các hình thức như nhập khẩu hàng giá rẻ, các nhãn hàng riêng…

Cũng theo ông Phong, Công ty CP của Thái Lan sở hữu bởi tỉ phú giàu nhất Thái Lan đang có mặt tại thành phố, còn Metro cũng đã được doanh nghiệp Thái Lan mua và đã sửa thành Mega Market Việt Nam… Còn Robins, Nguyễn Kim, Zalora , Big C Việt Nam cũng đang được sở hữu bởi nhà bán lẻ nước ngoài. Ngoài ra, Aeon của Nhật Bản đang phấn đấu thực hiện chiến lược đưa Việt Nam thành thị trường bán lẻ thứ nhì của họ ở khu vực châu Á sau Malaysia. Các nhà bán lẻ nước ngoài hiện đang chiếm 51% thị phần bán lẻ (kênh hiện đại - PV) tại thành phố.

“Như vậy, với định hướng của các nhà đầu tư lớn của nước ngoài thế này, nếu chúng ta không có chiến lược để làm đối sách ngay bây giờ thì chúng ta sẽ mất thị trường bán lẻ, sẽ bị các nhà đầu tư nước ngoài chi phối”, ông Phong nhấn mạnh và cho biết thành phố chủ động có giải pháp bây giờ là đã chậm nhưng còn hơn là thấy họ đến mà mình chịu thua.

Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND thành phố, sự khó khăn của hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn còn đó, thể hiện qua chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 5 tăng 3,4%, thấp hơn mức tăng đến 8,5% vào tháng 5-2015; sản xuất tăng chậm cho thấy doanh nghiệp thành phố vẫn đang đối mặt với những khó khăn nhất định.

Theo nhận định của ông Võ Văn Hoan, sắp tới tình hình hoạt động của doanh nghiệp có thể gặp khó khăn hơn nữa khi các hiệp định thương mại tự do như TPP được áp dụng. Khó khăn của doanh nghiệp bao gồm vốn, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, thị trường…

Theo ông Hoan, "nói gì thì nói hiện thị trường bán lẻ đang bị “tấn công” rất tinh vi, tấn công từ bên trong, các doanh nghiệp nước ngoài hình thành nên mạng lưới, sau đó thôn tính, nhiều hệ thống bán lẻ nước ngoài làm cả một chuỗi sản phẩm để đưa ra thị trường".

Ông Hoan đề xuất trong tháng 6 tới, thành phố nên có một cuộc họp chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo đó, từng sở, ngành nhóm lại các giải pháp hỗ trợ theo từng ngành cụ thể, nhóm giải pháp nào cần kiến nghị trung ương hỗ trợ, lên kế hoạch riêng hỗ trợ doanh nghiệp về tập huấn, đào tạo, vốn, thị trường… không chỉ cho năm 2016 mà trong cả những năm tiếp theo.

Trước đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết các nhà sản xuất kinh doanh thuộc hiệp hội này phản ánh rằng họ đang gặp khó khăn khi đưa hàng hóa vào các siêu thị do nước ngoài làm chủ. Thực tế đáng báo động là thị phần của doanh nghiệp sản xuất trong nước đang có xu hướng thu hẹp dần trên các kệ hàng tại các điểm bán lẻ ngay trên đất nước mình.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, lượng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất từng đạt 80-90% ở các kênh bán lẻ, thậm chí có những đơn vị đã coi hàng Việt Nam là sự lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, khảo sát sơ bộ gần đây tại một số hệ thống có yếu tố nước ngoài cho thấy tỷ lệ hàng ngoại đang chiếm đa số. Hàng Việt Nam bảo đảm chất lượng không khó vào siêu thị của doanh nghiệp trong nước, nhưng lại gặp nhiều trở ngại khi muốn đưa vào siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.

Các tin khác