Sửa Thông tư 36: Nới cho NH và DN

(ĐTTCO) - Sau thời gian dài lấy ý kiến, mới đây NHNN ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi một số nội dung tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN ban hành năm 2014. So với dự thảo trước đây, những quy định chính thức được nới hơn rất nhiều. Tuy vậy, việc sửa đổi này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến dòng vốn vào bất động sản (BĐS) và lãi suất trên thị trường.

(ĐTTCO) - Sau thời gian dài lấy ý kiến, mới đây NHNN ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi một số nội dung tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN ban hành năm 2014. So với dự thảo trước đây, những quy định chính thức được nới hơn rất nhiều. Tuy vậy, việc sửa đổi này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến dòng vốn vào bất động sản (BĐS) và lãi suất trên thị trường.

Giải pháp trung hòa

Thông tư 06 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài. Theo dự thảo trước đây, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS dự kiến tăng mạnh từ 150% lên 250%. Tuy nhiên, ở Thông tư 06 vừa ban hành, tỷ lệ này chỉ nâng lên 200% và được áp lộ trình thực hiện từ 1-1-2017. Với nội dung trước đây, NHNN giải thích việc nâng hệ số rủi ro nhằm kiểm soát sau khi tín dụng BĐS tăng mạnh trong 2 năm qua, cao hơn hẳn so với mức tăng trưởng tín dụng bình quân cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, Thông tư 06 giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 60% từ nay đến 31-12-2016, giảm dần xuống 50% từ 1-1-2017 và từ 1-1-2018 sẽ xuống 40%. Như vậy, NHNN đã giãn lộ trình thực hiện giới hạn trên trong hơn 2 năm thay vì áp dụng ngay 40% như dự thảo trước đây.

Thời gian qua, việc sửa đổi Thông tư 36 được giới tài chính đặc biệt quan tâm. Không ít ý kiến cho rằng nếu NHNN sửa đổi Thông tư 36 như dự thảo trước đây sẽ ảnh hưởng nhiều đến hệ thống NH, nhiều nhà băng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản bởi đang sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Việc điều chỉnh tỷ lệ rủi ro đối với cho vay BĐS cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến dòng vốn đổ vào thị trường này. Bên cạnh đó một số NH sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi hệ số an toàn vốn (CAR) hiện chỉ xấp xỉ ở mức theo quy định. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến ủng hộ việc sửa đổi Thông tư 36 như dự thảo, cho rằng việc siết dòng vốn trên thị trường tài chính là cần thiết để đảm bảo an toàn cho hệ thống NH và giảm dòng vốn quá nóng đang đổ vào BĐS.

Phù hợp với thực tế

Những quy định mới của Thông tư 06 được coi là giơ cao “đánh khẽ” và phù hợp với tình hình hiện nay của nền kinh tế. Đặc biệt có nhiều dấu hiệu như việc thâm hụt ngân sách, tăng trưởng kinh tế và lạm phát cho thấy kinh tế vĩ mô vẫn còn gặp nhiều khó khăn. TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, cho rằng việc Thông tư 06 vừa ban hành vẫn giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn của NHTM cho vay trung và dài hạn  ở 60% như quy định cũ cho đến hết năm nay là phù hợp với tín hiệu thị trường. Sự điều chỉnh có lộ trình như vậy sẽ giúp NH cơ cấu lại dòng vốn, vì đa số NH hiện đang huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Việc chưa thay đổi đột ngột hệ số rủi ro đối với tín dụng BĐS cũng giúp tránh tắc nghẽn dòng vốn cho thị trường này và các doanh nghiệp BĐS có thời gian chuẩn bị nguồn vốn thực hiện các dự án dở dang. TS. Bùi Quang Tín nhận định nếu vẫn giữ nội dung của dự thảo sửa đổi Thông tư 36 trước đây, lãi suất có nguy cơ bị đẩy lên cao, nên chỉ đạo của Chính phủ về việc phải giảm lãi suất 1% rất khó thực hiện.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân cho rằng nguồn cung BĐS hiện nay quá nhiều so với cầu, do đó trong trường hợp chủ đầu tư vay vốn NH mà không giải ngân theo tiến độ sẽ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo ông Nhân, khá nhiều doanh nghiệp BĐS trên thị trường đang khát vốn và cần dòng tiền tái đầu tư. Do đó việc siết dòng vốn tín dụng vào BĐS một cách có lộ trình là phù hợp để doanh nghiệp có sự chuẩn bị. Về phía NH, phần lớn khối nợ xấu đang bán cho VAMC vẫn chưa được xử lý, nhưng nếu không tiếp tục kiểm soát dòng tín dụng sẽ rủi ro khôn lường. Do đó, về lâu dài vốn cho BĐS vẫn phải được kiểm soát để tránh tình trạng đổ vỡ như giai đoạn 2007-2008.

Như vậy, việc sửa đổi Thông tư 36 theo kiểu đánh khẽ của NHNN khá phù hợp với bối cảnh thực tế hiện nay. Kinh tế vĩ mô chưa phục hồi vững chắc, đặc biệt hệ thống NH vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn bởi nợ xấu vẫn chưa được xử lý triệt để. Trong khi đó đời sống người dân, hoạt động doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi tình trạng ô nhiễm môi trường và thuế, phí. Do vậy việc không đột ngột siết lại hệ thống tài chính là cần thiết. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính, NHNN cũng phải nắn lại dòng chảy tín dụng, nâng cao hệ số an toàn cho hệ thống NH một cách có lộ trình.

Trong chỉ thị mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các TCTD kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được NHNN phê duyệt, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng; đồng thời kiểm soát chặt chẽ các khoản cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Các tin khác