Sẽ có siêu bộ quản lý tập đoàn, tổng công ty

(ĐTTCO) - Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang trực thuộc quản lý của 13 bộ, ngành trung ương và các địa phương. Tuy nhiên khối tài sản khổng lồ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu kinh doanh đang phân tán, không phát huy hết hiệu quả.

(ĐTTCO) - Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang trực thuộc quản lý của 13 bộ, ngành trung ương và các địa phương. Tuy nhiên khối tài sản khổng lồ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu kinh doanh đang phân tán, không phát huy hết hiệu quả.

 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 781 DN 100% vốn nhà nước có tổng tài sản hơn 3,1 triệu tỷ đồng xấp xỉ 147 tỷ USD, trong đó vốn chủ sở hữu các DNNN đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả kinh doanh khối tài sản khổng lồ này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Trưởng ban soạn thảo Nghị định về tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại DN, cho biết thời gian tới sẽ thành lập cơ quan chuyên trách cấp Bộ trực thuộc Chính phủ để phát huy hiệu quả khối tài sản này.

Tăng 1% ROE vốn DNNN tạo ra hơn 1% GDP

Ông Cung cho rằng nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước sẽ là đòn bẩy để tăng trưởng, đạt đến thịnh vượng quốc gia trong giai đoạn 2016 - 2020. Đây là một tiềm năng rất lớn của quốc gia. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy Chính phủ các nước là người giàu nhất quốc gia gồm cả tài sản thương mại và phi thương mại. Nên thời gian gần đây bất cứ chính phủ nào cũng nghĩ đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, tài sản nhà nước như một cách thức để đạt được tăng trưởng và thịnh vượng quốc gia.

Người ta tính toán nếu tăng 1% ROE của tài sản nhà nước sẽ giúp tăng 1% trưởng GDP toàn cầu. Nếu tăng được 2% ROE sẽ bằng tổng chi phí toàn cầu cho nghiên cứu và phát triển, bằng GDP của Australia. Nếu tăng được 3% ROE sẽ bằng tổng chi phí toàn cầu cho đầu tư phát triển hạ tầng, bằng GDP của Pháp. Đó là kết quả nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015.

Ở Brazil trong 18 năm (1993 - 2011) quá trình nâng cao hiệu quả quản trị DNNN và cổ phần hóa DNNN giúp tăng GDP đầu người từ 4.000USD/năm lên 110.000 USD/năm. Tác động của cải cách khu vực DNNN và nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh DNNN tác động rất lớn đến quá trình tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.

Ở Việt Nam tài sản công bao nhiêu, ở loại nào đến giờ không tính được nhưng chắc chắn rất lớn. Tài sản DNNN tính bằng sổ sách ước đạt tổng tài sản 147 tỷ USD, nếu tính toàn bộ các DNNN có 100% và trên 50% vốn nhà nước, tổng nguồn vốn kinh doanh của DNNN lên tới 257 tỷ USD. Đây là chưa tính đến giá trị tài sản đất đai, một tài sản rất giá trị ở Việt Nam. Tính tối đa theo giá thị trường, giá trị khối tài sản này lớn hơn rất nhiều.

Những tính toán của Ciem cũng cho thấy nếu tăng 1% ROA vốn và tài sản DNNN hiện nay, 1 năm nền kinh tế sẽ thu được 2,6 tỷ USD. Con số này lớn hơn giá trị tăng trưởng 1% GDP. Giả sử nền kinh tế dự báo tăng trưởng bình quân 6,5%/năm, giai đoạn tới nếu cải thiện được hiệu suất sử dụng vốn khu vực DNNN sẽ đạt tốc độ tăng GDP 7,5 - 8% tăng trưởng kinh tế trong tầm tay.

Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng kinh tế 8 - 9%/năm trong giai đoạn tới hoàn toàn nằm trong tầm tay. Chứ không phải “lẹt đẹt” ở mức 5 - 6% như hiện nay. Dư địa tăng trưởng vẫn còn.

Thành lập cơ quan chuyên trách quản lý DNNN thuộc Chính phủ

Cải cách hiệu quả hoạt động DNNN như một phương cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, thời gian qua ở Việt Nam lại cho thấy nhiều thứ đang làm hao mòn tài sản công, làm nghèo quốc gia hơn là tăng thịnh vượng quốc gia. Nhưng điều đáng tiếc chúng ta không ai chịu trách nhiệm, đấy là điều cần phải thay đổi.

Thời gian qua đã có những dự án đầu tư lãng phí lớn của DNNN như dự án xơ sợi Đình Vũ, phân đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên, và hàng loạt nhà máy ethanol, trước đó là Vinashine và Vinalines… Hay đầu tư đường cao tốc Việt Nam đắt nhất thế giới, khảo sát cho thấy đầu tư tư nhân chỉ bằng một nửa đầu tư nhà nước. Đảo ngược xu thế này là một mệnh lệnh. Và điều này chỉ thực hiện được khi có một cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm về sử dụng vốn, tài sản tại DNNN.

Theo Tổng cục Thống kê, nếu tính toàn bộ các DN có 100% và trên 50% vốn nhà nước, tổng nguồn vốn kinh doanh tại các DNNN đạt hơn 5,4 triệu tỷ đồng. Các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, với khối tài sản khổng lồ như vậy chừng nào chưa quy trách nhiệm cho ai chừng đó chưa đảo ngược được xu thế đầu tư kém hiệu quả hiện nay. Cải thiện hiệu quả DNNN nói chung, thực hiện quyền chủ sở hữu DNNN nói riêng là việc không thể không làm.

Ngay từ Đại hội VII của Đảng chủ trương tách chức năng quản lý hành chính và chức năng chủ sở hữu DNNN đã có. Nhưng 20 năm qua vẫn bàn. Cần học tập mô hình Trung Quốc đã làm từ năm 1997 - 2003 và thành lập ra được Ủy ban giám sát quản lý tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC). Singapore năm 1972 họ thành lập Công ty quản lý tài chính nhà nước Temasek.

Ông Phạm Đức Trung, Phó Trưởng Ban nghiên cứu cải cách và phát triển DN (Ciem), cho biết việc thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý DNNN là làm theo Luật quản lý vốn DNNN. Nghị quyết 12 của Đảng đã đưa quan điểm mạnh mẽ hơn về cải cách DNNN theo hướng tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các DN; thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN. Bởi chức năng quản lý DNNN khác hẳn với quản lý hành chính nhà nước.

Việc xóa bỏ chức năng quản lý DNNN của các Bộ, địa phương và thành lập cơ quan chuyên trách điều này đã rõ. Phải tập trung nguồn lực để sử dụng nguồn lực này hiệu quả để phát triển quốc gia hơn phân tán ở nhiều Bộ. Phải làm vậy mới đảm bảo vị trí trung lập Nhà nước trong điều hành thị trường.

Không thể vừa quản lý DNNN vừa điều hành thị trường tạo ra sự bất công, méo mó sự phân bổ nguồn lực. Hiện có 13 Bộ và các địa phương đang quản lý DNNN trong tất cả các lĩnh vực. Cần phải tập trung việc quản lý nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia tránh tình trạng phân tán nguồn lực.

Các tin khác