Mở lại tín dụng ngoại tệ

(ĐTTCO) - Ngày 27-5, NHNN ban hành Thông tư 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ. Theo đó, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu được phép vay ngoại tệ để thanh toán trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến ngày 31-12-2016 với một số điều kiện. ĐTTC đã trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, xung quanh vấn đề này.

(ĐTTCO) - Ngày 27-5, NHNN ban hành Thông tư 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ. Theo đó, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu được phép vay ngoại tệ để thanh toán trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đến ngày 31-12-2016 với một số điều kiện. ĐTTC đã trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Sau 2 tháng ngừng cho vay ngoại tệ đối với các DN có nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước, nay NHNN gia hạn lại tín dụng ngoại tệ cho đối tượng này. Ông nhận định thế nào về quyết định này?

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định sau ngày 31-3-2016 DN xuất khẩu sẽ không còn được vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán trong nước. Điều này làm giảm nhu cầu ngoại tệ trên thị trường và được xem là giải pháp để tiến tới giảm dần và chấm dứt tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Song khi dừng cho vay ngoại tệ, yêu cầu đặt ra đối với các DN là phải cân đối lại chi phí sản xuất như giảm chi phí marketing, chi phí nhân sự, hành chính… và tăng hiệu quả sản xuất để bù trừ thiệt hại khi vay VNĐ.

Thực tế cho thấy đây không phải chuyện dễ. Nhìn vào GDP quý I-2016, mức tăng 5,46% thấp hơn so với mong đợi và dự báo nền kinh tế sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn khác. Vì vậy, quyết định mở lại tín dụng ngoại tệ đối với DN xuất khẩu vừa được NHNN ban hành có tác động tích cực trong việc hỗ trợ các DN, đặc biệt DNNVV. Cho vay ngoại tệ mang đến nhiều lợi ích. Trước hết, vay ngoại tệ lãi suất thấp để đổi ra VNĐ phục vụ sản xuất kinh doanh là nhu cầu của nhiều DN để cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu. Song song đó, cho phép vay ngoại tệ cũng có thể tạo ra hiệu ứng giảm áp lực vay vốn VNĐ, từ đó kéo giảm lãi suất cho vay VNĐ.

- Nhưng mở lại tín dụng ngoại tệ có thể ảnh hưởng đến lãi suất USD?

- Khi cho phép các DN vay vốn USD có thể làm tăng nhu cầu ngoại tệ và các NH phải cân bằng dòng vốn ngoại tệ, nên có thể sẽ tác động đến thị trường ngoại hối và lãi suất cho vay USD có thể sẽ tăng. Hiện nay, trần lãi suất huy động USD bằng 0%/năm nên NHTM khó huy động từ thị trường 1, song NHTM có thể huy động USD trên thị trường 2 (thị trường liên NH) để cung ứng vốn cho DN. Tuy nhiên, việc áp dụng lãi suất bằng 0%/năm đã làm thuyên giảm mạnh số dư tiền gửi bằng ngoại tệ. Do đó, nếu nhu cầu vay ngoại tệ tăng mạnh trong thời gian tới có thể dẫn đến tình trạng NHTM huy động USD qua những cách không chính thống như “đi đêm” với khách hàng để trả lãi suất.

- Vậy ông có cho rằng NHNN nên  tăng lãi suất tiền gửi USD để huy động nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân cư?

- Tại nước ta, đồng USD ảnh hưởng rất mạnh đến dòng chuyển động tiền tệ và chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế. Việc giảm lãi suất về 0% của NHNN nhằm khống chế hoạt động đầu cơ USD, chống đô la hóa nền kinh tế, tăng vị thế tiền đồng.

Ảnh minh họa: L.THANH

 Ảnh minh họa: L.THANH

Tuy nhiên, NHNN cũng có thể linh hoạt xem xét việc trả lãi suất tiền gửi USD, áp các mức trần như 0,25%/năm, 0,5%/năm và ưu tiên nguồn huy động trung và dài hạn vì 2 nguyên nhân. Thứ nhất, nếu muốn có nguồn USD dồi dào để phục vụ DN, đầu vào phải được tăng cường. Nếu lãi suất huy động vẫn bất động ở mức 0%/năm, người dân sẽ tự cất giữ để tiện giao dịch, thanh toán hoặc khi biến động sẽ đem bán ra trên thị trường tự do thay vì đem gửi vào NH. Thứ hai, trong tháng 6 này Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể tăng lãi suất USD, nếu lãi suất USD tăng nhưng chúng ta vẫn giữ lãi suất ở mức 0%/năm có thể dẫn đến hiện tượng chảy máu ngoại tệ.

- Nhưng nếu tăng lãi suất huy động USD sẽ ảnh hưởng đến chủ trương chống đô la hóa nền kinh tế?

- Chắc chắn là như vậy, vì thị trường ngoại hối đang ổn định một phần do lãi suất USD bằng 0%, nếu cho phép huy động USD với lãi suất nào đó sẽ làm tăng động cơ đầu cơ ngoại tệ. Trước giờ, NHNN vẫn kéo lãi suất VNĐ và USD giãn ra để người dân không có mong muốn đầu cơ, không lấy VNĐ mua ngoại tệ, nếu tăng lãi suất sẽ có hiệu ứng ngược lại. Nhưng trong trường hợp cần thiết, NHNN vẫn có thể tăng lãi suất USD kèm theo điều kiện giữ ổn định VNĐ để hạn chế tâm lý đầu cơ.

- Có quan điểm cho rằng nên phát hành trái phiếu bằng USD tại thị trường trong nước để hút ngoại tệ trong dân, ông nghĩ thế nào?

- Tôi cho rằng phát hành trái phiếu bằng USD ra thị trường quốc tế là hợp lý, nhưng không nên phát hành trái phiếu bằng USD trong nước để huy động nguồn ngoại tệ trong dân. Bởi, huy động nguồn USD từ dân cư bằng hình thức này sẽ tăng cường tính đầu cơ USD trong nước và khi trái phiếu đáo hạn Chính phủ sẽ chịu áp lực lớn do phải tìm nguồn USD để trả lại dân.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác