Không hiệu quả cách chống ngập manh mún

(ĐTTCO) - TPHCM có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư các công trình chống ngập, song thực tế hiện nay ngập úng vào mùa mưa và lúc triều cường vẫn luôn là nỗi ám ảnh người dân. Đâu là nguyên nhân và giải pháp hữu hiệu trong việc chống ngập? ĐTTC đã trao đổi với chuyên gia đô thị học PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển TPHCM, về vấn đề này.

(ĐTTCO) - TPHCM có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư các công trình chống ngập, song thực tế hiện nay ngập úng vào mùa mưa và lúc triều cường vẫn luôn là nỗi ám ảnh người dân. Đâu là nguyên nhân và giải pháp hữu hiệu trong việc chống ngập? ĐTTC đã trao đổi với chuyên gia đô thị học PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển TPHCM, về vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, khi nói đến nguyên nhân ngập nước ngày càng nặng tại các TP lớn như Hà Nội hay TPHCM, người ta hay viện dẫn do biến đổi khí hậu toàn cầu. Nguyên nhân này có xác đáng?

PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA: - Nói đến biến đổi khí hậu toàn cầu chúng ta phải nói đến Nghị định thư Kyoto. Đây là nghị định liên quan đến Chương trình khung về biến đổi khí hậu tầm quốc tế của Liên hiệp quốc, với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bản dự thảo được ký kết vào ngày 11-12-1997 tại Kyoto, Nhật Bản và đã có hiệu lực vào ngày 16-2-2005. Những người ủng hộ Nghị định thư Kyoto cho rằng công cuộc đấu tranh giảm thiểu các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính là việc làm tối quan trọng, vì các loại khí này là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng ấm nóng toàn cầu. Quan điểm này đã được minh chứng qua nhiều nghiên cứu, cũng như việc hầu như quốc hội các nước tham gia ký kết đều ủng hộ các quy tắc ứng xử trong Nghị định thư. Trong đó phần nhiều là các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức bảo vệ môi trường. Bản thân Liên hiệp quốc và các cơ quan tham vấn phát triển công nghệ (chủ yếu là của các nước G8) cũng đã đệ trình những báo cáo ủng hộ cho tương lai của Nghị định thư Kyoto.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học,vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ thực sự tác động lớn đến cuộc sống trên hành tinh cũng phải vài chục năm nữa. Thực tế việc biến đổi khí hậu có tác động đến mực nước biển dâng nhưng rất ít. Bên cạnh đó, so với nhiều năm trước, lượng mưa trung bình của những năm gần đây lớn hơn nhiều. Cách đây chừng 10 năm những trận mưa lớn nhất kết hợp với triều cường cao nhất cũng chỉ đến 1m50, còn hiện nay đã lên đến 1m72. Như vậy tình tình này chắc chắn còn trầm trọng hơn, kéo dài lâu hơn.

- Như vậy nguyên nhân chính là do con người, thưa ông?

- Phải khẳng định là như vậy. Ao hồ bị lấp, kênh rạch bị xâm hại, lấn chiếm, mặt đất bị bê tông hóa, quá trình cải tạo các công trình thoát nước không đồng bộ… là những nguyên nhân gây ngập nước tại nhiều đô thị hiện nay do chính chúng ta tự gây ra.

Tại TPHCM, những nơi được xem là túi chứa nước của TP mỗi khi trời mưa như khu Nam TP, Thủ Thiêm… thời gian qua bị san lấp rất nhiều để xây nhà cao tầng. Các con rạch, dòng kênh trong cả TP cũng bị xâm lấn rất nhiều. Những nơi có nhiều ao sen, ao trũng ở Tân Phú, Bình Tân để chứa nước mỗi khi trời mưa cũng đang bị lấp trong quá trình đô thị hóa… Hiện tượng đô thị hóa diễn ra quá nhanh, bê tông hóa với mật độ rất lớn còn đường đâu để nước thoát? Đó là chưa nói hệ thống thoát nước quá tải, dù thời gian qua chính quyền TP đã đầu tư cải thiện hệ thống thoát nước nhưng không đồng bộ. Đường ống thoát nước thiết kế chỗ to, chỗ nhỏ, khi mưa lớn nước chảy không kịp lại dội ngược lên miệng cống, trào ra đường gây ngập. Một điều nữa là hệ thống đường cống thoát nước ra kênh rạch hầu như giữ nguyên hiện trạng về cao trình trong quá trình cải tạo. Do không nâng cao lên được nên khi thay đường ống mới cũng không phát huy tác dụng nhiều, dù TP đã lắp đặt van hai chiều tại các cửa xả.

- Nói như vậy, chúng ta đang bất lực và chấp nhận sống chung với ngập nước, thưa ông?

- Công tác chống ngập thời gian qua phải nói khá manh mún, chắp vá, chưa có cách làm bài bản. Trong nhiều giải pháp chống ngập nhiều nước trên thế giới đã làm và phát huy tác dụng tốt, không phải giải pháp nào TP chúng ta cũng có thể áp dụng được. Thí dụ, Hà Lan là một quốc gia rất thành công trong việc bao đê chống ngập. Nhưng với TPHCM thì không thể vì vùng đất này gần như “không chân”, nếu muốn xây đê sẽ phải đào rất sâu để đổ bê tông, vừa không an toàn vừa rất tốn kém. Trong khi đó chúng ta có thể áp dụng giải pháp của Tokyo (Nhật Bản). Tokyo trước kia cũng bị tình trạng ngập rất nặng và chính quyền sở tại đã chọn giải pháp xây hồ dưới lòng đất, dẫn nước về đó khi có mưa hoặc triều cường. Theo đó, TP có thể làm ngay một số hồ chứa nước để thu nước mưa, trước mắt tại một số khu vực dễ bị ngập như khu Bàu Cát, Phú Lâm…

Cảnh ngập lụt thường thấy sau các trận mưa lớn ở TPHCM.

Cảnh ngập lụt thường thấy sau các trận mưa lớn ở TPHCM.

Chúng ta có thể hình dung đấy là những hồ cực lớn được xây dựng kiên cố dưới lòng đất, mỗi khi có mưa dùng hệ thống bơm hút nước vào hệ thống ống dẫn về hồ chứa. Bên trên các hồ này có thể là công viên hay các bãi đậu xe. Đặc biệt, lượng nước thu về có thể dùng để tưới rửa. Hiện nay chúng ta dùng nước sạch để tưới cây rất lãng phí, trong khi nước mưa lại không dự trữ được. Khi đó điều kiện chúng ta sẽ làm đại trà với nhiều hồ lớn. Tôi đã có dịp tìm hiểu các hồ tại Nhật Bản, rất quy mô, hệ thống thu gom, xử lý rất hiện đại, rộng như một quảng trường. TPHCM hoàn toàn có khả năng làm được như vậy. Còn cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước hiện nay chỉ là tạm thời, manh mún.

Ngoài ra TP cần tiến hành nạo vét, khơi thông các kênh rạch, trả lại hiện trạng ban đầu các ao hồ. Thực tế thời gian qua, TP đã rất nhiều lần yêu cầu trong quá trình đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, chủ đầu tư lấp bao nhiêu mặt nước phải trả lại bấy nhiêu diện tích chỗ khác để bù vào, nhưng chả thấy ai làm. Bên cạnh đó, từng người dân cũng cần có ý thức chống ngập. Theo đó, trong từng gia đình có thể xây hồ chứa nước mưa, dùng nước đó tưới cây vào mùa khô. Giải pháp nữa là cần thay đổi cách thức xây bệ bao quanh cây xanh trồng trên vỉa hè, bê tông hóa lối đi… tạo điều kiện tốt nhất cho nước mưa ngấm xuống đất.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác