​Quý I, có 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp

(ĐTTCO) - Nhiều học viên trường nghề đã được doanh nghiệp cam kết tiếp nhận vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Trong khi số người có trình độ CĐ trở lên đang thất nghiệp ở mức cao và tăng lên rất nhanh.

(ĐTTCO) - Nhiều học viên trường nghề đã được doanh nghiệp cam kết tiếp nhận vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Trong khi số người có trình độ CĐ trở lên đang thất nghiệp ở mức cao và tăng lên rất nhanh.

Đó là thông tin được nhiều chuyên gia cho biết tại hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) ở VN” do Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB&XH, Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại VN (GIZ) tổ chức sáng 26-5.

Người có trình độ CĐ trở lên thất nghiệp tăng nhanh

Theo TS Bùi Thế Đức - phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, đến nay cả nước có khoảng 300 KCN, KCX được phân bố ở hầu hết tỉnh, thành với hơn 2 triệu lao động đang làm việc. Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề hiện nay còn nhiều yếu kém, chất lượng và cơ cấu nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của doanh nghiệp.

“Năng suất lao động ở VN còn rất thấp trong khu vực, thua xa so với các nước phát triển. Tình trạng lao động qua đào tạo ở trình độ cao thất nghiệp nhiều. Quý 1-2016 cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp”, ông Đức cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, chất lượng nhân lực ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước phát triển trong khu vực, đang mất sức cạnh tranh trên thị trường lao động, cơ cấu lao động bất hợp lý; số người có trình độ CĐ trở lên đang thất nghiệp ở mức cao và tăng nhanh.

Trong khi đó, những năm gần đây khoảng 80% người lao động trong KCN, KCX là lao động phổ thông. Nhiều lao động qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không muốn nhận sinh viên tốt nghiệp. Họ tự đào tạo lao động cho doanh nghiệp vì không tin tưởng vào chất lượng nhiều cơ sở đào tạo ở VN.

70% học sinh học nghề có việc làm

Trong khi đó, TS Nguyễn Hồng Minh, tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, đánh giá chất lượng đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho các KCN nói riêng từng bước được nâng lên, thể hiện qua kết quả tốt nghiệp và tìm được việc làm sau đào tạo.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành, năm 2015 tỉ lệ học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm đạt khoảng 70%. Nhiều trường có những nghề trên 90% học viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp. Một số nghề có số học sinh có việc làm ngay khi tốt nghiệp chiếm tỉ lệ cao, trên 77% (đối với các nghề có số lượng học viên tốt nghiệp lớn hơn 500 người) như: kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò, công nghệ dệt, công nghệ hóa nhuộm, kỹ thuật xây dựng, lâm sinh, may thời trang, kỹ thuật dược, nguội sửa chữa máy công cụ, nghiệp vụ nhà hàng…

Các đại biểu dự hội thảo sáng 26-5 tại TP.HCM.
Các đại biểu dự hội thảo sáng 26-5 tại TP.HCM.

Theo báo cáo của các sở LĐTB&XH, ngay trong quá trình thực tập tốt nghiệp đã có nhiều học viên, nhất là học viên khá giỏi được doanh nghiệp cam kết tiếp nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Mức lương khởi điểm bình quân của học viên sau khi tốt nghiệp đạt 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, trong đó mức lương khởi điểm cao nhất là nghề lái ôtô hạng E và hạng F đạt 7-9 triệu đồng/tháng, mức lương thấp nhất không dưới 2 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Vẫn còn một số khó khăn thách thức nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề, một phần vì tính chất công việc của sản xuất, phần khác vì người lao động qua đào tạo phải trả lương cao”.

Đồng thời, ông Minh cho rằng để nâng cao chất lượng nhân lực trực tiếp cho các KCN, vấn đề cốt lõi là phải tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Cần khuyến khích hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm đào tạo tại KCN, xây dựng mô hình “trường trong doanh nghiệp”.

5 khuyến nghị phát triển nhân lực chất lượng cao

Tại hội thảo, TS Hoàng Ngọc Vinh, vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, đã nêu 5 khuyến nghị để phát triển nhân lực chất lượng cao:

1. Đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng hình thành năng lực và phẩm chất là yếu tố then chốt: kỹ năng tư duy, giao tiếp, làm việc nhóm, trung thực, sáng tạo, toán học, thông tin, dân chủ, lãnh đạo và quản lý, kỷ luật… Sớm dạy kỹ năng mềm cho học sinh.

2. Giáo dục nghề nghiệp phải đi bằng nhiều con đường, nhiều loại hình, hướng đến việc làm, thu nhập, năng suất và hiệu quả. Cả đào tạo kỹ năng và đào tạo đến văn bằng, chuẩn hóa trình độ kỹ năng…

3. Thúc đẩy tư nhân hóa công tác đào tạo phát triển kỹ năng.

4. Mối quan hệ giữa trường và doanh nghiệp, tái cơ cấu kinh tế gắn với tái cơ cấu hệ thống đào tạo.

5. Tự chủ cho các cơ sở đào tạo để phản ứng linh hoạt trước đòi hỏi của thị trường.

Các tin khác